Thứ 5, 25/04/2024 11:55:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:30, 06/06/2013 GMT+7

Ưu đãi thuế cần cụ thể với từng loại hình doanh nghiệp

Thứ 5, 06/06/2013 | 08:30:00 218 lượt xem

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (đang diễn ra tại Hà Nội), Chính phủ đã trình Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đề xuất trong giai đoạn 2014-2015, áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng mức thuế suất 20%.

Tuy nhiên, cũng trong dự thảo này, Chính phủ đã đưa ra tiêu chí: Doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm không quá 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 200 lao động. Và với tiêu chí này thì xem ra việc ưu đãi thuế trên không mang lại hiệu quả thiết thực cho số đông doanh nghiệp thuộc loại này, thậm chí đối với không ít doanh nghiệp thì việc ưu đãi trên có cũng như không. Vì, trong tình hình thực tế hiện nay có hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước đang lâm vào tình cảnh sản xuất - kinh doanh thua lỗ hoặc không có thu nhập chịu thuế hay đã, đang bên bờ vực phá sản. Do đó, nếu Chính phủ có thực hiện chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% như hiện nay xuống còn 20% hoặc giảm sâu hơn nữa thì đa số doanh nghiệp cũng không được hưởng vì không có thu nhập.

Đó là chưa kể đến trường hợp với tiêu chí quy định như trên, thì sẽ có doanh nghiệp chỉ cần qua một đêm đã trở thành doanh nghiệp lớn và phải chịu thuế suất 22% thay vì 20%. Ví dụ, doanh nghiệp A đang là doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ, nhưng ký được một hợp đồng có giá trị lớn làm cho doanh thu của doanh nghiệp này vượt quá 20 tỷ đồng/năm, thì sau đó bỗng dưng đã trở thành doanh nghiệp lớn. Và đương nhiên khi đó doanh nghiệp này phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 22% chứ không phải 20%.

Cũng xuất phát từ bất cập trên, để giảm nghĩa vụ phải đóng thuế, chắc chắn tất cả những doanh nghiệp đã hoặc gần đạt mức doanh thu 19,9 tỷ đồng thì họ sẽ dừng lại không làm nữa, vì họ sợ phải đóng thuế cao hơn. Ở đây còn một bất cập nữa: Ví dụ, doanh nghiệp A có 100 lao động (thuộc loại doanh nghiệp nhỏ) và đang trả lương với mức tạm tính là 3 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, một năm doanh nghiệp này phải chi khoản tiền 3,6 tỷ đồng để trả lương cho người lao động. Nếu doanh nghiệp trả lương tháng 13 thì chi phí trả lương trong một năm đã hết 4 tỷ đồng. Mà để có được 4 tỷ đồng trả lương chí ít doanh nghiệp này phải có nguồn vốn trên 40 tỷ đồng. Vì trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay, việc sản xuất - kinh doanh có lãi 10% trên tổng số vốn đã là điều vô cùng khó.

Do đó, để việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự giúp doanh nghiệp có lãi và tăng cường thêm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thì tiêu chí về doanh nghiệp vừa và nhỏ như trong Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần được điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể là đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thì tiêu chí về nguồn vốn phải tăng lên. Đối với những doanh nghiệp chế biến nông - lâm - hải sản thì tiêu chí về số lao động phải nâng lên.

N.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu