Thứ 7, 20/04/2024 04:54:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:30, 13/04/2016 GMT+7

Vị vua được lòng thiên hạ

Thứ 4, 13/04/2016 | 15:30:00 1,181 lượt xem

BP - Cũng trong chuyên mục này, kỳ trước chúng tôi đã có dịp nhắc đến truyền thuyết về vị vua khai sáng nhà Lý - Lý Công Uẩn. Thời đó, Thiền sư Vạn Hạnh thường bảo với mọi người rằng: Đứa bé này không phải người thường, lớn lên có thể phò nguy, gỡ rối, làm minh chủ trong thiên hạ. Do vậy, những giai thoại ly kỳ về Lý Công Uẩn ngày càng nhiều. Sinh ra đã khác người, cộng thêm trí tuệ siêu phàm của mình, từ một chức quan nhỏ, ông làm tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (dưới triều Tiền Lê đây là một chức quan to trong hàng võ chỉ người trong hoàng tộc mới được làm). Đây cũng là bước ngoặt đưa ông trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lý.

Còn nhỏ thì tinh nghịch nhưng lớn lên, đặc biệt khi làm quan, ông luôn là vị quan tốt, được mọi người yêu mến. Có thể nói Lý Công Uẩn là người sống vô cùng trung nghĩa, điều này được thể hiện qua hành động ôm xác Lê Trung Tông mà khóc. Năm 1005, Lê Đại Hành mất, các con trai tranh giành ngôi báu, Lê Trung Việt giành được ngôi trở thành vua Lê Trung Tông. Thế nhưng chỉ được 3 ngày, vị vua này bị em trai là Lê Long Đĩnh giết hại rồi cướp ngôi. Lúc ấy, các quan chạy hết, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác Lê Trung Tông mà khóc. Hành động này của ông được Lê Long Đĩnh vô cùng nể phục, khen là trung nghĩa và tiếp tục sử dụng, phong cho ông chức Tướng quân phó chỉ huy sứ, sau là Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Dưới thời cai trị của Lê Long Đĩnh, lòng dân vô cùng oán hận bởi vua tàn bạo và ngang ngược coi dân đen như cỏ rác. Thế nên sau khi Lê Long Đĩnh chết, Lý Công Uẩn được triều thần khanh sĩ tôn lên làm vua.

Việc trở thành vị vua đầu tiên của nhà Lý không chỉ được báo trước bởi những giai thoại kỳ lạ từ khi sinh ra của Lý Công Uẩn mà còn được điềm báo bởi bài Sấm. Thuở ấy, ở làng Cổ Pháp có cây gạo cổ thụ bị sét đánh tước mất vỏ ngoài, để lộ ra mấy câu Sấm: Thụ căn yểu yểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành. Ẩn ý của những câu sấm này là ám chỉ nhà Lê sẽ mất, nhà Lý sẽ nổi lên. Nhưng câu sấm này sau đó đã được sư Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn rằng: Gần đây tôi thấy bài sấm lạ, biết nhà Lê đương mất mà nhà Lý đương lên. Họ Lý lại không có ai khoan hòa, nhân hậu và trung thứ như ông, nên rất được lòng dân. Điều này cho thấy, sớm muộn gì việc xưng bá thiên hạ của Lý Công Uẩn sẽ thành.

Sau khi lên làm vua, Lý Công Uẩn vẫn trọng dụng các vị quan cũ của triều tiền Lê, giữ nguyên những gì tốt đẹp mà triều tiền Lê đã làm. Bên cạnh đó, ông còn là vị vua được lòng dân khi thực hiện chính sách thân dân và nhiều lần xá tô thuế, tô ruộng cho dân. Có thể nói, ông là vị vua anh minh, biết chăm lo, lo lắng làm sao cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, Lý Công Uẩn có tầm nhìn “muôn đời” khi ông quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào năm 1010.

Trước khi lâm chung, ông cũng dặn con cháu, quan lại: Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi mộ cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khỏe, có sức cày ruộng cho dân. Đây cũng là nơi vui chơi của trẻ mục đồng, càng gần với vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt. Nghe lời truyền dạy của ông, các đời vua triều Lý sau này đều không xây lăng mà chỉ xây mộ nhỏ, sau đó phủ đất lên trên.

Lời bàn:

Không phải cho đến bây giờ mà ngay từ xa xưa, các sử gia đã thừa nhận Lý Công Uẩn là một vị vua anh minh, được lòng dân. Ông không chỉ yêu thương dân như con mà còn là người có tầm nhìn xa trông rộng, nghĩ tới tương lai của con dân Đại Việt qua việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Điều này được thể hiện khá rõ trong Chiếu dời đô: Thăng Long là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Nhân cách của ông còn thể hiện sức mạnh của lòng tự cường dân tộc. Ông đã có đầy dũng khí để dời bỏ đất Hoa Lư, một nơi hiểm địa để tự vệ nhiều hơn là để phát triển đất nước rộng lớn. Đặt thủ đô giữa trung tâm đất nước là để con rồng Đại Việt vùng vẫy giữa trời cao biển rộng, phát huy mọi tiềm năng để xây dựng một nước hùng cường.

Và điều này chứng tỏ sự nung nấu của ông từ bao lâu về sự nghiệp của đất nước, về niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc và chí lớn của bản thân mình. Chính vì vậy, sự nghiệp Lý Công Uẩn để lại nhiều bài học vô cùng quý giá cho các triều đại về sau, nhất là ý chí của vua quan nhà Trần và quân dân Đại Việt trong sự nghiệp kiên quyết chống lại bất kỳ thế lực ngoại xâm nào dù chúng có mạnh đến đâu và hung hãn cỡ nào thì cũng bị đánh bại. Và cũng chính điều này đã làm cho sự nghiệp vĩ đại của Lý Công Uẩn còn tiếp tục tỏa sáng cho muôn đời sau. Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng vậy, được lòng dân là được tất cả. Ngược lại, nếu để mất lòng dân thì cũng sẽ mất hết tất cả. Hậu thế xin đừng ai quên chân lý bất biến này. 

N.D

  • Từ khóa
109781

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu