Thứ 6, 29/03/2024 02:09:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:16, 05/04/2018 GMT+7

Vị thánh sống

Thứ 5, 05/04/2018 | 10:16:00 172 lượt xem

BP - Năm 1041, xét thấy Lý Nhật Quang là người tin cẩn, Lý Thái Tông phong ông làm Tri châu Nghệ An - tước hiệu Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Lúc này, Nghệ An là vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, triều đình phải nhiều phen dẹp loạn. Nhưng sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại.

Ông đã cho làm sổ sách thống kê hộ khẩu, nhân đinh. Theo sử gia Phan Huy Chú: “Đời Lý, việc kiểm soát hộ tịch rất là nghiêm ngặt. Dân đinh nào đến 18 tuổi thì biên vào sổ bìa vàng, gọi là hoàng nam, đến 20 tuổi gọi là đại hoàng nam”. Những biện pháp quản lý xã hội của Lý Nhật Quang cùng với sự độ lượng và tư tưởng thân dân của ông dần dần đã cảm hóa và quy phục được tất cả tầng lớp nhân dân, làm cho vùng đất vốn phức tạp trở nên thuần hậu và thống nhất.

Minh họa: S.H

Là một mãnh tướng anh dũng trên chiến trường, trong vai trò Tri châu vùng xứ Nghệ, Uy Minh Vương đã góp phần thay đổi và phát triển vùng đất này so với giai đoạn trước đó, dân chúng no đủ, làng xã trù phú, binh cường, tướng mạnh, đất nước thái bình. Và trong suốt 15 năm làm Tri châu (1041-1056), với tài kinh bang tế thế, với tầm nhìn chiến lược và những chủ trương đúng đắn, táo bạo, Uy Minh Vương đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, khoan thư sức dân, vỗ về, lấy việc trăm họ được no ấm, yên vui làm gốc của việc cai trị.

Công lao của Uy Minh Vương là rất to lớn. Ông đã tổ chức lãnh đạo dân chúng, tù binh khai mở được 5 châu, 27 trại, 56 sách tập trung chủ yếu ở đôi bờ sông Lam (Nghệ An); sông La (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Con Cuông, Tương Dương,... (Nghệ An). Đồng thời, ông còn chỉ huy đắp đê sông Lam, sông Đa Cái, phân bố lại dân cư, khuyến khích trồng lúa, nuôi tằm dệt vải, nuôi trâu, bò, ngựa, động viên nhân dân ven sông, ven biển đóng tàu ra khơi. Để thúc đẩy giao thương, nhiều chợ cũng được lập ra thời kỳ này.

Trong thời gian chưa đầy 2 thập kỷ rời kinh thành đến vùng đất xứ Nghệ, Uy Minh Vương đã giúp vùng đất ông trấn giữ no ấm, thái bình, không còn nổi dậy chống triều đình như trước.

Lý Nhật Quang hết sức coi trọng việc phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân mở mang nghề nghiệp, khai thác mọi tiềm năng của vùng đất xứ Nghệ. Cùng với việc chiêu dân, khai hoang, lập ấp, ông còn dạy dân chúng nghề nông tang, dệt lụa, dệt vải... Ông trở thành tổ sư của nhiều ngành nghề thủ công nghiệp ở Nghệ An. Với cái nhìn có tính chiến lược, dưới con mắt của một danh tướng tinh thông binh pháp, uyên thâm phật pháp, Lý Nhật Quang đã chọn vùng Bạch Đường (nay gồm 3 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, huyện Đô Lương), là nơi có vị trí trung tâm của cả châu, công, thủ đều thuận lợi, để xây dựng lỵ sở.

Ông đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh ở lưu vực sông Lam, sông La... và trở thành vị quan của trăm họ, muôn dân. Ân uy của ông để lại cho đời sau thật hiếm có bậc quan nào sánh được, nhất là ở vùng đất xứ Nghệ. Từ những công lao, uy đức to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với vùng biên giới phía Nam Đại Việt thế kỷ XI, khi ông còn sống, nhiều làng xã ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An); Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)... ngày nay đã tôn thờ và coi ông như vị thánh sống.

Khi Uy Minh Vương về với đất tổ, trên nhiều làng xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh đều lập đền thờ để tưởng nhớ công lao oanh liệt của ông. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, những nhà Nghệ An học, đền thờ Uy Minh Vương so với các đền thờ nhân vật khác chiếm đa số trên vùng đất này. Sức ảnh hưởng của Uy Minh Vương không chỉ khi ông tại vị, mà ngay cả khi tạ thế, nhân dân vẫn luôn tin tưởng vào sự giúp đỡ, uy dũng, rộng lượng vì dân, vì nước của ông và đem lại những điều may mắn, tránh tai ương.

Lời bàn:

Không chỉ sử sách và người đương thời, mà hậu thế ngày nay cũng công nhận những đóng góp của Lý Nhật Quang cho triều đình nhà Lý trong suốt thời gian ông nhậm chức Tri châu ở Nghệ An. Song, với nhân dân thì những dòng sơ lược trong chính sử chưa đủ để họ thỏa mãn lòng yêu kính với Uy Minh Vương, bởi thế dân gian đã lưu truyền những giai thoại, truyền thuyết vừa sống động, chân thực, vừa xen cài đôi chút hoang đường về ông thuở đương thời. Đó là thế giới dân gian xây dựng nên cho Lý Nhật Quang, để ông trở nên linh thiêng, bí ẩn riêng có. Vì thế, trong tâm khảm dân gian, những công trạng của Lý Nhật Quang luôn hiện hữu và hiển hiện chói ngời trong sắc màu huyền thoại.

Từ một hoàng tử vương triều Lý, Lý Nhật Quang đã hóa thân thành đức thánh trong tâm thức dân gian xứ Nghệ. Dân gian chọn ông không phải vì nguồn gốc hoàng tộc, mà chính bởi những đóng góp lớn lao của ông cho xứ sở này từ thuở còn hoang vu, tăm tối. Một người con của kinh thành đã hóa nhập hoàn toàn vào mạch nguồn dân gian, đã sống bằng năng lượng dân gian, đã bén rễ và xây nên cả một không gian huyền ảo cho mình từ sự lựa chọn bằng ý thức cộng đồng ấy. Vâng, những con người như Lý Nhật Quang sẽ mãi mãi được người đời tôn vinh và tên tuổi cũng như sự nghiệp của ông trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
110030

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu