Thứ 4, 24/04/2024 00:26:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:11, 29/08/2014 GMT+7

Về thôn Cây Da nghe đờn ca tài tử

Thứ 6, 29/08/2014 | 09:11:00 500 lượt xem
BP - Ở thôn Cây Da, xã Phú Văn (Bù Gia Mập) có một gia đình nông dân đam mê đờn ca tài tử (ĐCTT). Ngày đi làm vườn, tối về cha mẹ, anh em, con cháu quây quần ca hát. Những đêm trăng sáng, bà con trong thôn lại đến tham gia đóng góp hay lắng nghe những bài vọng cổ để quên đi vất vả. Đó là thú tiêu khiển làm say lòng nhiều người dân trong thôn mà gia đình ông Phạm Thành Thiên - bà Huỳnh Thị Đồng duy trì nhiều năm qua.

CẢ GIA ĐÌNH CÙNG ĐỜN CA TÀI TỬ

Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Thiên - bà Đồng gần 20 năm qua vẫn đều đặn vọng ra những tiếng đờn, lời ca vọng cổ. Bà Đồng kể: Năm 1995, gia đình tôi từ Cần Thơ chuyển đến thôn Cây Da sinh sống. Ngày mới lên còn nghèo, cả thôn không có điện phải thắp đèn dầu nên ít được nghe vọng cổ trên truyền hình hay radio. Chúng tôi đã tự hát cho nhau nghe để giải trí sau những giờ lao động vất vả và cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Rồi cao hứng, bà cất giọng ca “Nhấp chén rượu mừng xuân lòng rộn ràng, hân hoan theo tiếng nhạc. Nâng phím cùng đàn hòa nhịp đón xuân sang...” (trích Hương sắc mùa Xuân, điệu Nam xuân).

Các tài tử ca nhí của gia đình ông Thiên - bà Đồng biểu diễn tiết mục Làm ăn

 
Năm 2006, gia đình ông bà mở quán cà phê mang tên Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Thanh quán. Dù còn nhiều khó khăn nhưng vì đam mê và muốn đưa môn nghệ thuật này đến gần với người dân địa phương, bà Đồng đã mua máy nổ để phát điện và xây dựng sân khấu đậm chất Nam bộ. Ban ngày, quán bán nước giải khát, tối đến có thêm tiết mục ĐCTT. Đối với xóm nghèo nơi đây, đó chính là món ăn tinh thần, một sân chơi văn nghệ quần chúng thu hút những người yêu ĐCTT đến để gặp gỡ, thể hiện đam mê nghệ thuật.

Được cha mẹ hướng dẫn, đầu tư nên các con ông Thiên ai cũng ca được cổ nhạc. 4 anh em ruột thường xuyên gắn bó với ĐCTT là anh Phạm Thành Ne, Phạm Thành Khánh, Phạm Duy Thanh và chị Phạm Thị Linh. Do điều kiện không cho phép, CLB hoạt động được 5 năm thì dừng. Tuy nhiên, lúc nhàn rỗi bà Đồng thường tụ họp các thành viên trong gia đình đàn, hát rất vui vẻ. Người dân trong thôn nghe tiếng nhạc lại xách đèn pin sang nhà bà Đồng quây quần bên ấm trà nóng, nghe vọng cổ đến khuya.

“TRE GIÀ MĂNG MỌC”

Đầu năm 2014, tại Festival ĐCTT lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, đoàn ĐCTT Bình Phước đã giành huy chương bạc, trong đó có tiết mục “Mục đồng”, thể điệu Cổ bản của hai bé Ngọc Sơn, Ngọc Hân đoạt huy chương vàng. Đây là 2 thành viên nhí trong gia đình tài tử ông Thiên - bà Đồng. Ngoài ra, người con gái Phạm Thị Linh và con dâu Tăng Thị Bích Tuyền cũng góp mặt tại liên hoan này.

Bé Phạm Thị Ngọc Hân (10 tuổi), Phạm Ngọc Sơn (8 tuổi) là học sinh giỏi nhiều năm liền. Các em yêu thích ĐCTT khi còn rất nhỏ. Ngọc Hân chia sẻ: Năm 3 tuổi, khi nghe tiếng đàn em xin hát thử cho cha mẹ nghe. Thấy chất giọng phù hợp, mọi người trong nhà hướng dẫn em thêm về nhạc lý và các bản tổ trong ĐCTT. Sau này thuộc nhiều lời ca, thể điệu, em đi biểu diễn ở các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang... và nhận được sự mến mộ của nhiều người.

Ngọc Sơn yêu mến ĐCTT bởi nội dung bài ca rất có hậu. Theo Sơn, người hiền lành, quân tử, sau bao thăng trầm sẽ đến được chân trời hạnh phúc. Còn kẻ ác sẽ có một kết cục bi thảm.

Bà Đồng cho biết, gia đình gồm 20 thành viên thì có đến 7 cháu từ 6 đến 10 tuổi thuộc làu nhiều thể điệu như: Tây Thi, Nam xuân, Bình bán, Cổ bản, Lưu trường thủy, Giang nam... Các cháu còn lại do quá nhỏ, chưa phát âm rõ nên chỉ múa phụ họa theo tiếng đàn, hát của mọi người. Mỗi tối, các cháu lại tề tựu tại nhà bà Đồng để học nhạc lý và các bài bản cổ, người biết chỉ cho người chưa biết. Âm điệu organ, guitar phím lõm, đàn tranh hòa vào nhau nhịp nhàng cùng lời ca cất lên xua đi mọi mệt nhọc, âu lo nơi xóm nhỏ.

Tuy bận rộn công việc mùa màng nhưng khi tỉnh phát động liên hoan ĐCTT là gia đình lại sắp xếp việc đồng áng tham gia biểu diễn phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng tỉnh nhà. Đây chính là niềm vui của gia đình bà Đồng. Liên hoan ĐCTT lần thứ nhất tỉnh Bình Phước, bé Phạm Thị Minh Trang (6 tuổi) đem về giải ba. Vừa qua, tại Liên hoan ĐCTT tỉnh lần thứ 2, bé Phạm Thị Ngọc Chi (6 tuổi) giành giải thí sinh nhỏ tuổi nhất.

“Gia đình tôi mê đờn ca tài tử nên rất vui mừng khi bộ môn nghệ thuật này vừa được tổ chức UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa đờn ca tài tử lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân” - anh Khánh, con trai bà Đồng nói.                  

Thanh Thủy

  • Từ khóa
90901

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu