Thứ 6, 19/04/2024 16:34:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:19, 03/06/2015 GMT+7

Vào vườn “mót của rơi”

Thứ 4, 03/06/2015 | 08:19:00 156 lượt xem
BP - Cuối vụ thu hoạch điều (khoảng tháng 5 dương lịch), nhiều hộ dân phần vì đường sá đi lại khó khăn, phần vì một ngày thu không được bao nhiêu nên không vào vườn tận thu. Đây là dịp cho những người dân ít rẫy, không đất sản xuất và việc làm ổn định có cơ hội mưu sinh.

Chị Xoan vạch cỏ, bới lá tìm hạt điều

Cực như... mót điều

Chồng đi làm xa, chị Đỗ Thị Xoan ở đội 1, ấp 3, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) một mình nuôi 3 con nhỏ (đứa lớn nhất mới học lớp 5, đứa nhỏ mới 4 tuổi). Gia đình chị có 1 ha đất trồng điều, mỗi năm trừ chi phí, thu từ 25-30 triệu đồng. Số tiền này cộng với công lao động của chồng không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 con ăn học. Để có thêm thu nhập, đến cuối vụ, chị Xoan lại vác sào, xách túi đi hết quả đồi này đến quả đồi khác mót điều.

Thấy tôi ngỏ ý xin đi cùng, chị Xoan ái ngại hỏi: “Cô có đi được không? Kiếm được 1kg điều không dễ đâu. Khác với đi lượm điều thuê, trái rụng xung quanh gốc, mình gom lại một chỗ rồi ngồi vặt hạt. Còn đi mót phải kiếm vườn xa, vườn dốc ít người tới. Nếu chăm chỉ và gặp may, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200 ngàn đồng”.

Lúc 13 giờ 30 phút, trời nắng như đổ lửa, trên chiếc xe máy đã cũ dính đầy đất đỏ, chị Xoan chở tôi băng qua nhiều quả đồi, con suối. Đi đến bìa rẫy, chúng tôi xuống xe rồi đi bộ men những lối mòn dẫn vào vườn điều. Mặc dù được tán điều che bớt cái nắng gay gắt, nhưng mồ hôi cứ túa ra. Áo ướt mồ hôi như gặp trời mưa, chị Xoan vẫn miệt mài đi hết quả đồi này sang quả đồi khác. Mỗi lần leo xong một con dốc, chị lại ngồi xuống nghỉ. Lấy chai nước đeo bên mình tu vài ngụm chị nói: “Mót điều cực lắm, không cẩn thận là bị té gãy tay, gãy chân khi nào không hay”.

Chị Xoan dẫn tôi đến một vườn điều. Giữa vườn là con suối nhỏ, hai bên bờ suối tre gai mọc xanh tốt. Mặt đất nghiêng khiến tôi đứng không vững nhưng chị Xoan vẫn đổ mình theo triền dốc, vừa ngửa cổ tìm vừa ra sức giật trái điều chín còn sót lại trên cây rớt xuống và lăn xuống bờ suối. Cứ như thế, chị rung hết một lượt rồi trượt dốc, vạch cây, bới lá tìm những hạt điều. Tôi bước theo chị mà đôi chân muốn rã rời.

Cả xóm đi mót điều

Đang loay hoay lượm những trái điều rơi trong bụi tre gần bờ suối, bỗng có tiếng nói vang lên từ phía sau. “Chị Xoan hôm nay đi bên này à. Sáng cũng có mấy người mót ở đây nên giờ chẳng có... Đi từ 12 giờ trưa đến giờ, mới được từng này đây” - bà Nguyễn Thị Nga ở ấp 3, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) giơ giỏ điều đã mót được cho chúng tôi xem. 

Bà Nga năm nay đã ngoài 50 tuổi, ngày nào cũng đi mót điều. Nhà không có đất sản xuất, chồng bị bệnh không làm được gì, lại đông con nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà phải làm thuê. Đến mùa điều thì đi lượm thuê, sau khi chủ vườn bỏ thu hoạch, bà lại đi mót điều. Trung bình một ngày bà mót được từ 8-10kg, bán với giá 20 ngàn đồng/kg.

Việc mót điều chỉ kéo dài khoảng 20 ngày trong năm và chỉ những người khó khăn mới đi mót. Chúng tôi đến đội 1, ấp 3, xã Đồng Tiến, khi trời vừa đứng bóng. Nhưng hầu như nhà nào cũng cửa đóng then cài, hỏi ra mới biết họ đi mót điều. Trong nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ. Em Hoàng Thị Ly Na năm nay 7 tuổi, đã biết chăm em 4 tuổi để mẹ đi mót điều. Na cho biết, cha em đi làm xa, nhà chỉ có 4 mẹ con. Buổi sáng mẹ đi mót điều, em kế đi học, chị em ở nhà trông em út. Buổi chiều chị đi học, em lại thay chị trông em để mẹ đi mót điều.   

Thùy Hương

 

  • Từ khóa
38719

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu