Thứ 6, 29/03/2024 15:06:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:35, 24/04/2018 GMT+7

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Singapore

Nguồn TTXVN
Thứ 3, 24/04/2018 | 14:35:00 938 lượt xem
BPO - Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam. Tháng 9-2016, hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập VSIP tại Bình Dương. Việt Nam có 65 dự án sang Singapore, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, công nghệ thông tin, dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Singapore từ ngày 25-27/4 và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore từ ngày 27-28/4. 

Đây là chuyến thăm chính thức Singapore lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973-1/8/2018) và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (9/2013-9/2018). 

Tăng cường tin cậy, gắn bó

Singapore có quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 1/8/1973. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Singapore vào tháng 12/1991 và tới tháng 9/1992, Singapore lập Đại sứ quán tại Hà Nội. Trong chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (1/1978), hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ. 

Kể từ năm 1991, đặc biệt từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN (năm 1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á. 

Năm 2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21," tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore. 

Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao, giúp tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Tính đến tháng 12/2016, hai bên đã tổ chức được 10 kỳ họp tham khảo chính trị và 5 lần giao lưu hai Bộ Ngoại giao. 

[Tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore]

Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore được chính thức thành lập ngày 18/9/2014 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, nhất là giao lưu nhân dân. Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Singapore (tháng 11/2016). 

Về hợp tác quốc phòng, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009). Hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng. Các cơ chế Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung về quan hệ quân sự-quốc phòng thường xuyên được tổ chức. Singapore đang tích cực hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ quốc phòng Việt Nam. Hợp tác hai nước trong lĩnh vực an ninh, tình báo, phòng chống tội phạm ngày một phát triển cả ở tầm khu vực. 

Hai bên hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc. Liên quan đến các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm và bảo vệ lập trường chung của ASEAN. 

Nhiều lĩnh vực hợp tác hiệu quả 

Từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại. Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả... nhưng thị phần không lớn. 

Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến hết năm 2017, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam) với hơn 1927 dự án, tổng vốn gần 42 tỷ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.

Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với bảy khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh, VSIP 4 tại Hải Phòng, VSIP 5 tại Quảng Ngãi; VSIP 6 tại Hải Dương và VSIP 7 tại Nghệ An và đang xây dựng VSIP 8 tại Quảng Trị.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Khu công nghiệp Vsip Nghệ An

Ngày 6-12-2005 tại Singapore, Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Hng Kiang và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã ký chính thức Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam-Singapore và sáu phụ lục kết nối gồm các lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, giao thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ.

Theo thỏa thuận, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (tám tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phương hướng hợp tác tiếp theo, tới nay đã họp được 12 kỳ. 

Hai nước ký Bản ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục, thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam-Singapore tại Hà Nội, hoạt động theo kinh phí của Chính phủ Singapore; thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam, hoạt động bằng nguồn kinh phí do Quỹ Temasek (Singapore) tài trợ.

Hàng năm, Chính phủ Singapore cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học tại Singapore. Bộ Ngoại giao hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Singapore giai đoạn 2011-2013 và Thỏa thuận về Chương trình đào tạo chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013-2015; 2016-2017; 2017-2019. Hiện có khoảng 9.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Singapore. 

Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên chủ yếu hợp tác theo khuôn khổ của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN, tích cực ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác du lịch giữa hai nước tương đối hiệu quả. Singapore là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. 

Hợp tác xuất khẩu cát nhiễm mặn, hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Phát triển Quốc gia Singapore với ba lĩnh vực: Khuôn khổ cho việc nạo vét và xuất khẩu cát nhiễm mặn sang Singapore; xây dựng năng lực kỹ thuật và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường tại Việt Nam; cơ chế liên hệ và trao đổi về việc nhập khẩu cát nhiễm mặn của Singapore. Hai bên đang hợp tác nghiên cứu đánh giá tác động môi trường do việc nạo vét cát ở cửa sông, đặc biệt là tại hai dự án thí điểm tại cửa Đà Nông và Đà Diễn, Phú Yên. 

Hai nước đã có những hợp tác tốt trong cả lĩnh vực hàng không, hàng hải và giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, hai bên cũng tăng cường hợp tác về pháp luật, tư pháp, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Cộng đồng người Việt tại Singapore: hiện có khoảng 12.000 người. Nhìn chung cộng đồng người Việt tại Singapore hòa nhập với xã hội, tuân thủ pháp luật và được tạo điều kiện. 

Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo 

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 28-4 tại Singapore, với sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị. Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2018 của Singapore với chủ đề “Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo.”

Trước đó, từ ngày 26 đến 27-4 sẽ diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trù bị cho Hội nghị Cấp cao. 

Tại Hội nghị Cấp cao lần này, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận về các nội dung: Xây dựng một ASEAN “Tự cường” và “Sáng tạo;” Quan hệ với các Đối tác và định hướng tương lai; Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 

Về chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2018, Chủ tịch ASEAN 2018 đưa ra chủ đề của năm là "Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo,” với mục đích thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN trước các sức ép bên ngoài cũng như ứng phó với các thách thức nảy sinh, duy trì vai trò, vị thế ở khu vực, đồng thời tích cực nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần thúc đẩy tăng trưởng dựa vào sáng tạo. 

Chuyến thăm chính thức Singpore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm khẳng định chính sách nhất quán coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Singapore, tăng cường sự tin cậy, gắn bó trong quan hệ song phương giữa hai nước; thảo luận phương hướng, cách tiếp cận theo tư duy mới, sáng tạo nhằm tạo bước đột phá trong quan hệ hai nước; trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với Singapore trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2018, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ.

  • Từ khóa
20477

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu