Thứ 6, 19/04/2024 18:11:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:40, 13/10/2016 GMT+7

Vị quan thanh liêm

Thứ 5, 13/10/2016 | 14:40:00 555 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, danh thần Trương Đăng Quế sinh ngày 1-11-1793, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, được các đời vua nhà Nguyễn trọng dụng. Trương Đăng Quế có tên chữ là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê. Ông là danh thần trải 4 triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Trong 43 năm làm quan, có 20 năm ông giữ trọng trách lớn (có hai lần nhận di chiếu tôn phò vua mới). Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học, là thầy học của vua Thiệu Trị và một số quý tộc nổi tiếng khác, trong đó có Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.

Trương Đăng Quế là người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổ tiên của ông ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, theo Nguyễn Hoàng vào cư trú tại Quảng Ngãi năm 1624. Năm lên 9 tuổi, ông mồ côi cha, vì là cậu bé chăm chỉ, thông minh, hiền lành nên được anh chị em thương yêu đùm bọc. Năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão - 1819), ông đỗ hương tiến (tức cử nhân, đây là học vị cao nhất lúc bấy giờ). Theo sử sách triều Nguyễn thì ông chính là người “đầu tiên” ở Quảng Ngãi đạt được học vị này. Tuy chỉ đỗ cử nhân nhưng ông thông suốt kinh sách, có tài thơ văn.

Trương Đăng Quế được bổ chức Hành tẩu bộ Lễ, một chức quan nhỏ chuyên về văn thư. Năm 1820, đời vua Minh Mạng, sau 1 năm tập sự ở bộ Lễ, vì có tiếng học hành và được 1 quan đại thần tiến cử, Trương Đăng Quế được bổ làm Đông cung bạn độc, tức là cùng học với các hoàng tử. Đó là cách nói khác của công việc dạy các hoàng tử học. Trong thời kỳ này, ông được gặp và gần gũi hoàng tử Miên Tông, sau này lên làm vua (tức là vua Thiệu Trị). Sau một thời gian, ông được bổ chức Thượng bảo thiếu khanh với phẩm trật tòng tứ phẩm.

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), ông được bổ chức Tả thị lang bộ Công làm ở Nội các, tức văn phòng của vua, được gần vua, cùng vua bàn bạc và đề ra những quyết sách liên quan đến cả nước. Cũng trong thời gian này Trương Đăng Quế được đổi bổ làm Tả thị lang bộ Lễ, vẫn làm việc ở Nội các. Tháng 12-1831, ông được thăng chức và điều chuyển từ Tả thị lang bộ Lễ sang làm Tả tham tri bộ Hộ, rồi sau đó lại được điều động về coi việc ở Võ Khố là kho quân sự nhà nước, quản lý phần lớn tài sản nhà nước.

Mùa xuân năm 1832, nhà vua lại điều ông về giữ quyền án triện bộ Hộ, chính thức là Tả tham tri bộ Hộ. Chức Tả tham tri chỉ đứng sau Thượng thư. Cũng năm này, Trương Đăng Quế được thăng chức Thượng thư bộ Binh kiêm lãnh ấn triện viện Đô sát. Đến mùa đông thì ông chính thức làm Thượng thư bộ Binh kiêm trông coi tài chính. Năm 1841 niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, Trương Đăng Quế là cố mệnh đại thần được thăng làm Phụ chính đại thần, Văn minh Viện Đại học sĩ, phẩm hàm chánh nhất phẩm. Tháng 12 cùng năm, ông lại được vua Thiệu Trị sung chức Ngự tiền đại thần. Đến năm 1847, vua Tự Đức cho Trương Đăng Quế thăng chức Cần chánh đại học sĩ, tấn phong tước Tuy Thạch quận công.

Trương Đăng Quế là vị quan thanh liêm, trung thành giúp vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) và là người tận tâm, tận lực với công việc của triều đình. Về việc chống thực dân Pháp, Trương Đăng Quế đã đứng về phe chống đối hòa ước Nhâm Tuất (ngày 5-8-1862). Chính ông là người đã bác bỏ đề nghị của khâm sai Nguyễn Bá Nghi. Ông kiên quyết chống thực dân Pháp dù khi đó có tin rằng đồn Chí Hòa và thành Mỹ Tho bị thất thủ. Đầu năm Tân Dậu (1861), ông đã gián tiếp ủng hộ các lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp do Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định cầm đầu.

Lời bàn:

Dù là đương thời hay hậu thế hôm nay, mỗi khi nhắc đến Trương Đăng Quế không mấy ai không biết đó là một vị quan đại thần có nhân cách lớn vào bậc nhất của nhà Nguyễn. Trong suốt cuộc đời làm quan của mình, Trương Đăng Quế không bao giờ tự cho mình là tài giỏi hơn người. Tâu với vua, ông luôn đề cao người khác và cho rằng mình không bằng họ. Khi đường làm quan hoạn lên tới tột đỉnh, tước đến Quận công, chức đến Cần chánh điện đại học sĩ, phụ chánh đại thần, quan to, lương lớn thì ông lại xin lui về ở ẩn. Đặc biệt không phải chỉ một lần xin thôi, mà từ năm 1850 đến năm 1863 đã có đến 6 lần ông xin cáo lão về quê. Thế nhưng nhà vua vẫn không cho và “Trương Đăng Quế lại dâng sớ xin tự giáng chức mình làm Thượng thư, từ bỏ tước Công đã được phong trước đó. Vua Tự Đức không cho, ông lại xin trừ phân nửa lương... và buộc lòng nhà vua phải chấp nhận, nếu không ông lại xin nghỉ.

Ngày nay cũng hiếm thấy có ai tự nhận mình cống hiến cho nước nhà ít, chẳng có kế sách gì hay để giúp đất nước, tự nguyện xin lui về vườn, nếu cấp trên không cho thì xin được giáng chức, cấp trên vẫn không cho giáng chức. Và khi được nhà vua cho nghỉ hưu vì tuổi già sức yếu, ông không chọn bất cứ chỗ nào trong kinh thành, mà xin trở về quê nghèo thuở hàn vi của mình. Đất đai, tài sản riêng tư không có, chỉ có căn nhà từ đường, vách đất mái tranh nằm cạnh cây dạ lý hương. Nhân cách của người xưa là vậy, tiếc rằng thời nay chẳng có ai làm được như Trương Đăng Quế, thật đáng buồn thay!

N.D

  • Từ khóa
109847

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu