Thứ 6, 29/03/2024 12:32:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 09:24, 26/11/2017 GMT+7

Ủng hộ ba “đi bước nữa”!

Chủ nhật, 26/11/2017 | 09:24:00 303 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

BP - Ba mẹ em sinh được 2 người con và giờ đều trưởng thành, có gia đình riêng. Khoảng 5 tháng trước, mẹ em mất vì bệnh ung thư. Ba đòi ở lại căn nhà trước đây ba mẹ vẫn ở mà không chịu về chung sống cùng gia đình anh trai em với lý do không thích gò bó, phụ thuộc và vì ba còn khỏe mạnh lại có lương hưu. Chúng em tôn trọng quyết định của ba và thường xuyên tới thăm nom, chăm sóc, giúp ông vui vẻ bên con, cháu. Vậy mà cuối tuần vừa qua, ba gọi chúng em đến thông báo muốn “danh chính ngôn thuận” đưa cô Hồng, đã góa chồng 2 năm trước, người cùng xã, về chung sống, nương tựa nhau lúc tuổi già. Những lời của ba như mũi dao đâm vào tim hai anh em vì còn chưa  tới giỗ đầu của mẹ.

Chúng em vẫn biết khi mẹ bệnh, ba không làm gì có lỗi và giờ ba muốn đi bước nữa cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc ba đột ngột đòi lấy vợ khi mẹ mới mất chưa được bao lâu khiến chúng em rất “sốc”. Trước đây, mẹ là người luôn hết lòng vì chồng, con và gia đình chồng; còn ba rất gia trưởng, luôn độc đoán trong mọi chuyện nên chúng em thương mẹ nhiều hơn. Bao năm chung sống, ba không thể hiện tình cảm yêu thương, chiều chuộng mẹ nhưng vì mẹ có tính cam chịu nên hai người không to tiếng cãi vã... Việc ba muốn lấy vợ sớm khiến chúng em có cảm giác ba không yêu thương, nặng tình với mẹ.

Hai anh em đều hiểu rằng, có người phụ nữ bên cạnh chăm sóc sẽ tốt cho ba, vì dân gian có câu “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nhưng chúng em muốn ba để qua giỗ đầu mẹ rồi hãy tính chuyện lấy vợ, vì không chỉ mẹ tủi thân mà mọi người còn dị nghị, cười chê... Vậy mà ba kiên quyết không nghe. Theo ba, con cái đều có gia đình riêng, phải hiểu cảnh cô đơn, cần người chăm sóc của ba chứ không nên ngăn cản...

Thanh Hằng (Bình Long)  

Thanh Hằng thân mến!

Dù là người trưởng thành, khi chứng kiến cảnh cha (mẹ) “đi bước nữa” đều khó tránh khỏi bối rối, lo lắng. Thế nhưng người già cô đơn, hiu quạnh và muốn “đi bước nữa” là nhu cầu chính đáng, không vi phạm pháp luật. Vì thế, nếu ba em muốn kết hôn một cách tự nguyện thì các em nên tạo điều kiện cho hai người đạt được ý nguyện.

 Ở tâm sự của em, chị mừng vì hai anh em đều hiểu chuyện, không cấm cản ba “đi bước nữa”. Điều lấn cấn là các em không muốn ba sớm lấy vợ khi mẹ mới mất sẽ khiến thiên hạ chê cười... Nhưng theo chị, xã hội hiện đại đã không còn nặng nề định kiến, nếu việc làm đó là vì hạnh phúc của mỗi người mà không phương hại đến ai. Và con cái cũng không nên ngại dư luận để những người góa bụa như ba em phải chịu thiệt thòi... Nếu muốn hài hòa mong muốn của ba và các em thì nên bàn bạc để ba qua lại, thăm nom người phụ nữ kia như bạn tâm giao; chờ qua giỗ đầu của mẹ sẽ chính thức đưa “người mới” về... Nếu khéo léo đưa ra ý kiến thì chị tin việc thuyết phục ba em sẽ dễ dàng hơn.

Ngọc Mai 

  • Từ khóa
107866

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu