Thứ 6, 29/03/2024 01:02:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:00, 23/12/2015 GMT+7

Vị “tướng không sao”

Thứ 4, 23/12/2015 | 13:00:00 1,932 lượt xem

BP - Đó là một ngày đầu năm 1980. Tôi là phóng viên kinh tế-xã hội của Báo Quân đội nhân dân, nhận được giấy mời họp từ Văn phòng Bộ Lâm nghiệp ở 123 Lò Đúc, Hà Nội. Trước khi nhập ngũ, tôi là cán bộ kỹ thuật của một cơ quan thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (tiền thân của Bộ Lâm nghiệp), nên về lại bộ lần này còn mang ý nghĩa “người nhà”. Sau cuộc họp báo, người của Văn phòng bộ dẫn tôi đến gặp riêng Bộ trưởng Trần Kiên. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IV), vừa tại vị ở Bộ Lâm nghiệp được tròn một năm. Bộ trưởng Trần Kiên ở tuổi 60, dáng cao to, mái tóc bạc phơ, nói giọng Quảng Ngãi giàu âm sắc. Vào câu chuyện, tôi thưa với Bộ trưởng là, một sự tình cờ trước khi tôi lên đường nhập ngũ tháng 9-1972, đã được người đứng đầu ngành lâm nghiệp lúc đó là Tổng cục trưởng Hoàng Bửu Đôn gặp riêng động viên khích lệ, nay mới về Báo Quân đội nhân dân lại được diện kiến người đứng đầu Bộ Lâm nghiệp…

Ông Trần Kiên (thứ hai, từ trái sang) cùng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện (thứ ba, từ trái sang) và Ban Hậu cần Quân khu 5, tháng 10-1973. Ảnh tư liệu

- Chúng ta đều là người của quân đội cả-Bộ trưởng Trần Kiên cười xởi lởi, không còn phân biệt chủ, khách-anh Hoàng Bửu Đôn vốn là Đại tá thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc chuyển ra; còn tôi ở Bộ tư lệnh Quân khu 5 suốt thời chống Mỹ, sau ngày nước nhà thống nhất mới chuyển sang dân sự, anh em vẫn gọi vui là "tướng không sao” đấy.

Lúc đó, có anh cán bộ Văn phòng bộ vào nói với Bộ trưởng là GS, TSKH Nguyễn Văn Trương đã có mặt, ông gật đầu mời vào. Tôi nhận ra giáo sư ngay, người dong dỏng cao, vầng trán rộng, giọng xứ Nghệ nhỏ nhẹ, ấm áp. Bộ trưởng Trần Kiên sau khi bắt tay giáo sư, quay sang tôi, hỏi:

- Chắc hai người đã quen nhau?

Ngày đó, cùng với các “cây đa, cây đề” khác như: GS Đồng Sỹ Hiền, GS Thái Văn Trừng, GS Vương Tấn Nhị… về lâm học, GS Nguyễn Văn Trương về điều tra, quy hoạch rừng đều đã nổi danh từ lâu trong ngành lâm nghiệp. Còn tôi chỉ là một cán bộ kỹ thuật trẻ “nhỏ nhoi” mới ra trường, nên chỉ có tôi biết ông. Sau khi nghe Bộ trưởng giới thiệu, GS Trương thân tình bắt tay tôi. Bộ trưởng nói tiếp:

- Tôi mới về, thời gian qua mải đi các cơ sở để nắm tình hình, giờ thì đến lúc muốn nghe chuyên gia nói về việc điều tra quy hoạch rừng, cụ thể là cách khôi phục lại ở các khu rừng tự nhiên bị chặt phá nặng nề. Nhân có phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lại vốn là người của ngành, cũng muốn để phóng viên biết, có điều kiện thì đi thực tế tuyên truyền cho ngành, trước hết đến vùng trồng sen, trồng dặm thí điểm ở khu kinh tế Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Gần một giờ đồng hồ, GS Trương thuyết trình về cách tái tạo rừng tự nhiên mà theo ông là cần làm ngay. Bộ trưởng chăm chú nghe, giở sổ ghi chép tỉ mỉ, thỉnh thoảng hỏi lại vài câu, điều ông băn khoăn nhất là làm sao giữ được rừng tự nhiên khi không ít người dân miền núi lại tiếp tay cho lâm tặc. Cuối buổi, ông dặn GS Trương cần làm rõ một số điểm ông cho là “quan trọng nhất” trong cuộc họp các cán bộ chủ chốt của ngành lâm nghiệp sắp tới. Ông quay sang tôi, hỏi:

- Thế nào, sắp tới nhà báo có đi với chúng tôi trong đợt cao điểm về trồng và bảo vệ rừng ở Nghệ Tĩnh không?

Tôi trả lời sẵn sàng, ông tỏ ý hài lòng, còn nói thêm rằng, trong năm nay hầu hết cán bộ trên Văn phòng bộ đều phải bám địa bàn phục vụ chiến dịch trồng và bảo vệ rừng…

Tôi trở nên quen thân với GS Trương và đã “bám” ông đi thực tế một chuyến ở Lâm trường Quỳ Hợp. Trong lúc trò chuyện, GS Trương tỏ ra rất kính trọng Bộ trưởng Trần Kiên và còn ý nhị gọi ông là “Nhà cách mạng triệt để”. Ông giải thích với tôi: Bộ trưởng làm việc gì cũng triệt để. Đã nói là làm. Không mấy khi ngồi văn phòng, rất ghét hô hào chung chung và tệ quan liêu, giấy tờ. Cung cách ấy của ông không khác hồi ở quân đội. Vị giáo sư cùng tuổi với Bộ trưởng còn nói: “Anh Trần Kiên rất chịu nghe. Tôi đã qua mấy đời thủ trưởng, thì đến anh ấy cảm thấy mình được việc nhất, cả năm cũng rong ruổi trên đường, ít khi ngồi nhà”.

Sau cuộc gặp, tôi hy vọng sẽ có mối quan hệ lâu dài với ngành lâm nghiệp và cá nhân Bộ trưởng Trần Kiên. Thế rồi chỉ đến cuối năm đó, Trung ương đã điều ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình (Quảng Ngãi-Bình Định). Liên tiếp hai Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và VI ông được bầu vào Trung ương, vào Ban Bí thư, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Tác phong khi đi cơ sở của đồng chí Trần Kiên: Nhìn tận mắt, sờ tận tay (ở rừng thông Đà Lạt, Lâm Đồng, tháng 4-1991). Ảnh tư liệu

Từ lâu tôi quen biết với nhà văn lão thành của Bộ đội Biên phòng, Đại tá Lương Sỹ Cầm. Song chỉ đến khi nhà văn tặng cuốn tiểu thuyết “Đèn kéo quân” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, thì tôi mới biết nhà văn có mối quan hệ khá gần gũi với ông Trần Kiên từ thời chống Pháp. Cuốn tiểu thuyết miêu tả giai đoạn kháng chiến 9 năm ở địa bàn Quân khu 5, dựng nên những nhân vật chính được lấy từ nguyên mẫu, như các chỉ huy Đội du kích Ba Tơ năm 1945: Chính trị viên Nguyễn Chánh, Đội trưởng Phạm Kiệt… Tôi hỏi nhà văn Lương Sỹ Cầm, có nguyên mẫu Trần Kiên lúc đó là Trung đội trưởng không? Nhà văn cười, gật đầu nói rằng, chỉ mới mô tả được một phần tính cách của Trần Kiên trong nhân vật thôi. Thì ra, ông vốn là chiến sĩ Tiểu đoàn 120, mà Tiểu đoàn trưởng là Nguyễn Tuấn Tài nổi tiếng dũng cảm, mưu trí, đó chính là tên thật của Trần Kiên. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông Trần Kiên ở lại hoạt động bí mật. Cuối năm 1960, ông là Phó ban Quân sự Khu 5, từ năm 1962 đến 1964 là Ủy viên Thường vụ Khu ủy 5, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5. Rồi những năm trước giải phóng từ 1971 đến 1975 là Thường vụ Khu ủy 5, Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu 5, có lúc trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 773, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Trung Bộ. Những năm tháng đó, ông từng đóng khố, cầm rựa, mang xà lét, vui buồn với bộ đội, nhân dân và ông thông thạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thông thạo quê hương mình. Nước nhà thống nhất, ông rời quân đội mà không mang quân hàm gì, lần lượt làm Bí thư Tỉnh ủy cả ba tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Lúc nào ông cũng ưu tư, suy nghĩ cho dân cho nước với tác phong đến tận nơi, xem tận mắt, nghe tận tai lời của dân về những điều thiết thực, nóng bỏng. Còn về riêng tư, ông sống giản dị, liêm khiết, không hề đòi hỏi một đãi ngộ nào cho mình. Vợ ông, bà Võ Thị Nhược cũng hoạt động từ thời chống Pháp, nghe nói một lần đã mang thai, không may bị sẩy, từ đó không có con lại nữa…

Câu chuyện của nhà văn Lương Sỹ Cầm về người chỉ huy năm xưa của mình càng gây cho tôi ấn tượng mạnh về vị “tướng không sao”. Thế rồi vào đầu năm 1992, tôi có dịp đi công tác ở miền Trung, liền hỏi đường đến thăm nhà ông ở thị xã Quảng Ngãi. Có cảm tưởng không người dân nào của thị xã không biết nhà “Bí thư Trần Kiên”. Người ta kể về ông như một niềm tự hào của quê hương, họ gọi ông là “Người Cộng sản chân chính”, “Học trò mẫu mực của Bác Hồ”. Họ còn kể tôi nghe chuyện lúc ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, có người anh ruột ở quê lên thăm, muốn mua một ít gỗ về làm nhà cho mẹ. Ông ân cần nói với anh: “Những năm kháng chiến anh phải ở nhà nuôi mẹ vất vả, em rất tôn trọng anh và việc anh đặt vấn đề mua gỗ cũng đúng, giữ trọn lòng hiếu thảo với mẹ. Nhưng mẹ của chúng ta sống được đến bây giờ là nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc, che chở của bà con xóm giềng. Trước nhà mình cũng như nhà bà con đều bị chiến tranh tàn phá. Hiện bà con ở quê cũng rất nghèo, nhà tranh vách đất cả. Nếu mình làm nhà gỗ đàng hoàng cho mẹ, chưa chắc mẹ đã vui, vì sẽ tạo ra sự xa cách với xung quanh. Còn mẹ có công với cách mạng, thuộc diện gia đình chính sách thì rồi Nhà nước sẽ xây nhà tình nghĩa cho mẹ”. Sự thuyết phục thấu tình đạt lý của ông khiến người anh hiểu ra và vui vẻ trở về quê. Câu chuyện ngôi nhà vợ chồng ông đang ở cũng được nhiều người nhắc đến. Vào đầu năm 1991, Trung ương và tỉnh định xây cho ông một căn nhà kiên cố, nhưng ông đã “thuyết phục” trở lại: “Tôi biết ngân sách Nhà nước còn rất eo hẹp. Nhiều đồng chí khác cũng đang gặp khó khăn về nhà ở, tôi đề nghị dùng số tiền đó cho các đồng chí khác cần hơn. Tôi chỉ xin địa phương cấp một mảnh đất, vợ chồng tôi sẽ dùng số tiền tiết kiệm hiện có để tự xây nhà…”.

Đó là căn nhà ngói 3 gian 2 chái chừng dăm chục mét vuông cùng một mảnh vườn nhỏ, tọa lạc ở gần cuối thị xã, giống như mọi căn nhà dân nghèo khác. Khi tôi đến, bà Võ Thị Nhược đang cho lợn ăn và ông đang ngồi đọc báo trong nhà. Nom ông già hơn nhiều so với 12 năm trước đó, khi tôi gặp ở Bộ Lâm nghiệp. Tất nhiên ông không thể nhớ được lần gặp ấy, song khi nghe tôi tự giới thiệu ông rất vui và gọi với ra phía sau nhà: “Bà ơi, có khách Hà Nội đến thăm!”. Ngoài bộ bàn ghế tựa ba nan và cái ti vi nhỏ đặt dưới tủ thờ ở gian giữa, nhà ông hầu như chẳng có thứ đồ đạc gì đáng giá. Nhìn gia cảnh ông, tôi thấy cay cay nơi sống mũi vì cảm động. Còn chủ nhà 72 tuổi thì vui vẻ chỉ cái xe đạp để ở góc nhà bảo, vừa đạp về thăm quê ở huyện Tư Nghĩa cách đây hơn năm chục cây số, mà lên vẫn khỏe re. Rồi ông hỏi tôi đủ chuyện, làm báo thời đổi mới có gì khác thời bao cấp; về tình hình sẵn sàng chiến đấu của quân đội; về giá cả ngoài Hà Nội… "Nhà cách mạng triệt để” vẫn còn đầy nhiệt huyết với dân với nước như thuở nào!

Người học trò mẫu mực của Bác Hồ về với thế giới người hiền chiều ngày 26-5-2004, hưởng thọ 84 tuổi.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
3253

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu