Thứ 4, 24/04/2024 16:36:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:44, 12/08/2015 GMT+7

UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các Luật mới

Thứ 4, 12/08/2015 | 13:44:00 1,535 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình của phiên họp thứ 40, ngày 11-8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Luật Trưng cầu ý dân.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp

Đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, Khoản 2, Điều 16 dự án luật quy định: Căn cứ vào chương trình kỳ họp, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề mà xã hội quan tâm, Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy là quá hẹp vì Hiến pháp cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng, Điều 16 quy định như vậy là thu hẹp quyền chất vấn của đại biểu, do đó cần bám sát Hiến pháp. Đối với việc không tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, ông Hiền đề nghị cần quy định cụ thể trong luật để đảm bảo thống nhất chung quyền giám sát của Hội đồng nhân dân. 

Theo ý kiến các đại biểu, các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát rất có hiệu quả, do đó cần có quy định cụ thể để nâng cao chất lượng chất vấn. 

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự án Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân so với Điều 80 Hiến pháp là nhất quán. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cần thiết mới ra nghị quyết, nếu không sẽ trùng với việc ra nghị quyết chất vấn tại Quốc hội. 

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, chất vấn tại Thường vụ Quốc hội thì sẽ có kết luận về cuộc chất vấn, trừ trường hợp cần thiết mới ra nghị quyết để nói rõ trách nhiệm về vấn đề quản lý Nhà nước.  

* Buổi chiều, các đại biểu đã thảo luật Luật Trưng cầu ý dân (TCYD). Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Hiến pháp đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức TCYD nên kết quả TCYD của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này. 

Mặt khác, vấn đề đưa ra TCYD đã được người dân lựa chọn, quyết định nên mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện. Do đó, không nên quy định việc Quốc hội xác nhận kết quả TCYD hoặc xem xét, thông qua lại các nội dung đã được người dân bỏ phiếu, tán thành.  

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nên chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện TCYD theo quyết định của Quốc hội chứ không nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố kết quả. 

Khi có kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ báo cáo trước Quốc hội rồi Quốc hội ban hành nghị quyết xác nhận kết quả TCYD, có thể kèm văn bản thực hiện, như vậy mới phản ánh đúng tầm quan trọng của việc TCYD. 

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cũng cho rằng, Điều 59 Luật Tổ chức Quốc hội cũng ghi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm công bố kết quả TCYD trước Quốc hội. Do đó, đề nghị làm rõ thêm vấn đề này. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tổ chức TCYD, còn kết quả phải báo cáo Quốc hội, Quốc hội phải có động thái công nhận kết quả này, nói rõ kết quả TCYD có hiệu lực pháp lý khi nào, thực hiện thế nào… “Vấn đề này cần được suy nghĩ thêm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.  

Về quyền và nghĩa vụ của công dân khi bỏ phiếu TCYD, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng, vấn đề này chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng. 

Ông Hiền dẫn chứng: “Theo Hiến pháp, quyền của công dân là đủ 18 tuổi  thì được bỏ phiếu nhưng một số quyền khác thì chưa được thể hiện rõ trong dự thảo. Ví dụ như quyền được cung cấp thông tin, quyền khiếu nại tố cáo của công dân, bên cạnh quyền còn là nghĩa vụ như thế nào để công dân thể hiện chính kiến của mình khi bỏ phiếu”.

Về phạm vi tổ chức TCYD, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định TCYD được tổ chức và thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về TCYD ở địa phương và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định TCYD là của Quốc hội, chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra TCYD là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. 

Do đó, nếu chỉ thực hiện việc TCYD trong phạm vi một địa phương cụ thể thì có thể dẫn đến kết quả mang tính cục bộ, phiến diện, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân cả nước. 

Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương, Ủy ban Pháp luật cho rằng, không nên thực hiện TCYD mà áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế-kỹ thuật có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân.

Nguồn Chính Phủ

  • Từ khóa
22634

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu