Thứ 7, 20/04/2024 02:06:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:15, 07/09/2015 GMT+7

Văn là người

Thứ 2, 07/09/2015 | 10:15:00 749 lượt xem

BP - Theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, sinh năm 1482, tại xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc. Ông thi đỗ trạng nguyên khoa thi Đoan Khánh năm thứ 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục và được người đương thời gọi là Trạng Me. Ông là con của tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm, năm ông lên 4 tuổi thì cha qua đời. Giản Thanh là người có hình dáng khôi ngô tuấn tú và nổi tiếng là người “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Từ nhỏ, ông đã có khiếu thông trí tinh anh, đặc biệt là tài ứng đối lưu loát tựa hồ như nước chảy.

Minh họa: S.H

Chuyện xưa kể lại rằng, vào thời bấy giờ, ở trong vùng có đám rước một viên quan được triều đình cho cáo lão về quê, Giản Thanh khi ấy mới 6 tuổi, cưỡi ngựa tàu lá cau chạy ra xem. Quân lính dẹp đường, người ta dạt cả sang hai bên. Duy có Giản Thanh vẫn ung dung cầm cổ ngựa mo đứng giữa đường không chút sợ hãi. Viên quan lấy làm lạ bèn gọi lại hỏi: Em đi học chưa?

Giản Thanh đáp: Cháu chưa đi học nhưng hay chữ, biết làm câu đối.

Viên quan tức thời ra câu đối: Trẻ cưỡi mo cau (chỉ Giản Thanh bấy giờ). Giản Thanh đối ngay: Già chơi hạc gỗ (trong đám cưới có con hạc bằng gỗ sơn son do nhà vua ban cho viên quan).

Ngoài mặt tỏ ra vui vẻ khâm phục nhưng trong lòng chưa chịu nên viên quan ra thêm câu đối: Hoài áo đỏ quết phân trâu (ý mỉa mai Giản Thanh là con ông nghè mà nghịch ngợm, bẩn thỉu).

Giản Thanh chẳng chút do dự đáp ngay: Thừa lọng xanh che dái ngựa (vì trong đám rước quá nhiều lọng xanh, che cả dái ngựa).

Nghe vậy viên quan đỏ mặt khó chịu nhưng trong lòng lại thán phục, biết đây là người tài, bèn thưởng tiền cho Giản Thanh.

Thời ấy, Thượng thư Đàm Thận Huy cũng là người làng Ông Mặc có mở lớp dạy và học trò theo học rất đông, trong đám học trò ấy có Nguyễn Giản Thanh. Một bữa giảng sách vừa xong thì trời đổ mưa, ai lấy đều phải lưu lại, thầy giáo Thận Huy nhân hứng tức cảnh ra câu đối rằng: Vũ vô cương tỏa nắng lưu khách (mưa không then khóa hay lưu khách).

Vừa nghe xong Giản Thanh đối ngay rằng: Sắc bất ba đào dị nịch nhân (Sắc chẳng phong ba dễ đắm người). Còn học trò Nguyễn Chiêu Huấn thì đối: Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân (Trăng có vòng cung chẳng bắn người). Một học trò nữa lại đối rằng: Phẩn bất uy quyền dị sử nhân (Phân chẳng có uy quyền dễ dọa người).

Thầy giáo Đàm Thận Huy nghe xong thì phê rằng: Cứ theo ý tứ lời đối thì chắc sau này Giản Thanh là người phóng đãng, Chiêu Huấn là người có lòng nhân nhưng đều thành danh. Còn trò kia ngày sau phú hào nhưng là người bỉ ổi. Quả nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng nguyên đời vua Lê Uy Mục (1508), làm quan lễ bộ Thượng thư nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá. Còn Chiêu Huấn chỉ đỗ Bảng nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì cả. Riêng người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Vào năm Đoan Khánh thứ 4 (1508) vua Lê Uy Mục mở khoa thi Mậu Thìn, lấy đỗ tiến sĩ 54 người. Trong đó, Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, làm quan với nhà Lê 20 năm và được phong đến chức Đông các đại học sĩ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông làm quan với nhà Mạc. Có lần ông được cử sang đi sứ nhà Minh. Sau chuyến đi sứ này, khi trở về thì Nguyễn Giản Thanh được thăng tới chức Lễ bộ Thượng thư, hàn lâm viện Thị độc chưởng viện sự, tước trung phu bá và lúc mất được tặng tước hầu.

Lời bàn:

Đại văn hào của nước Nga Xô Viết Mác-xim Goóc-ki đã từng khái niệm rằng: Văn học là nhân học. Và từ thượng cổ cho đến ngày nay, nhân loại không ai có thể thống kê được hết những khái niệm về văn học. Song, có một điều chắc chắn rằng khái niệm về văn học của Mác-xim Goóc-ki được nhiều người biết đến và chấp nhận. Bởi vì, văn học là một môn học về con người và học văn là để hiểu sâu hơn tâm hồn con người, đồng thời cũng là để học cách làm người. Nói tóm lại, học văn hay làm văn, viết văn cũng là để nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống và con người. Vì bản chất của cuộc sống cũng là bản chất của con người. Và tác phẩm là sự thể hiện cuộc đời nên con người trong tác phẩm cũng là sự thể hiện của con người ở ngoài cuộc đời.

Và chính vì hiểu rõ quy luật của cuộc đời, của con người nên vị Thượng thư Đàm Thận Huy trong giai thoại trên đã có được những dự báo chính xác về hậu vận của học trò mình. Và không phải người xưa lưu truyền lại giai thoại này một cách ngẫu nhiên mà là để nhắc hậu thế hiểu rằng văn cũng là người. Và qua văn để biết ai là người thủy chung, nhân nghĩa, trung thực, ai là kẻ tiểu nhân, ích kỷ, hẹp hòi và phản thầy hại bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để nhận biết rõ được điều ấy?                    

N.D

  • Từ khóa
109705

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu