Thứ 4, 24/04/2024 02:03:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:24, 14/07/2016 GMT+7

Vào “ổ bệnh”

Thứ 5, 14/07/2016 | 09:24:00 632 lượt xem
BP - “Đi cạo mủ về, nó đứng trước sân nói, mẹ ơi con đau cổ, tức ngực quá. Sáng hôm sau lên trạm y tế cho thuốc uống 3 ngày. Nó uống 2 ngày vẫn không hết. 12 giờ đêm 29-6, chở đi Bệnh viện Thánh Tâm. 16 giờ ngày 30-6, Bệnh viện Thánh Tâm chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến 22 giờ đêm nó mất luôn. Nó đâu có bệnh lâu gì. Gấp quá, mình chuẩn bị không kịp” - bà Thị Huệ (thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), mẹ của Điểu Trít kể lại sự ra đi đột ngột của con trai bằng giọng trầm buồn.

>> Đã xác định “thủ phạm” của chùm bệnh lạ tại Đồng Phú

>> Đồng Phú xuất hiện chùm bệnh lạ
>> Nhận biết dấu hiệu ban đầu bệnh bạch hầu
>> Phòng bệnh bạch hầu 

Ngày 12-7, Trạm Y tế xã Thuận Lợi tiếp tục phát hiện thêm một ca nghi nhiễm bệnh bạch hầu phải chuyển lên tuyến tỉnh (hình lớn). Bà Thị Hớ, thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi đang kẹp nhiệt kế cho 2 người con ở  Trạm Y tế xã Thuận Lợi (hình nhỏ)Ngày 12-7, Trạm Y tế xã Thuận Lợi tiếp tục phát hiện thêm một ca nghi nhiễm bệnh bạch hầu phải chuyển lên tuyến tỉnh (hình lớn). Bà Thị Hớ, thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi đang kẹp nhiệt kế cho 2 người con ở  Trạm Y tế xã Thuận Lợi (hình nhỏ)

YÊN ẮNG THUẬN PHÚ

7 giờ 40 phút ngày 12-7, tôi bước vào phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Thuận Phú (Đồng Phú) tìm hiểu về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Trường Hậu ở thôn Thuận Phú 3, xã Thuận Phú vừa qua đời do viêm cơ tim biến chứng. Chủ tịch UBND xã Phan Văn Thắng đưa sấp tài liệu trên tay trả lời: “Tôi vừa nhận được công văn của Sở Y tế đang đọc đây. Anh muốn thì tôi phôtô cho một bản. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã có gì đâu. Còn anh muốn biết cụ thể thì cứ qua trạm y tế”.

“Trạm trưởng có việc riêng đi vắng rồi anh ơi. Cả xã hiện nay vẫn chưa phát hiện ca nào nghi nhiễm bệnh bạch hầu. Riêng trường hợp của anh Nguyễn Trường Hậu vừa mới mất là bạn chơi chung với Điểu Trít ở xã Thuận Lợi. Cả hai đã mất đang nghi là do bệnh bạch hầu. Hiện tụi em không thể cung cấp được thông tin gì thêm. Tốt nhất anh cứ đến xã Thuận Lợi, đó là nơi bùng phát bệnh, chắc sẽ có thông tin phong phú hơn” - chị Nguyễn Kim Dung, nhân viên Trạm Y tế xã Thuận Phú trả lời khi tôi hỏi về tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn xã. Bà Trần Thị Thu Hương, nhân viên y tế thôn Thuận Phú 3 cho hay: Trước khi đưa xác của anh Hậu về, nhân viên y tế dự phòng đã đến phun thuốc tiêu độc khử trùng. Từ ngày anh Hậu mất đến nay đã hai lần phun hóa chất như thế. Anh Hậu ra đi quá nhanh, chỉ có 3 ngày sau khi phát bệnh.

1 GIỜ Ở TRẠM Y TẾ THUẬN LỢI

Rời xã Thuận Phú, tôi tìm đến Trạm Y tế xã Thuận Lợi lúc 9 giờ 30 phút. Bác sĩ Đinh Thị Tuyết Lan, Trưởng trạm Y tế xã đang nói chuyện điện thoại. Nội dung trao đổi qua điện thoại khá rõ ràng: “Thôn Thuận Tiến có 283 hộ/1.583 khẩu. Riêng tổ 4 có 26 hộ/156 khẩu, tổ 5 có 43 hộ/258 khẩu, tổ 6 có 56 hộ/336 khẩu. Tổng cộng 3 tổ đang xảy ra bệnh dịch nghi bạch hầu có 125 hộ. Hiện tại Điểu Hoàng và Điểu Phúc đang điều trị tại Bệnh viện Binh đoàn 16”. Tôi đoán Trạm trưởng đang báo cáo tình hình lên cấp trên.

Lãnh đạo viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh ngày 13-7 về kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh của người dân 2 xã Thuận Phú, Thuận Lợi

“Chào chị, tôi là phóng viên Báo Bình Phước đến tìm hiểu tình hình bệnh trong tuần qua trên địa bàn xã Thuận Lợi” - tôi đặt vấn đề với Trạm trưởng. “Số liệu tụi em báo cáo Trung tâm Y tế huyện mỗi ngày. Mọi thông tin anh vui lòng đến Trung tâm Y tế huyện để hỏi. Tụi em không thể cung cấp bất kỳ thông tin gì, cấp trên chỉ đạo rồi. Anh thông cảm, bây giờ em chuẩn bị đi xuống thôn rồi” - Trạm trưởng trả lời. “Chị đi cơ sở thì tôi đi chung với”. “Anh đã uống thuốc phòng chưa? Có khẩu trang không?”. “Thuốc thì chưa nhưng khẩu trang thì có đây”. “Trời! Loại này thì làm gì, loại khẩu trang bằng nhôm, chống H5N1 kia. Nếu anh chưa uống thuốc phòng thì nên tránh càng xa càng tốt” - Trạm trưởng khuyến cáo. “Chắc không sao đâu, chị cho đi chung là được”. “Thì ra nhà báo cũng có nỗi khổ riêng hè, anh đợi tôi khám bệnh xong rồi cùng đi”.

Trong phòng bệnh có 2 bệnh nhân đều là người S’tiêng đang truyền nước. Điện thoại reo, Trạm trưởng trả lời. 10 phút sau, Thị Hơ - người dân thôn Thuận Tiến đưa hai con gái đến khám bệnh, một đứa bị ói, một đứa bị sốt. Khoảng 10 giờ, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Lợi Phạm Huỳnh Thảo đến Trạm Y tế khám bệnh vì thấy trong người ớn lạnh và sốt. Phó chủ tịch Phạm Huỳnh Thảo là người đã trực tiếp ở trong vùng bệnh vừa đúng một tuần, cho biết: “Đúng là người dân có hoang mang. Mình phải ở trong đó để động viên bà con. Hiện giờ xã cũng chưa biết bệnh gì”.

10 giờ 20 phút, Điểu Hùng ở thôn Thuận Hòa 2 đến Trạm Y xã tế khám bệnh vì đau họng, sốt và mệt mỏi. Sau khi thăm khám, Trạm trưởng Đinh Thị Tuyết Lan quyết định chuyển thẳng Điểu Hùng về tuyến tỉnh. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển viện cho Điểu Hùng, đồng hồ của tôi là 10 giờ 41 phút. Trở ra từ phòng bệnh, Trạm trưởng bảo: “Anh thông cảm, tôi có việc đột xuất phải đi họp ở UBND xã”. Tôi một mình hỏi thăm tìm đường đến gia đình Điểu Trít - người vừa mất cách đây một tuần do bệnh bạch hầu ở tổ 5, thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi.

Cơ chế lây bệnh cũng như sự vào cuộc của cơ quan chức năng như thế nào, mời quý độc giả đón đọc số báo ngày mai. 

SỐ CA MẮC BỆNH BẠCH HẦU TIẾP TỤC TĂNG
 
Tính đến 8 giờ ngày 13-7, số ca mắc bệnh bạch hầu tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú đã lên đến 37, trong đó có 35 ca ở xã Thuận Lợi và 2 ca ở xã Thuận Phú, tổng cộng tăng 6 ca so với 1 ngày trước đó.

Phó GS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh tại Sở Y tế      Phó GS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh tại Sở Y tế      

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện xét nghiệm nuôi cấy tìm vi khuẩn bạch hầu trên 36 mẫu ngoáy họng. Kết quả cho thấy có 4 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Theo nhận định của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, các tổ 4, 5, 6 xã Thuận Lợi là ổ bệnh bạch hầu, có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng. Khả năng số ca mắc sẽ tăng cao và lan rộng nếu bệnh không được kiểm soát hiệu quả và kịp thời.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp 100kg Cloramin B cho Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú để xử lý khử khuẩn môi trường bằng hóa chất Cloramin B 5% tại các thôn, ấp có ca mắc bệnh. 500 người tiếp xúc với các bệnh nhân tại các ấp Thuận Tiến, Thuận Hòa của xã Thuận Lợi và thôn Thuận Phú 3, xã Thuận Phú đã được cấp thuốc uống dự phòng. Hóa chất, vắc-xin, trang thiết bị y tế đã sẵn sàng cho công tác phòng, chống và dập ổ bệnh.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, các trường hợp trong vùng bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, tức ngực cần sớm đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị hoặc tư vấn của bác sĩ để phòng ngừa nhiễm bệnh.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
58078

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu