Thứ 6, 26/04/2024 13:07:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:30, 12/02/2016 GMT+7

Văn hóa cồng chiêng qua lời kể của ông Điểu Sa Rem

Thứ 6, 12/02/2016 | 08:30:00 431 lượt xem

BP - Từ bao đời nay, cồng chiêng gắn bó mật thiết trong đời sống cộng đồng, nghi lễ - lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và đồng bào S’tiêng ở Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ nói riêng. Cồng chiêng được đồng bào coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị to lớn trong gia đình và cũng là bản sắc văn hóa của cộng đồng. Trong tháng 12-2015, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh như S’tiêng, Khơme, Mơnông (trong đó có cồng chiêng) để lập hồ sơ di sản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hơn 30 năm qua, ông Điểu Sa Rem (1955) ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước (Bù Đốp) vẫn luôn gìn giữ, bảo vệ bộ 5 chiêng gia truyền để tiếp tục lưu truyền cho thế hệ con cháu. Bên cạnh đó, ông sưu tầm từng chiếc cồng, chiêng thất lạc trong dân gian và dạy cho lớp trẻ về ý nghĩa cũng như cách đánh cồng chiêng để phát huy giá trị di sản quý giá của dân tộc.

CỒNG CHIÊNG TRONG ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO S’TIÊNG

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, cồng chiêng là biểu tượng cho cuộc sống. Cồng chiêng còn thể hiện vị trí, vai trò, đẳng cấp của mỗi gia đình trong cộng đồng dân tộc. Thông thường những người chức sắc, giàu có trong vùng mới có khả năng mua sắm, lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng, ché, tố, xà lung...

Ông Điểu Sa Rem luôn trăn trở về cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng cho thế hệ sau

Giá trị của văn hóa cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà còn mang đậm ý nghĩa tâm linh. Khi âm thanh của cồng chiêng vang lên, đồng bào quan niệm có thể giúp con người thông tin trực tiếp đến đấng thần linh, cũng là cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Đó là những âm thanh cồng chiêng chào đón quen thuộc từ lúc đứa bé cất tiếng khóc chào đời, lớn lên dựng vợ, gả chồng, tiếng chiêng lại rộn ràng trong ngày vui hạnh phúc và khi vĩnh biệt cõi đời về với tổ tiên, cũng có tiếng chiêng ai oán tiễn đưa. Cồng chiêng còn sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình và buôn làng, trong những dịp tiếp khách quý...

Ông Điểu Sa Rem gắn bó lâu năm với di sản độc đáo này cho biết: Cồng chiêng được xem là nhạc cụ nghi lễ. Trong lễ hội đâm trâu, các bài đánh cồng chiêng mang nhịp điệu giục giã; mừng lúa mới thánh thót vui tươi; đánh chiêng tang phải buồn bã, chậm rãi... Còn có những bộ trống, cồng chiêng đánh trong các lễ mừng chiến thắng, mừng nhà mới, cưới hỏi... Mỗi nhịp điệu vang lên lại giúp đồng bào giao tiếp với thiên nhiên, thần linh, tổ tiên và có khi cả chính mình. Cồng chiêng thường được tổ chức sinh hoạt ở nhà văn hóa cộng đồng, trong chính gia đình có hỉ sự, tang gia... Cứ mỗi khi trong ấp, sóc có sự kiện vui, buồn, con trai kéo nhau và mang theo bộ cồng chiêng đánh suốt đêm ngày, con gái nhảy múa phụ họa theo điệu cồng để hòa hợp vào trời đất, báo tin cho ông bà, tổ tiên và thần linh biết về tình hình của gia chủ...

Ông Điểu Sa Rem nhớ lại: Vào thời kỳ 1972-1975, thanh niên S’tiêng vừa tăng gia sản xuất vừa tham gia kháng chiến. Mặc dù bom đạn tàn phá nhưng âm thanh cồng chiêng của đồng bào S’tiêng vẫn không hề giảm trong những ngày lễ cưới, hỏi, tang ma và nhất là lễ mừng lúa mới. Chúng tôi mang theo từng bộ cồng chiêng treo lên rồi đánh suốt đêm, con gái, con trai quây quanh bếp lửa cùng nhảy múa và hát cầu mong đất nước sớm hòa bình, thống nhất.

BẢO TỒN VĂN HÓA CHO ĐỜI SAU

Ông Điểu Sa Rem chia sẻ: “Ngày xưa, gia đình ông nội tôi thuộc diện giàu có ở vùng Bình Long cũ. Nhà tôi nuôi trâu nhiều, ruộng cũng nhiều nên việc mua sắm các bộ cồng chiêng không khó. Ông nội tôi đổi 4 con trâu để mua bộ 5 cồng chiêng. Bộ cồng chiêng được ông cất giữ cẩn thận và sử dụng trong những ngày lễ, tết, mừng lúa mới, lễ trưởng thành, đám cưới, đám tang... Trong đại gia đình tôi, con trai lớn lên gắn liền với âm thanh của cồng chiêng. Nhưng để được kế thừa di sản quý giá của gia tộc bắt buộc người tiếp nhận không những biết đánh cồng chiêng mà phải có cái tâm để bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Qua giai đoạn cha tôi gìn giữ, bộ 5 chiếc chiêng được phát huy giá trị trong từng ngày lễ của sóc, xã. Âm thanh của bộ cồng chiêng bằng đồng gia đình tôi được nhiều người trong vùng thích thú. Đến lượt tôi cũng được cha lựa chọn từ 5 anh em trai để truyền lại. Cha đã dặn dò “dù có khó khăn đến đâu vẫn phải giữ gìn cẩn thận bộ cồng chiêng và đem âm thanh của nó phục vụ đồng bào”. 

Ông Điểu Sa Rem (thứ hai từ trái sang) giới thiệu về bộ cồng chiêng gia truyền

Mặc dù điều kiện thực tại còn khó khăn nhưng ông Điểu Sa Rem vẫn không ngừng sưu tầm thêm những bộ cồng chiêng mới, truyền đạt cho con cháu hiểu về văn hóa cồng chiêng để gìn giữ cho muôn đời sau. Năm 2003, ông sưu tầm trong dân gian 1 bộ mới. Hiện gia đình ông đang lưu giữ 2 bộ cồng chiêng lớn, góp phần tích cực tham gia trong lễ nghi, ngày hội do chính quyền xã tổ chức.

 Ông Sa Rem cho biết: Cùng với việc hướng dẫn con, cháu trong nhà biết về ý nghĩa, cách đánh cồng chiêng, tôi đã liên hệ với chính quyền xã Hưng Phước, Ban Dân vận Huyện ủy Bù Đốp, Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) để mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào S’tiêng đang làm công nhân cao su. Các cấp, ngành đã đồng ý và giờ chúng tôi chỉ chờ thời điểm thích hợp để mở lớp. Đối với bộ cồng chiêng của gia đình, tôi sẽ lưu truyền lại cho người con trai nào có khả năng và tâm huyết giữ gìn văn hóa của dân tộc.

Anh Điểu Trọng (SN1987), con trai thứ của ông Điểu Sa Rem, chia sẻ: Em được tiếp cận và học đánh cồng chiêng từ lúc học ở Trường dân tộc nội trú Phước Long. Em vẫn thường được nghe cha kể về văn hóa cồng chiêng và bộ chiêng truyền thống của gia đình. Nếu được kế thừa và phát huy di sản của ông cố thì em sẽ gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng trong thời đại mới. Bởi đây vừa là niềm vinh dự vừa là nhiệm vụ quan trọng mà gia đình giao cho. Em là công nhân cạo mủ cao su nhưng có thời gian đều học đánh cồng chiêng, đặc biệt vào mùa nghỉ cạo với hy vọng sẽ góp phần gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đi trên con đường đất đỏ ngào ngạt mùi hương báo hiệu mùa xuân đang về, tôi nhớ tới lời nói của Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bù Đốp Phạm Thị Thanh Lâm: “Cùng với đội cồng chiêng của thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, lớp học cồng chiêng của ông Điểu Sa Rem sẽ góp phần tích cực vào việc phục hồi và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào S’tiêng”.

Cẩm Liên

  • Từ khóa
91785

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu