Thứ 6, 19/04/2024 18:54:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:21, 03/08/2018 GMT+7

Vẫn còn cán bộ, công chức “né” công nghệ

Thứ 6, 03/08/2018 | 08:21:00 95 lượt xem
BP - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về thực trạng công tác xây dựng chính phủ điện tử hiện nay, những vướng mắc, khó khăn và giải pháp của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát”.

Bình Phước cũng không ngoại lệ, bởi tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công nghệ thông tin (CNTT), chính quyền điện tử tỉnh, ngày 31-7, một đại biểu đã nói: Tin học hóa là để quản lý và giải quyết TTHC tốt hơn, nhưng việc ứng dụng CNTT trong giải quyết hồ sơ cho cá nhân, doanh nghiệp tại một số sở, ngành rất tệ và không theo một quy trình cụ thể nên lãnh đạo không thể kiểm soát được thủ tục của đơn vị mình đã giải quyết hay chưa. Chỉ phát hiện khi có báo trễ hạn bằng phương pháp thủ công.

Đến năm 2020, Bình Phước sẽ xây dựng xong chính quyền điện tử. Do đó, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh liên tục đẩy mạnh việc thống kê, rà soát, cắt giảm TTHC; niêm yết công khai và cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về TTHC... Từ đó, hạn chế tối đa những giấy tờ không cần thiết, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Việc ứng dụng CNTT, áp dụng ISO hành chính công phiên bản 9001:2008, tổ chức giải quyết TTHC ngày thứ 7 hằng tuần và ứng dụng CNTT, trang bị máy móc hiện đại tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện, cấp xã... đã từng bước nâng cao chất lượng giải quyết công việc cho tổ chức, công dân. Tuy nhiên, tình trạng hồ sơ bị trả, trễ hẹn, tồn đọng... vẫn còn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ngành; nhiều thủ tục còn rườm rà, chồng chéo; năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính của công chức ở cấp cơ sở chưa cao; công tác truyền thông tạo chuyển biến nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về cải cách TTHC còn hạn chế; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị chưa có nhiều chuyển biến... Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT chậm được triển khai. Không ít địa phương triển khai dịch vụ công trực tuyến riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lắp... Một số đơn vị, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử hoặc chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu...

Ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử không chỉ gắn kết chặt chẽ với cải cách TTHC mà còn bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Để xây dựng thành công chính quyền điện tử ở Bình Phước như mục tiêu đã đề ra, ngoài nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, cần tập trung đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các sở, ban, ngành và huyện, thị cần nâng cấp đồng bộ trang thiết bị, đường truyền, phần mềm; tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm 30% TTHC; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công ở mức độ 4; xây dựng kế hoạch, chương trình tạo sự tương tác với người dân, doanh nghiệp và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng CNTT giải quyết TTHC.

lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu