Thứ 6, 29/03/2024 09:22:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:24, 27/04/2017 GMT+7

Vì sự phát triển bền vững của quê hương Bình Phước

Thứ 5, 27/04/2017 | 07:24:00 2,084 lượt xem
BP - Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Tài nguyên phải được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, phải được thăm dò, đánh giá đầy đủ về trữ lượng và chất lượng để khai thác hợp lý, bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thực hiện nghiêm các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, ngày 31-3-2017, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Và đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay và những nhiệm kỳ sau. Ngay sau khi nghị quyết này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bởi nội dung nghị quyết đã đánh giá đúng, trúng, xác thực tình hình thực tế; không né tránh những yếu kém, tồn tại; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao. Nghị quyết cũng thể hiện rõ quyết tâm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Kết quả tích cực, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Nghị quyết chỉ rõ: Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về môi trường đã được cụ thể hóa phù hợp với địa phương. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, thực hiện với nhiều hình thức góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Đặc biệt là công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đã có những chuyển biến nhất định, chất lượng môi trường sống cho nhân dân. Mạng lưới quan trắc được duy trì thường xuyên và ổn định nhằm thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất, không khí, nước mặt và nước ngầm. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được duy trì thường xuyên.

Khu vực khai thác cao lanh ở xã Minh Tâm (Chơn Thành) - Ảnh: K.B

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các dự án về xử lý môi trường, bước đầu đã giải quyết kịp thời các bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Công tác xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư về công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đánh giá đúng tình hình về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay, nội dung nghị quyết cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này thời gian qua, là: Ý thức bảo vệ môi trường trong một bộ phận nhân dân, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... vẫn còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; hiệu quả giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường chưa cao; công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật về cấp thoát nước, xử lý chất thải đã được đẩy mạnh nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp xã còn thiếu và yếu.

Việc đầu tư cho tiêu thoát và xử lý nước thải đô thị, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, khắc phục, cải tạo môi trường tại các khu vực đã bị ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường còn thấp so với yêu cầu. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên đang ngày càng thu hẹp, diện tích đất rừng tự nhiên những năm gần đây giảm nhiều, làm ảnh hưởng tới cân bằng hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Nghị quyết cũng chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, yếu kém nêu trên là do: Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân đã được quan tâm nhưng chuyển biến chưa nhiều, ý thức của một bộ phận người dân về bảo vệ môi trường chưa được nâng cao.

Đồng thời, công tác quy hoạch chưa đồng bộ và phù hợp với thực tế trong lĩnh vực môi trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số cơ học; đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải, hệ thống cung cấp nước sạch. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường ở cấp huyện, xã vừa thiếu lại kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc tham mưu bảo vệ môi trường tại địa phương.

Mục tiêu có tính khả thi cao và kỳ vọng lớn

Nghị quyết đề ra mục tiêu chung là: Tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường trên địa bàn tỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến trong việc bảo vệ môi trường. Đến năm 2020, giải quyết cơ bản những bức xúc về vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường nhằm từng bước cải thiện chất lượng môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành) - Ảnh: H.Châu

Về mục tiêu cụ thể, đến hết năm 2017, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động và đầu tư mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia môi trường (QCVN) và lắp đặt trạm quan trắc tự động đến năm 2018; 100% cơ sở chế biến mủ cao su, tinh bột mì có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt cột A của QCVN theo quy định; 100% cơ sở sản xuất phát sinh nước thải trên 1.000m3/ngày đêm có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Đến năm 2020, 100% trang trại, gia trại có lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải; 50% khu đô thị mới, 100% các khu du lịch, 95% các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh đang hoạt động có công trình xử lý, đảm bảo xử lý chất thải đạt QCVN;  100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ sản xuất phù hợp, xử lý các loại chất thải đạt QCVN; 100% mỏ khai khoáng áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện phục hồi môi trường và xem xét đóng cửa các mỏ không đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định; 100% chất thải nguy hại phát sinh tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom và xử lý đúng quy định; 100% bệnh viện, cơ sở, trung tâm y tế có hệ thống xử lý nước thải, lò đốt rác thải y tế đạt QCVN; 95% chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị, công nghiệp và 70% rác thải ở khu vực nông thôn được gom và xử lý; 70% các tuyến đường trong đô thị có trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt, 90% khu vực công cộng có thùng chứa chất thải rắn; 90% hộ gia đình có hố xí, chuồng trại hợp vệ sinh. 100% đô thị lớn, thị trấn trung tâm và ít nhất 95% các xã, cụm dân cư tập trung có hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 100-120 lít/người/ngày đêm. Trên 99% dân số đô thị và 98% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 50% đô thị, khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải riêng đạt tiêu chuẩn; 100% xã được công nhận nông thôn mới xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có quy hoạch nghĩa trang. Nâng cao chất lượng rừng và tỷ lệ che phủ đất trên toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 74,8%.

Giải pháp thể hiện quyết tâm và tạo được sự đồng thuận

Để đạt được những mục tiêu cốt lõi nêu trên, nghị quyết cũng đề ra giải pháp rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng thời tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Và giải pháp đầu tiên nghị quyết đưa ra là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về bảo vệ môi trường. Để thực hiện được điều này, nghị quyết khẳng định nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghị quyết cũng giao cho các cơ quan thông tin đại chúng là Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; nêu gương, khích lệ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; đồng thời có những bài viết, phóng sự kịp thời phê phán những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân.

Đồng thời, nghị quyết cũng chỉ rõ nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực phát động rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phong trào thi đua toàn dân bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở địa phương, đơn vị.

Một trong những giải pháp trong nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân là yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Và nghị quyết cũng đã chỉ ra những công việc cấp thiết là: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về môi trường các cấp, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, cấp xã. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm và kịp thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xí nghiệp... không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, có hành vi gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư buộc phải dừng hoạt động hoặc di dời; các cơ sở, doanh nghiệp ít nghiêm trọng hơn yêu cầu thời gian khắc phục.

Tăng cường hoạt động quan trắc, dự báo diễn biến môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh để có hướng xử lý. Đồng thời, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường. Quán triệt và vận dụng hiệu quả cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”, coi đây là giải pháp căn bản để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

Như vậy, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời nghị quyết cũng đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, vấn đề làm như thế nào để việc thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và mỗi đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Diệp Viên

  • Từ khóa
17760

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu