Thứ 4, 24/04/2024 15:58:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:01, 19/12/2016 GMT+7

Vì sao Bình Phước trở thành điểm sáng giáo dục?

Thứ 2, 19/12/2016 | 09:01:00 148 lượt xem

>> Bình Phước tuyên dương 160 học sinh giỏi, xuất sắc

BP - Ngày 16-12 vừa qua, tỉnh Bình Phước tổ chức lễ tuyên dương 160 học sinh giỏi, xuất sắc năm học 2015-2016. Tại lễ tuyên dương, toàn tỉnh có 130 học sinh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 2015-2016. Trong đó 51 học sinh giỏi quốc gia, 52 em đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 em đậu thủ khoa tốt nghiệp THPT, 2 em đậu thủ khoa đại học và 26 em đậu đại học điểm cao. Số còn lại được Giám đốc Sở GD-ĐT tặng giấy khen vì thành tích học tập tốt... Đây là hoạt động thường niên của tỉnh Bình Phước nhằm động viên, khích lệ tinh thần hiếu học của học sinh, sinh viên trong tỉnh.

Với sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, sự động viên kịp thời của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Hội Khuyến học tỉnh, từ một tỉnh là “vùng trũng” về chất lượng giáo dục, nhiều năm qua, Bình Phước đã vươn lên thành “địa chỉ đỏ” về chất lượng giáo dục mũi nhọn, tỷ lệ đậu đại học cao nhất, nhì cả nước với sự đóng góp đáng tự hào của hai trường chuyên trong tỉnh. Và dù là ngôi trường “sinh sau”, THPT chuyên Quang Trung đã trở thành địa chỉ đỏ mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước tìm về học tập kinh nghiệm dạy chữ, dạy người.

Khi nói về thành tích vượt bậc của giáo dục Bình Phước trong những năm qua, nhiều người nghi hoặc, cho rằng ngành giáo dục tỉnh đang tự huyễn hoặc mình. Thế nhưng việc đánh giá, xếp loại thời nay được áp dụng công nghệ và mang tính khách quan. Thế nên việc Bình Phước vào top đầu của giáo dục cả nước là điều không phải cứ tự huyễn hoặc mà có.

>> [Video] Tuyên dương 160 HSSV giỏi, xuất sắc

Vậy điều gì đã làm nên thành tích đáng tự hào về giáo dục của Bình Phước? Câu hỏi này có phần nào đó giống như câu hỏi thảng thốt của vị giáo sư người Mỹ Paul Glewwe, giảng viên Khoa Kinh tế học ứng dụng của Đại học Minnesota (Mỹ) khi bình luận về kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam. Giáo sư Paul cho biết khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP làm tiêu chí mà còn tính đến cả yếu tố trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình... Và ở yếu tố nào, Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước phát triển. Điều này khiến ông không thể hiểu nổi tại sao bị tác động bởi nhiều yếu tố như vậy mà điểm PISA của Việt Nam vẫn rất cao. Và từ “ngoại lệ” này, vị giáo sư người Mỹ đã phải thốt lên: “Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam!”.

Lý giải cho những thắc mắc của ngài Paul, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chính vì thu nhập của người dân Việt Nam không cao nên từ cha mẹ đến con cái đều có tinh thần phấn đấu hết mình để con em được học tập tốt hơn. Đặc biệt, cha mẹ người Việt có thể hy sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học. Đặc điểm này ở các nước châu Âu chắc không có!

Trở lại câu chuyện từ “vùng trũng” trở thành điểm sáng giáo dục cả nước của Bình Phước, thực ra cũng không khó lý giải. Nếu biết Bình Phước là địa phương đi đầu trong việc tổ chức vinh danh học sinh - sinh viên và vinh danh cả cha mẹ những em có thành tích cao trong học tập; nếu biết có những học sinh tật nguyền như em Lê Nguyễn Quang Lanh, học sinh Trường tiểu học Nghĩa Trung (Bù Đăng); em Trần Ngọc Sang, học sinh Trường THCS Bù Nho (Phú Riềng), hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân lại mắc bệnh ung thư bạch cầu từ nhỏ mà vẫn gắng gượng vượt qua hoàn cảnh để đến trường và đạt kết quả học tập tốt thì chúng ta sẽ hiểu vì sao Bình Phước lại trở thành điểm sáng về giáo dục!

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu