Thứ 7, 20/04/2024 18:59:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:35, 19/09/2019 GMT+7

Văn hóa đọc qua 2 câu chuyện

Thứ 5, 19/09/2019 | 08:35:00 282 lượt xem
BP - Văn hóa đọc thể hiện rõ ở mỗi người và từ một lan tỏa ra nhiều người, đến cộng đồng (cũng như chiều ngược lại). Không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp... từ văn hóa đọc của một người nhìn thấy được tầm quan trọng của nó trong nâng cao, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa một xã hội học tập.

Theo khối A viết truyện song ngữ

Hai em Nguyễn Tấn Lộc và Phạm Thành Trung, lớp 9A5, Trường THCS Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài đã xuất sắc vượt qua nhiều học sinh để đoạt giải nhì Đại sứ văn hóa đọc, lần 1/2019 tỉnh Bình Phước, thể loại viết tiếp câu chuyện bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh. Điều bạn đọc ấn tượng là 2 bạn đều theo khối A, với điểm tổng kết Toán thường xuyên trên 9,5.

Viết cảm nghĩ về từng cuốn sách được đọc cũng là niềm yêu thích của em Nguyễn Tấn Lộc, lớp 9A5, Trường THCS Tiến Hưng (Đồng Xoài)

Nói về “bí kíp” đoạt giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, đặc biệt về lĩnh vực văn học - bộ môn các em không chuyên, Lộc cho biết: “Đó là nhờ niềm yêu thích đọc sách ở em và Trung. Chúng em “nghiền” sách văn học và khoa học. Tối nào sau giờ học chính các môn khối A, tiếng Anh, em đọc thêm tiểu thuyết, tiểu phẩm. Nhờ đọc nhiều sách văn học nhớ được kỹ nội dung, em nắm vững ý nghĩa và giá trị từng truyện muốn truyền đạt”. Khi trường phát động tham gia cuộc thi, 2 em liền chọn dự thi nội dung “Viết tiếp câu chuyện bằng song ngữ”. Trong một ngày 2 em chọn xong câu chuyện muốn viết tiếp, thống nhất nội dung và chuyển ngữ. Sau đó, Lộc và Trung nhờ cô giáo dạy tiếng Anh xem lại, được cô đánh giá “rất tự tin”.

Chia sẻ tại buổi trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc lần thứ 1/2019 tỉnh Bình Phước, bà Đặng Thị Vàng, nguyên Phó giám đốc Thư viện tỉnh khẳng định: “Để viết tiếp được một câu chuyện, các em phải đảm bảo yêu cầu trước nhất là giữ câu chuyện liền mạch, logic, bên cạnh thể hiện thêm một phần ý nghĩa đã nói trước đó. Việc các em bậc THCS viết tiếp được câu chuyện bằng song ngữ cho thấy ngoài ý tưởng tốt, cách chọn nội dung sâu sắc, kỹ thuật viết chuẩn thì khả năng liên tưởng, sáng tạo tuyệt vời”. Bà Vàng cũng cho biết, để vượt qua nhiều tác phẩm dự thi cùng thể loại, kiến thức và niềm đam mê đọc sách giúp Trung và Lộc thành công.

Tìm nguồn sách... qua thư viện

Sau khi tốt nghiệp, Bùi Hồng Nhung về làm việc và sinh sống ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Cách xa thành phố Đồng Xoài, trung tâm tỉnh lỵ hàng chục kilômét nên điều kiện mua, đọc sách gặp nhiều khó khăn. Ngoài đổi sách từ những người bạn cùng sở thích, nguồn báo ở xã, lượng sách của những người cao tuổi trong xã..., Nhung tranh thủ lúc đi công việc ở Đồng Xoài vào Thư viện tỉnh để mượn sách.

Thư viện tỉnh rất đa dạng đầu sách, sắp xếp theo lĩnh vực, thể loại, từ văn học trong nước, nước ngoài, sách tiếng Anh, y học, khoa học, lịch sử, tâm lý, xã hội, pháp luật, báo chí... nên đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Đặc biệt, nhiều đầu sách hay, ý nghĩa, nguyên bản, thậm chí chỉ Thư viện tỉnh mới có (sách được các tác giả là cán bộ lão thành cách mạng của cả nước viết, ghi chép tặng; sách do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh...). Từ đọc được những cuốn sách hay, giá trị, mỗi người thêm hiểu, trân quý, gìn giữ giá trị truyền thống dân tộc; đồng thời “Muốn kể lại nội dung đọc được trong sách cho bạn bè, người thân và các ông, bà ở xã nghe. Tôi còn muốn nói về cảm nhận, niềm xúc động của mình và những gì thấy được, nhận được, học được cho các cụ nghe, cùng bàn luận. Từ đó, chúng tôi lan tỏa, chia sẻ sách với những người xung quanh” - Nhung chia sẻ. 

Vì điều kiện hạn chế nên Nhung cũng có cách mượn sách khá độc đáo: Chọn sách theo nhóm, lĩnh vực trong từng lần tới Đồng Xoài. Mục đích để ghi nhớ, chép lại những kiến thức cần thiết giúp ích sau này và giữ cho chúng không mất đi theo thời gian. Bên cạnh đó, mỗi lần mượn sách, Nhung đều cố gắng mượn hết số lượng đầu sách quy định. Vì, “Mượn thêm cho một vài người trong xã, nhất là các cụ. Khi mỗi người đọc xong thì đổi sách cho nhau giúp ai cũng được đọc nhiều, thỏa niềm đam mê” - Nhung nói.

Từ những việc làm, hành động, tình yêu dành cho sách, niềm đam mê đọc sách của từng cá nhân đã lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người. Việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn, đưa mọi người tới gần hơn với sách, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.

Trung Nhân

  • Từ khóa
88915

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu