Thứ 5, 25/04/2024 12:55:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:12, 04/07/2019 GMT+7

Vắc-xin cho cây tiêu

Thứ 5, 04/07/2019 | 08:12:00 130 lượt xem
BP - Ngày 2-7, tại cuộc họp về “Giải pháp sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết các nhà khoa học của học viện đã phân lập được tế bào PAM để sản xuất vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi và đang nghiên cứu nhân lên số lượng lớn, sớm thương mại hóa ra thị trường.

>> Chủ động khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi
>> Tăng cường cô lập dịch tả lợn châu Phi tiến tới công bố hết dịch

Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành khắp cả nước, chỉ riêng mấy tháng qua đã gây thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tại Bình Phước, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều hộ dân ở Đồng Phú, Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành, Phú Riềng... và gây ra thiệt hại không nhỏ. Dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ, sau đó lan ra toàn cầu. Suốt 1 thế kỷ qua, với dịch tả lợn châu Phi, giải pháp tối ưu nhất là tiêu hủy lợn bị bệnh. Bởi sau 100 năm, các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc thương mại hóa các loại vắc-xin này không khả thi do chi phí sản xuất cao. Vì vậy, việc phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng vắc-xin không được thực hiện.

Việc các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ sau 4 tháng nghiên cứu đã tìm ra giải pháp và sản xuất được vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi với giá có thể đưa ra thị trường không chỉ là tin vui rất lớn đối với người chăn nuôi lợn - một trong những lĩnh vực chăn nuôi chủ lực của nước ta, chế biến và tiêu thụ sản phẩm làm từ thịt lợn, mà còn là tin vui, là niềm vinh dự của cả ngành nông nghiệp. Không chỉ như vậy, điều đó còn mang lại niềm tin rất lớn với hàng triệu nhà nông trong cả nước. Bởi qua đây cho thấy, khoa học Việt Nam nói chung và các nhà khoa học Việt Nam nói riêng có đủ khả năng nghiên cứu tìm ra giải pháp cho những lĩnh vực khó, thậm chí có thể tìm ra giải pháp cho cả những vấn đề thế giới chưa tìm được lời giải hiệu quả.

Trong buổi làm việc ngày 12-6-2019 giữa đoàn công tác của Bình Phước với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã đề xuất với Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng và các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam 6 nhóm nội dung hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có những lĩnh vực có tác động to lớn đến hàng chục ngàn hộ nông dân và cả ngành nông nghiệp của tỉnh, như chuyển giao công nghệ nhân giống cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ tỉnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đặc biệt, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã nêu những khó khăn hiện nay của ngành nông nghiệp Bình Phước, đồng thời đề xuất Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu sử dụng trái điều để nâng cao thu nhập cho người trồng điều và giải pháp ngăn chặn bệnh hại cây tiêu để giảm thiệt hại cho nông dân.

Trí tuệ và khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam rất lớn, nếu được đặt hàng chính xác, được đầu tư xứng đáng, sẽ mang lại hiệu quả cũng vô cùng lớn. Bệnh hại trên hồ tiêu và chưa phát huy tối đa hiệu quả của cây điều là một trong những bài toán khó nhất của ngành nông nghiệp Bình Phước nhiều năm qua. Nếu có được “vắc-xin cho cây tiêu” như vắc-xin cho dịch tả lợn châu Phi hay phát huy tối đa hiệu quả của gần 150 ngàn héc ta điều, đó sẽ là niềm vui không gì bằng với hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh. Đó cũng là tiền đề cực lớn cho Bình Phước phát triển kinh tế, xã hội.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu