Thứ 6, 26/04/2024 03:23:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:06, 05/04/2018 GMT+7

Vai trò của khuyến nông trong phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ 5, 05/04/2018 | 14:06:00 504 lượt xem

BP - Bình Phước là tỉnh thuần nông với khoảng 80% số dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do quy mô còn nhỏ lẻ nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Để nông nghiệp phát triển bền vững và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đạt hiệu quả cao thì công tác khuyến nông đóng vai trò không nhỏ. Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông của tỉnh đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa nhà khoa học - nhà nông và đồng hành với nông dân xây dựng nhiều mô hình VietGAP từng bước hình thành vùng nguyên liệu sạch, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu theo phương thức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Thành công từ mô hình tiêu bền vững

Huyện Lộc Ninh có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh. Tháng 6-2014, hạt tiêu Lộc Ninh, địa phương thứ 2 (sau hạt tiêu Chư Sê, Gia Lai) được dán nhãn hiệu hồ tiêu tập thể. Sản xuất hồ tiêu ở đây đã áp dụng biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia câu lạc bộ hồ tiêu bền vững là việc làm ý nghĩa, mang lại lợi ích cao cho nông dân. Phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 14.500 ha hồ tiêu, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha. Các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Hớn Quản là vùng trọng điểm trồng tiêu của tỉnh.

Trại chăn nuôi heo của hộ ông Trần Cao Toán, thôn Bình Điền, xã Bình Sơn (Phú Riềng) đạt tiêu chuẩn VietGAP

Từ năm 2013 đến nay, diện tích vườn tiêu ở Bình Phước có xu hướng tăng nhanh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp và chưa vượt quy hoạch tổng thể. Từ Dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng vườn tiêu chất lượng cao niên vụ 2016-2017 nhằm tuyên truyền các mô hình tiên tiến cho nông dân áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thay đổi tập quán lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp của nông dân nhằm tiến đến quy trình canh tác tạo sản phẩm chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như môi trường sinh thái. 

Ông Đào Văn Bắp, ấp Hiệp Hòa A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) là Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng tiêu bền vững tại ấp. Ông Bắp có hơn 3.000 trụ tiêu, trong đó 1.600 trụ tiêu kinh doanh. Ông Bắp tham gia câu lạc bộ đã được 5 năm và đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây tiêu. Ông Bắp cho biết, ngày chưa vào câu lạc bộ, vườn tiêu của ông chỉ đạt 1,2-1,5kg hạt/trụ, hiện năng suất đã tăng lên 2-3kg hạt/trụ. Đạt được kết quả đó là nhờ ông làm đúng quy trình hướng dẫn chăm sóc cây tiêu do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, đơn vị ký kết hợp đồng thu mua, đã hướng dẫn, như: bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; ưu tiên chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu, bệnh gây hại.

Không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu hồ tiêu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Thu lợi từ vườn cây ăn trái VietGAP

Xã Thanh Lương (Bình Long) có 200 hộ trồng nhãn, với tổng diện tích trên 600 ha, sản lượng bình quân 20 tấn/ha. Nhãn Thanh Lương có ở nhiều siêu thị, chợ trong cả nước nhờ chất lượng sản phẩm. Để trái nhãn Thanh Lương đạt tiêu chuẩn an toàn và có đầu ra ổn định, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai cho 7 hộ trồng nhãn, với tổng diện tích khoảng 20 ha, tham gia mô hình trồng nhãn VietGAP. Kết quả, vườn nhãn của các hộ đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và trái nhãn Thanh Lương có chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, sau khi đạt chuẩn VietGAP, nhãn ở Thanh Lương không còn tình trạng “được mùa mất giá”, bởi sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết.

Được sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vừa qua, Tổ sản xuất cây ăn trái Hồng Nịp, xã Long Bình (Phú Riềng) vui mừng đón nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 15 ha bưởi da xanh của tổ. Từ khi tham gia mô hình bưởi VietGAP, 9 hộ trong Tổ sản xuất cây ăn trái Hồng Nịp đã tuân thủ nghiêm quy trình canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân vô cơ, hạn chế thuốc hóa học. Bên cạnh đó, người dân cũng giữ gìn vườn cây sạch bệnh, không xả bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, sản phẩm bưởi da xanh Hồng Nịp được người tiêu thụ ưa chuộng, không còn cảnh tư thương ép giá như trước.

Nhân rộng mô hình chăn nuôi VietGAP

Tháng 7-2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn cơ sở chăn nuôi heo của hộ ông Trần Cao Toán, thôn Bình Điền, xã Bình Sơn (Phú Riềng) thực hiện mô hình trình diễn “Chăn nuôi heo đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Gần 10 năm trước, hộ ông Toán đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và mua 200 con heo nái về nuôi. Khi heo sinh sản, ông Toán không bán heo con mà để nuôi, mỗi năm xuất trên 500 tấn thịt heo hơi. Trước đây, dù gia đình đã áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Mặt khác, vì nuôi theo hình thức nông hộ, không có thương hiệu nên sản phẩm luôn bị tư thương ép giá, lợi nhuận không cao. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn, giúp đỡ, cơ sở chăn nuôi heo của ông Toán đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 12-2017 và nhiều người đến học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.

Việc xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn Vietgap của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững. Trong suốt thời gian triển khai các mô hình, dự án, cán bộ khuyến nông luôn bám sát theo dõi, hướng dẫn nông dân áp dụng thực hiện theo các tiêu chí VietGAP. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn làm cầu nối, giúp đỡ các hộ tham gia mô hình, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị tiêu thụ. Đây chính là những nền tảng cơ bản để từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành và hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, ổn định, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời giúp người dân làm giàu chính đáng bằng các sản phẩm nông nghiệp của mình.

Gia Nghi

  • Từ khóa
93531

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu