Thứ 4, 24/04/2024 20:39:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:22, 28/03/2011 GMT+7

Thành Châu Sa

Thứ 2, 28/03/2011 | 09:22:00 517 lượt xem
Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc. 

Châu Sa

là một thành cổ được đắp bằng đất và theo kinh nghiệm của nhà nghiên cứu thì Châu Sa là thành cổ duy nhất bằng đất của người Chăm tìm thấy được. So với kinh đô Đồng Dương của người Chăm ở Quảng Nam thì Châu Sa cũng là trung tâm kinh tế của vùng phía Nam và là thành luỹ kiên cố. Chân thành rộng 20-25m, cao 4-6m, mặt thành rộng từ 5-8m. Bốn góc thành hiện giờ có 4 ụ đất, đây được xem là dấu tích của 4 tháp canh.

Khuôn viên của thành được bao bọc bởi những bờ hào khá sâu. Thành còn có 2 gọng thành (còn gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà (người Chăm rất giỏi thủy chiến nên thường xây dựng thành quách ở gần những con sông lớn). Châu sa là địa điểm có nhiều ưu thế về phòng thủ nên được các nhà quân sự chọn làm địa điểm xây thành. Nơi đây còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nối với Cổ Luỹ là tiền đồn của người Chăm. Vào những đêm tối trời chỉ cần đốt lên một ngọn lửa là quan quân ở thành Châu Sa sẽ nhận ra tín hiệu cấp báo có quân giặc tới. Phương thức báo hiệu giăc đến này gợi cho du khách nhớ đến phương thức đánh giặc của vua Chu xứ Hoa ngày xưa.

Ở gọng thành phía Đông ngày xưa vốn là nơi sản xuất gốm. Qua khai quật người ta đã tìm thấy ở đây nhiều loại gốm với nhiều chủng loại văn hóa khác nhau. Ở vùng cửa biển Sa Kỳ và bến sông Vực Hồng vùng Thu Xà cũng tìm được những mảnh gốm có cùng niên đại với Châu Sa.

Thành Châu Sa


Ngoài ra người ta cũng phát hiện nhiều hiện vật gốm cổ như thẻ bài để đeo trên người gọi là “cút”. Các “cút” này dày 1cm, bề ngang 5cm và dài chừng 7-10cm. Cách thành Châu Sa chừng 500m, có tháp cổ Gò Phố là nơi hành hương của các tín đồ Bàlamôn vào những ngày lễ. Trong thành cổ người ta còn tìm thấy dấu vết của một kho lương thực khá lớn.

Du khách tìm về Châu Sa tìm về những nét đẹp cổ xưa của thành cổ không chỉ chiêm ngưỡng những gì mà cổ nhân đã để lại mà còn được tận mắt thấy những ngôi mộ cổ bí ẩn của người xưa.

Những dấu ấn của lịch sử trải qua hàng ngàn năm, qua bao phong ba bão táp, qua những đoạn đường của chiến tranh nghiệt ngã vẫn giữ được nét đẹp để rồi hình thành nên những văn hóa của dân tộc mà người đời sau tôn thờ và kính nể.

                                                                                (Theo Vietbalo.net)
  • Từ khóa
88691

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu