Thứ 5, 18/04/2024 16:51:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:44, 05/02/2016 GMT+7

Vẫn chuyện văn hóa lễ hội

Thứ 6, 05/02/2016 | 09:44:00 118 lượt xem

BP - Hai nữ thanh niên ăn mặc thời trang, nổi bật giữa đám đông thản nhiên thảy bịch trà sữa trân châu xuống đường, làm văng nước và các viên đá lên những người đi bộ xung quanh. Một em bé chỉ khoảng 7 tuổi đi bộ gần đó nhanh nhẹn cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác ngay gốc cây bên đường! Đó là hình ảnh rất trái ngược mà người viết chứng kiến tại lễ hội ẩm thực đường phố xuân Bính Thân 2016, được UBND thị xã Đồng Xoài tổ chức trên đường Hùng Vương, tối 2-2.

Chuyện không mới nhưng đáng để xã hội quan tâm, nhất là trong những ngày tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Sau phút giao thừa, bắt đầu một năm mới, người người đi chùa lễ phật cầu may. Thật phản cảm khi nơi thanh tịnh lại có hình ảnh những cô gái trẻ ăn mặc váy áo cũn cỡn, quần “rách”, giơ chiếc điện thoại di động “tự sướng” hay vô tư cười nói chúc năm mới tới bạn bè, người thân. Hoặc có người bê cả mâm lễ mặn, vàng mã hay nhét tiền vào tay, chân tượng phật; rồi giành giật đồ lễ, cố tìm vị trí sao cho “gần hơn” với tượng phật. Vì vậy, có chùa đã phải đặt biển khuyến cáo không nên cúng rượu, thịt, vàng mã âm phủ. Chuyện không hiếm khi sau giao thừa, những hàng hoa, cây cảnh ven đường, sân chùa bị bẻ cành, bứt đọt đến trơ trụi bởi những người kém ý thức. Ở một số lễ hội còn xảy ra tình trạng bạo lực, trộm cắp, gây mất an ninh trật tự nơi thờ tự. Tệ cờ bạc, rượu chè, lợi dụng lễ hội để thu tiền bất chính còn diễn ra khá phổ biến.

Lễ hội ở nước ta, trong đó có tỉnh Bình Phước rất đa dạng và phong phú; là sợi dây gắn kết cộng đồng. Tùy theo dân tộc, vùng miền, đặc trưng riêng mà mỗi nơi tổ chức khác nhau. Mục đích chung là thể hiện ý nguyện của mỗi người dân, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và bảo đảm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Tổ quốc, cầu cho dân giàu, nước mạnh, gia đình an khang, hạnh phúc. Tuy nhiên, những hình ảnh phản cảm trong một số lễ hội thời gian qua đã làm méo mó, mai một đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Các cơ quan thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết phê phán, tuy nhiên những hiện tượng trên vẫn không giảm.

Để khắc phục tình trạng này, trước hết là cần sự sửa đổi ý thức của mỗi người dân, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò quan trọng. Bởi chỉ tuyên truyền, giáo dục trên diện rộng mới có thể làm thay đổi căn bản nhận thức của người tham dự lễ hội. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của chính quyền, đoàn thể các cấp nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công điện số 229/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và mới đây nhất là công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu