Thứ 6, 29/03/2024 17:01:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:51, 10/10/2014 GMT+7

Người bệnh binh bám vườn làm giàu

Thứ 6, 10/10/2014 | 09:51:00 2,096 lượt xem
BP - Nhờ chăm sóc tốt vườn cây, mở thêm lán trại trồng nấm bào ngư nên gia đình ông Nguyễn Văn Trần ở ấp Bà Lành, xã Tân Lợi (Hớn Quản) có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Từ đó, ông có điều kiện giúp các hộ khó khăn trong ấp về con giống, kỹ thuật trồng và nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Bám trụ vườn cao su

Trong khi nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang trồng cây khác như quýt đường, hồ tiêu... thay cây cao su thì ông Nguyễn Văn Trần, bệnh binh 2/3 ở ấp Bà Lành vẫn “chung thủy” với loại cây này. Ông Trần nói: Giá nông sản lên xuống thất thường, không riêng gì cây cao su. Nếu cứ chạy theo thời giá, nay chặt loại cây này mai chặt loại cây kia thì nông dân không bao giờ giàu được, ngược lại còn khó khăn hơn. So các năm trước, giá mủ năm nay quá thấp, chỉ còn hơn 200 đồng/độ, nhưng người dân chịu bám vườn vẫn có lời. Nếu chuyển đổi sang trồng cây ăn trái hoặc hồ tiêu... ít nhất phải mất từ 3 đến 5 năm mới có thu. Thời gian này, giá mủ cao su vẫn có thể biến động, tăng hoặc giảm. Vì vậy, không vì mủ cao su rớt giá mà chặt bỏ trồng loại cây khác.

Ngoài làm vườn, gia đình ông Trần còn trồng nấm bào ngư để tăng thêm thu nhập

Hiện gia đình ông Trần có 7 ha cao su, trong đó có 4 ha đang cho thu hoạch. Ngoài diện tích trồng cao su, ông Trần còn có 1 ha điều, gần 1 ha tiêu và cà phê. Mỗi năm, gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí và giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Mở lán trại trồng nấm bào ngư

Không chỉ gắn bó với cây cao su, gia đình ông Trần còn mở lán trại trồng nấm bào ngư. Ông Trần cho biết: Xem tivi thấy ăn loại rau, quả gì cũng sợ phun thuốc nên muốn tự trồng cho đảm bảo. Tôi đã tìm hiểu cách trồng nấm bào ngư, thấy đây là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe lại dễ trồng, đặc biệt có thể tận dụng khoảng trống dưới tán cao su. Trong xã đã có người trồng nấm này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, đầu năm 2014, gia đình tôi trồng thử nghiệm 2.000 bọc phôi trên diện tích 30m2 dưới tán cao su.

Để có kinh nghiệm trồng nấm, ông Trần và con trai là Nguyễn Thanh Tuấn đã tham khảo kỹ thuật trồng tại một trại nấm ở xã Phước An (Hớn Quản) và trên sách, báo. Anh Tuấn cho biết: Trồng nấm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thời tiết, độ ẩm đến lán trại làm bằng chất liệu gì cho phù hợp. Đợt nấm đầu không hiệu quả do lán làm bằng bạt ni-lon nên nhiệt độ và độ ẩm bên trong không đảm bảo. Khi tưới nước chưa đầu tư vòi phun xịt mà tưới bằng tay nên bọc phôi kéo tơ không đều làm ảnh hưởng đến chất lượng nấm. Rút kinh nghiệm, tôi đã điều chỉnh lại nguồn nước tưới để đảm bảo độ ẩm nên đợt nấm thứ 2, gia đình đã có lời.

Nấm nuôi khoảng 45 ngày là cho thu và thu liên tiếp trong 3 tháng. Trung bình một ngày gia đình ông Trần thu khoảng 7-10kg nấm, bán cho các gia đình hoặc bỏ mối cho thương lái trong vùng với giá 35 ngàn đồng/kg. “Nếu đầu ra thuận lợi, năm tới gia đình sẽ mở rộng mô hình này” - anh Tuấn cho biết thêm.

Giúp hộ nghèo vươn lên

Ngoài ý chí làm giàu, ông Nguyễn Văn Trần còn giúp nhiều gia đình khó khăn vươn lên phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ cây - con giống, vốn, kỹ thuật và cách chăm sóc cây.

Ông Lê Văn Tiến, Trưởng ấp Bà Lành cho biết: Năm 2013, toàn ấp có 161 hộ, trong đó có 5 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Đầu năm 2014, ấp có 2 hộ thoát nghèo là hộ ông Nguyễn Thành Em và Lê Văn Bảy. Đây là 2 hộ được gia đình ông Nguyễn Văn Trần giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Hộ ông Nguyễn Thành Em ở ấp Bà Lành có hơn 0,7 ha đất trồng điều, do không có vốn đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp. Vợ ông Em lại bị bệnh thần kinh, không làm được việc nặng. Hai người con của ông học hết lớp 9 phải xin nghỉ đi làm phụ hồ để có tiền đỡ đần gia đình và mua thuốc cho mẹ. Ông Em cho biết: “Năm 2012, gia đình được ông Trần hỗ trợ 400 stump giống cao su và phân bón để cải tạo vườn cây. Đến cuối năm, gia đình được xét xây nhà nghĩa tình đồng đội trong chương trình xóa nghèo của Hội cựu chiến binh huyện. Ngoài giúp tiền, ông Trần cũng trực tiếp đứng ra vận động các hội viên trong Hội cựu chiến binh xã giúp ngày công xây dựng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi cho biết: Mỗi năm ông Trần đóng góp khoảng 20-30 triệu đồng. 5 năm liền, ông Trần được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và hiện đang được xem xét trao tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. 

 Thùy Hương

  • Từ khóa
11859

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu