Thứ 6, 26/04/2024 06:58:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:32, 25/05/2018 GMT+7

Văn hóa, xã hội chưa được đầu tư tương xứng so với lĩnh vực kinh tế

Thứ 6, 25/05/2018 | 16:32:00 1,756 lượt xem
BPO - Chính phủ phải tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai minh bạch kết quả thanh tra, kiểm toán, giám sát việc thu, chi ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tại các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm, việc bao che, tiếp tay, lợi ích nhóm...

Đó là ý kiến của đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 tại Hội trường Diên Hồng sáng nay 25-5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế năm 2017 của Chính phủ cho biết: 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt 1% so với kế hoạch; xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối 63,5 tỷ USD. GDP quý 1/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ.

Bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng so với lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển chưa tương xứng, nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc. Tình hình suy thoái đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong xã hội tuy đã được nhận diện, triển khai nhiều giải pháp khắc phục trong nhiều năm qua nhưng đến nay chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Đại biểu Phan Viết Lượng phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 25-5

Đại biểu Phan Viết Lượng đã chỉ ra một số tồn tại như: môi trường văn hóa, di sản văn hóa còn bị xâm hại; vi phạm pháp luật, lợi dụng mạng xã hội đưa tin giả, tin xấu, bôi nhọ, vu khống tổ chức, cá nhân có chiều hướng gia tăng... Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan còn hạn chế, gây bất an, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân ở nhiều địa phương.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, thực trạng nêu trên rất đáng lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến nền tảng, động lực phát triển đất nước, do đó, báo cáo của Chính phủ cần được đánh giá đúng tình hình, làm rõ nguyên nhân, có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi trái thuần phong mỹ tục, xâm hại giá trị văn hóa của dân tộc. Chủ động, thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, kiên quyết đấu tranh phòng ngừa tệ nạn xã hội, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm băng nhóm cướp giật, chống người thi hành công vụ để giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đại biểu Phan Viết Lượng cũng nêu ra một thực tế là nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị; bán, cho thuê nhiều nhà, đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, triển khai dư án chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư xảy ra ở nhiều nơi. Quản lý trụ sở, mua sắm tài sản, chi ngân sách Nhà nước... tại các cơ quan, doanh nghiệp còn nhiều vi phạm. Do đó, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị trong điều kiện dư địa tăng trưởng kinh tế dần bị thu hẹp như hiện nay thì việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác của nhà nước phải là nhiệm vụ cấp thiết và phải có giải pháp đột phá, tạo chuyển biến thực chất.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều đổi mới, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và giám sát cho thấy vẫn còn nhiều cơ quan, cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và quản lý nhà nước; không ít người đứng đầu chưa quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ thủ tục phiền hà, ban hành mới các thủ tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm kỷ luật kỷ cương công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng bộ máy nhà nước các cấp thực sự liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra.

Trần Thể

  • Từ khóa
9611

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu