Thứ 7, 27/04/2024 07:39:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 10/04/2016 GMT+7

Tuy là muộn, nhưng...

Chủ nhật, 10/04/2016 | 08:51:00 133 lượt xem

BP - Trước thông tin Bộ Công thương thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động của 7 công ty bán hàng đa cấp (Thiên Ngọc Minh Uy, Unicity Maketing Việt Nam, Amway Việt Nam, Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Liên kết Tri thức, Liên minh tiêu dùng Việt Nam và Công ty TNHH nhượng quyền Thăng Long) được dư luận đồng tình và cho rằng tuy là muộn nhưng vẫn còn hơn không. Bởi trong thời gian qua, “cơn bão” bán hàng đa cấp đã “tràn” và “càn quét” khắp các ngõ hẻm, gây nhiều hậu quả nặng nề trong đời sống, sinh hoạt của người dân.

Sau hàng loạt các vụ vỡ nợ vì lừa đảo thông qua bán hàng đa cấp cho thấy, những kẻ bất lương đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi bất chính. Cụ thể, kẻ lừa đảo Lê Xuân Giang, khoác trên mình chiếc áo đại tá quân đội, lập ra Công ty Liên kết Việt để kinh doanh hàng đa cấp đã chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng bằng những trò bịp bợm. Theo hồ sơ của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Lê Xuân Giang cùng đồng phạm Nguyễn Thị Thủy đã thành lập Công ty Liên kết Việt để lừa đảo hơn 60.000 người. Sau khi Giang, Thủy và đồng bọn bị tra tay vào còng thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện tiếp vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vipha Việt Nam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức kinh doanh đa cấp. Chỉ trong thời gian ngắn, Thu và đồng bọn đã lôi kéo được gần 500 khách hàng với số tiền xác minh ban đầu hơn 20 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Công thương cũng đã xử phạt Công ty Liên kết Việt 570 triệu đồng vì những sai phạm trong kinh doanh nhưng không cảnh báo sớm nên tập đoàn lừa đảo này vẫn vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp nơi. Cùng với Liên kết Việt thì Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cũng xâm nhập vào thị trường vùng sâu, vùng xa để bày trò bán hàng đa cấp, lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin. Vì vậy, trong năm 2015, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy liên tục bị lực lượng quản lý thị trường các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Cà Mau... xử phạt hàng trăm triệu đồng. Nhưng do nguồn lợi bất chính từ kinh doanh đa cấp quá lớn không làm cho công ty này “chùn tay” mà liên tục mở rộng thị trường. Ngay tại Bình Phước, có 8 cơ sở kinh doanh hàng đa cấp đang hoạt động, trong đó phần lớn cơ sở đều thuộc về Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

Trước khi Lê Xuân Giang và Nguyễn Thị Thủy bị bắt, ở các cơ sở của công ty bán hàng đa cấp tại Bình Phước vẫn tấp nập kẻ vào người ra. Chủ các cơ sở liên tục tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm, kêu gọi người dân tham gia... làm cho những nơi có văn phòng công ty thêm náo nhiệt. Tại đường Lê Duẩn, thị xã Đồng Xoài vào cuối năm 2015, nơi có treo bảng hiệu “Thiên Phúc - Đồng Xoài”, lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Thế nhưng hiện nay, theo một số người dân trong khu vực cho hay, cơ sở này hiện rất vắng khách chỉ có vài người lặng lẽ đến rồi vội vàng đi, không rầm rộ xe đưa đón như trước... Một số cơ sở của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại các huyện khác cũng rơi vào tình trạng ảm đạm... Theo báo cáo của ngành chức năng, sau khi Liên kết Việt bị phanh phui, kẻ lừa đảo bị bắt thì cả nước đã có 6 công ty kinh doanh đa cấp dừng hoạt động, trong đó 5 công ty bị rút giấy phép.

Và điều muốn nói ở đây là tại sao các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương không tìm hiểu kỹ về hoạt động của các công ty bán hàng đa cấp trước khi cấp giấy phép, mà để đến khi hàng chục ngàn người dân nghèo bị lừa đảo cả ngàn tỷ đồng thì mới vào cuộc? Và sự việc trên là tiếng chuông cảnh báo cho người dân về hoạt động bán hàng đa cấp.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu