Thứ 7, 20/04/2024 23:36:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:48, 24/01/2019 GMT+7

Vì sao ta ký Hiệp định 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946? - Bài 1

Thứ 5, 24/01/2019 | 07:48:00 3,231 lượt xem
BP - Những năm 1945, 1946 được coi là thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ nét, sâu sắc trí tuệ, bản lĩnh tuyệt vời của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do mục đích và ý đồ không trong sáng, hiện nay một số thành phần “ngụy sử” và thế lực thù địch luôn rêu rao, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh bán nước thông qua việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Đây là vấn đề nhất thiết phải nhắc lại để mọi người nhận rõ nhằm vạch trần bộ mặt xấu xa của thế lực phản động, hại dân, hại nước.

BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC TRƯỚC, SAU NĂM 1945

Cục diện thế giới và âm mưu của thực dân, đế quốc

Mặc dù là đồng minh nhưng sau thế chiến II, giữa Anh - Pháp và Mỹ đã nảy sinh mâu thuẫn sâu sắc. Trong khi Anh và Pháp bị tàn phá nặng nề về mọi mặt thì ngược lại, Mỹ lại thu lợi kếch xù nhờ bán vũ khí và cách xa chiến trường. Giới cầm quyền và các nhà tư sản Anh, Pháp, Mỹ hục hặc, mâu thuẫn nhau. Đế quốc Mỹ từ lâu đã nhòm ngó Đông Dương, muốn lợi dụng sự suy yếu của Pháp sau chiến tranh để hất cẳng Pháp, đặt Đông Dương trong vòng ảnh hưởng của Mỹ với khẩu hiệu “Châu Á phải trở về với người Châu Á”, thông qua chính quyền Tưởng Giới Thạch.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Anh và Pháp, bởi vì nơi đây vốn là thuộc địa của Anh, Pháp. Vì vậy, Anh, Pháp cực lực phản đối âm mưu đó của Mỹ, tìm mọi cách để thiết lập trở lại và vững chắc quyền đô hộ ở xứ Đông Dương, Nam Á. Anh muốn giúp Pháp chiếm lại Đông Dương để ngăn chặn phong trào cách mạng thế giới nói chung và ở khu vực có nhiều thuộc địa của Anh nói riêng đang được cổ vũ mạnh mẽ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thành công. Về phần mình, Pháp trước sau vẫn quyết tâm độc chiếm Đông Dương. Vì trong thế chiến I, Đông Dương đóng góp 10 vạn lính, trong thế chiến II là 7 vạn. Những năm 30, Đông Dương xuất khẩu 1.711.776 tấn gạo, là một trong những nơi xuất khẩu nhiều gạo và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cao su với 6 vạn tấn (năm 1936). Nhờ có Việt Nam mà Pháp có một hành lang trên Thái Bình Dương. Ngoài ra, Đông Dương còn có 4 vạn người Pháp sinh sống. Vì thế, Pháp không muốn bỏ xứ Đông Dương cho bất cứ đế quốc nào khác và sẵn sàng đánh đổi cả các thuộc địa ở châu Phi để có Đông Dương.

Với chính quyền Tưởng Giới Thạch thì Việt Nam luôn luôn là đối tượng bành trướng số 1 của tư tưởng Đại Hán. Ngày 9-8-1945, Chính phủ Trung Hoa dân quốc ra tuyên bố rằng quân đội Trung Hoa chịu trách nhiệm về sự đầu hàng của Nhật Bản tại Bắc Đông Dương. Âm mưu của Tưởng là tiêu diệt cách mạng Việt Nam nhằm tránh được mối lo nằm trong gọng kìm của hai thế lực cộng sản phía Bắc và phía Nam; lập chính quyền bù nhìn tay sai, vơ vét tài sản. Đồng thời, gây ảnh hưởng của Trung Hoa dân quốc ở Đông Dương, tạo ra tình thế có lợi để mặc cả đòi Pháp nhường cho một số quyền lợi như Pháp phải bỏ hết các giá trị ngoại pháp quyền của Pháp trên đất Trung Quốc; trao trả cho Tưởng các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông, đất thuê Quảng Châu Loan,... và những Hoa kiều ở Đông Dương sẽ được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt hơn trước (Hiệp ước Hoa - Pháp, ngày 28-2-1946).

Sau thế chiến II, cục diện thế giới có nhiều thay đổi. Dưới ảnh hưởng của Liên Xô, một loạt nước châu Âu giành độc lập và tuyên bố đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc...), cách mạng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang giành những thắng lợi lớn, buộc đế quốc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu. Mỹ cũng nhận ra rằng không thể lôi kéo cách mạng Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của mình. Vì vậy, Mỹ muốn Tưởng rút quân khỏi Việt Nam để tập trung lực lượng đối phó với cách mạng Trung Quốc. Mỹ muốn dùng Pháp ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á sau ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam theo học thuyết Đô-mi-nô. Do đó, Mỹ đã thỏa thuận cho Pháp chiếm lại Đông Dương. Ngày 22-8-1945, Hoa Kỳ chính thức thừa nhận bằng văn bản về chủ quyền của Pháp trên đất Đông Dương. Ngày 24-8-1945, một thỏa hiệp Pháp - Anh về nguyên tắc và cách thức khôi phục chủ quyền của Pháp tại Đông Dương cũng được ký kết.

Bối cảnh Việt Nam lúc bấy giờ

Từ sự dòm ngó và những mặc cả với nhau của các nước thực dân, đế quốc, tình hình cách mạng nước ta lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”. Cùng với đó, hơn 20 vạn quân Tưởng và bọn tay sai (Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt quốc gia) vào Việt Nam với 3 mục tiêu trực tiếp “Tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ bù nhìn làm tay sai cho chúng”. Vì vậy, chúng đã gây cho cách mạng những khó khăn nghiêm trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Về chính trị, chúng bắt ta phải giải tán Đảng Cộng sản, thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến bao gồm cả Việt Quốc, Việt Cách, phải dành 70 ghế đại biểu Quốc hội khóa I không thông qua bầu cử cho chúng. Chúng ra sức tuyên truyền, chống phá chính sách của Việt Minh, chống phá Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá sự đoàn kết dân tộc, đặc biệt là phá hoại chính sách phân hóa kẻ thù để đấu tranh của Đảng và Bác Hồ. Chúng tổ chức các tổ chức khủng bố như “Thiết huyết đoàn”, “Thần lôi đoàn”, “Bàn tay máu”, “Đội hùm xám” để ám sát, bắt cóc, tống tiền những người cách mạng, nhân dân và sĩ quan, binh lính Pháp nhằm tạo rối loạn xã hội, gây mâu thuẫn xung đột Việt - Pháp.

Về kinh tế, chúng yêu sách đòi ta phải cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phương tiện đi lại, nơi ăn ở... cho 20 vạn quan quân; mỗi tháng phải đổi cho chúng 2 tỷ tiền “quan kim” đã mất giá trị sang tiền Đông Dương, trong khi ngân khố của ta trống rỗng. Chúng đưa vào lưu hành đồng “quan kim” đã mất giá trị khiến thị trường rối loạn...

Về quân sự, chúng đòi quyền được thay thế ta đảm bảo trị an cho thủ đô Hà Nội, đưa quân đóng giữ những vị trí hiểm yếu, quan trọng tại các thành phố, thị xã, thị trấn chiến lược của ta. Chúng liên tục khiêu khích, gây đụng độ vũ trang với bộ đội ta, đòi ta khai báo quân số, vũ khí của lực lượng vũ trang...

Về văn hóa, xã hội, tràn vào nước ta là một bọn lính ô hợp, chúng đưa theo cả gia đình sang, gây xáo trộn về sinh hoạt, du nhập tệ nạn xã hội tràn lan, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng chế độ mới của ta.

Vì vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định Tưởng Giới Thạch và tay sai là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm của cách mạng Việt Nam. Và trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài vây quanh kín kẽ, Đảng ta đã thể hiện sự khéo léo, tài tình như thế nào để thoát khỏi tình thế hiểm nguy?

Kỳ sau: Sự tài tình của Đảng ta

Thanh Quang

  • Từ khóa
2828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu