Thứ 7, 20/04/2024 07:55:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 16:35, 26/03/2019 GMT+7

Vai trò của ngư dân với biển, đảo

Thứ 3, 26/03/2019 | 16:35:00 1,748 lượt xem
BP - Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Trong đó, lực lượng ngư dân mà trực tiếp là những người mưu sinh trên biển có vị trí và vai trò rất quan trọng.

NHỮNG “CỘT MỐC SỐNG”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nghề khai thác thủy sản ở nước ta trong những năm vừa qua đã có bước phát triển khá mạnh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Thống kê cho thấy, năm 1990, cả nước có khoảng 41 ngàn tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 727.500CV, chủ yếu vùng biển ven bờ, sản lượng khai thác 672 ngàn tấn. Đến nay, toàn quốc đã có trên 110.950 tàu cá, sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, chiếm hơn 43,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản; tạo việc làm cho khoảng 650 ngàn lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu lao động dịch vụ trên bờ. Về quản lý khai thác hải sản, năm 2016 có 4.526 tổ, đội với khoảng 27.150 tàu cá và 149.500 người. Đây là những con số có ý nghĩa lớn, nhất là những ngư dân ngày đêm trực tiếp đánh cá trên biển, khẳng định hiệu quả của mô hình tổ, đội sản xuất trên biển. Việc khai thác gần bờ cũng đã được quản lý thông qua các biện pháp kiểm soát số lượng tàu, tạm dừng việc đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, khuyến khích phát triển nghề khai thác thủy sản xa bờ. Đến nay, phần lớn số tàu đánh bắt ven bờ được cấp xác nhận đã đăng ký hoặc đăng ký phương tiện, cấp giấy phép hoạt động để quản lý.

Thực tế cho thấy, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo không chỉ trông cậy vào các lực lượng chuyên trách, vấn đề có tính quyết định là phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa như một lực lượng bảo vệ quan trọng. Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những tổ, đội đánh bắt hải sản như những “xóm, làng” trên biển, đó là những cột mốc đánh dấu chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

ĐỒNG HÀNH với NGƯ DÂN

Tuy nhiên, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân hiện nay chủ yếu vẫn là đơn lẻ, nhóm nhỏ, chưa hình thành các đội sản xuất có quy mô lớn để hỗ trợ nhau trên biển. Sản phẩm đầu ra của ngư dân chưa được bảo đảm, làm giảm hiệu quả đầu tư tín dụng. So với diện tích biển thì phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta còn ít về số lượng, nhỏ về công suất, lại chủ yếu là tàu vỏ gỗ, nên chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đánh bắt hải sản ở vùng biển xa và khả năng chống chọi với những tình huống phức tạp trên biển. Vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đó cũng là cơ sở, môi trường quan trọng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của đất nước về nguồn tài nguyên biển, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ngư dân, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ tối đa lực lượng ngư dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng phát triển toàn bộ nền kinh tế biển nước ta đã và đang được triển khai thực hiện. Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng tàu vỏ thép và vỏ composite có công suất lớn, giúp bà con đi biển dài ngày, vươn khơi xa và yên tâm hơn. Đến nay đã có hàng trăm tàu cá vỏ sắt, vỏ composite của bà con ngư dân hoạt động, làm ăn trên biển Đông. Cùng với đó, các lực lượng như cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng luôn đồng hành với ngư dân trên từng tấc biển, là điểm tựa tinh thần vững chắc để bà con ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển. Các đơn vị chức năng cùng với ngư dân tạo thành một thế trận vững chắc để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111382

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu