Thứ 5, 28/03/2024 17:40:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:55, 19/12/2014 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2014-2019

Vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 19/12/2014 | 10:55:00 227 lượt xem

BP - Từ khi kinh tế tập thể trở thành một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các đơn vị kinh tế tập thể (KTTT) không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa làm tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ, trang trại phát triển vừa mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để hoạt động hợp tác xã (HTX) đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp.

Đổi mới để tăng thu nhập

Toàn tỉnh hiện có 101 HTX và 1.287 tổ hợp tác, trong đó 82 HTX nông nghiệp. Lĩnh vực hoạt động của tổ hợp tác, HTX ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu kinh tế hộ thành viên và người dân, tạo điều kiện tốt cho kinh tế hộ phát triển.

HTX hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. 
Ảnh: Thu gom mủ cao su tại HTX Phú Tiến (Bù Đăng)

Hiện HTX nông nghiệp chủ yếu trồng cây nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh nông sản và các khâu dịch vụ hỗ trợ như làm đất, thủy lợi nội đồng, cung ứng vật tư nông nghiệp... Các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Có nhiều HTX hoạt động hiệu quả như: HTX Tân Hòa (Bù Đăng), HTX Hưng Thành (Lộc Ninh)... Nhờ làm tốt thủy lợi, chủ động nguồn nước, HTX Thành Lợi (Bù Gia Mập) đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân phá thế độc canh vườn điều.

 Để tăng thu nhập, các HTX thay đổi phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế. Một số HTX mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, như: HTX Hưng Chiến (Lộc Ninh) chủ động cung ứng giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao. HTX Thiện Tâm (Đồng Xoài) với 98% thành viên là đồng bào DTTS và ban quản trị HTX đã xây dựng xưởng chế biến hạt điều, xưởng chẻ hạt mắc ca tạo việc làm, giúp thành viên có thu nhập ổn định.

HTX Thanh Bình tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn

 Anh Nguyễn Văn Hiền (xã Phú Trung, Bù Gia Mập), thành viên HTX Thành Lợi cho biết: Gia đình tôi trước là hộ nghèo, được Nhà nước cấp 1 ha đất trồng điều. Tham gia HTX, tôi được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. HTX giới thiệu mô hình xen canh trong vườn điều và hỗ trợ giống ca cao miễn phí. Đến nay, gia đình tôi có 5 ha đất sản xuất, hàng năm thu được khoảng 200 triệu đồng. Tôi góp 6 con bò trong tổ chăn nuôi bò của HTX Thành Lợi, vừa thu lợi nhuận vừa tạo việc làm cho thành viên khác.

Góp phần hoàn thành tiêu chí số 13

5 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX vay 3,7 tỷ đồng từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện 25 dự án, giải quyết việc làm cho 370 lao động. Liên minh hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho 7 tổ hợp tác, HTX tham gia ngày giới thiệu rau, củ, quả tại thành phố Hồ Chí Minh và hội chợ triển lãm giới thiệu các mặt hàng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại Hà Nội. Đến nay, đã có 28 HTX được công nhận đơn vị điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số HTX hoạt động cầm chừng, chậm khắc phục yếu kém, chậm đổi mới dẫn đến tốc độ phát triển của khu vực KTTT chưa cao, tỷ lệ GDP đóng góp hàng năm của KTTT còn thấp (0,15-0,18%). Trong khi, tạo đòn bẩy để HTX vượt khó, hoạt động hiệu quả là góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 (tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng nông thôn mới.

Khắc phục những mặt tồn đọng, hạn chế, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể... đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đúng vai trò, mục tiêu của HTX trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Liên minh HTX tỉnh xác định giải pháp mang tính quyết định là mở lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ phụ trách KTTT, thành viên các HTX, cán bộ chủ chốt HTX nhằm đáp ứng nhu cầu công việc; tư vấn, hỗ trợ các HTX về quản lý, liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để tạo điều kiện cho các HTX được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn giúp HTX thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động.                   

Tuyết Ly

  • Từ khóa
38061

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu