Thứ 3, 23/04/2024 19:23:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 11:53, 14/05/2016 GMT+7

Không thể chìm xuồng...

Thứ 7, 14/05/2016 | 11:53:00 912 lượt xem
BP - Tuần qua một số cơ quan thông tin đại chúng phản ánh hai sản phẩm trà C2 và nước uống tăng lực Rồng đỏ bị nhiễm chì cao hơn nhiều lần so với quy định gây hoang mang dư luận. Hai sản phẩm này là của Công ty TNHH URC Việt Nam. Một điều rất lạ là thông tin về hai sản phẩm trên được rất ít báo chí trong nước quan tâm so với sự cố dị vật trong chai nước của Tân Hiệp Phát. Vì vậy, người tiêu dùng nghi ngờ về sự chìm xuồng như vụ việc trước của công ty này trong thời gian qua.

Công ty TNHH URC Việt Nam mở 4 nhà máy ở nước ta từ năm 2003, với 100% vốn nước ngoài. Sản phẩm của công ty này được biết đến như trà xanh C2, trà hoa cúc C2 COOL, nước tăng lực Rồng đỏ, nước ép trái cây Jus và một số bánh kẹo khác. Hiện Công ty URC Việt Nam là 1 trong 3 doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh thị trường nước giải khát ở nước ta. Doanh nghiệp trong nước chỉ có Tập đoàn Tân Hiệp Phát là đủ sức cạnh tranh với Pepsi, Coca và Công ty URC. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nước trà xanh thì chỉ có công ty này cạnh tranh với Tân Hiệp Phát. Còn hai công ty trên chỉ mạnh trong lĩnh vực nước uống có ga. 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, từ khi công ty này có mặt trên thị trường Việt Nam thì giới “truyền thông” dành cho Tân Hiệp Phát sự “ưu ái” hơn. Trong thời gian dài, Tân Hiệp Phát bị “bới lông tìm vết”, bị “cạnh tranh đủ điều” làm cho doanh nghiệp này khó khăn hơn. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát phải lên tiếng “Nếu không có sự ủng hộ của truyền thông thì chúng tôi sẽ phá sản”. Trong khi đó, nhiều bê bối của Công ty URC không được báo chí lên tiếng nên thường rơi vào những khoảng lặng khó hiểu.

Đó là vụ việc người uống nước Rồng đỏ bị dị ứng và nhiễm độc phải đi cấp cứu ở Quảng Bình, 5 con ruồi chết trong chai nước có nhãn ghi C2 tại Thanh Hóa. Vụ tặng nước giải khát C2 sắp hết hạn sử dụng cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh). Chai trà C2 còn hạn sử dụng nhưng đã nổi váng cặn tại Hà Nội... Ngoài ra, công ty này còn quảng cáo sản phẩm trà C2 Ô Long hoa hồng sai sự thật, lừa dối khách hàng. Nguyên liệu được cho là lấy từ Thái Nguyên nhưng đó chỉ là những cảnh ghép không có thật... Thế nhưng, những câu chuyện nêu trên lại chìm xuồng, không ồn ào như vụ việc xảy ra ở Tân Hiệp Phát.

Vì vậy, trước thông tin 2 sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt quá mức cho phép, Bộ Y tế đã chỉ đạo lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Mới đây, một số tờ báo công khai kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế đối với 2 sản phẩm nói trên. Cụ thể, hàm lượng chì trong nước giải khát chỉ cho phép là 0,05mg/l nhưng kết quả phân tích sản phẩm của URC lên tới 0,84mg/l. Trong khi đó, Công ty URC cũng cho rằng sản phẩm của mình đạt chuẩn về an toàn thực phẩm với những xét nghiệm từ cơ quan khác. Vậy ai đúng, ai sai trong vụ việc này? Công luận đòi hỏi phải được làm rõ, không để chìm xuồng như những vấn đề trước. Sức khỏe con người là hết sức quan trọng, nước nhiễm chì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cần sớm có kết luận rõ ràng từ cơ quan chuyên môn của Trung ương về hai sản phẩm này để xử lý triệt để.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu