Thứ 5, 28/03/2024 19:27:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 22:10, 12/05/2013 GMT+7

Việt Nam, Nam Phi hợp tác chống săn tê giác trái phép

Chủ nhật, 12/05/2013 | 22:10:00 249 lượt xem

Hãng AFP dẫn lời một người phát ngôn chính phủ Nam Phi cho biết nước này và Việt Nam đã đồng ý trao đổi tên của các thợ săn đã được đăng ký nhằm ngăn chặn những kẻ săn trộm tê giác. 

Chính quyền hai nước đang đưa vào tầm ngắm các tay thợ săn đã lợi dụng kẽ hở luật pháp, vốn cho phép việc đưa sừng tê giác ra khỏi Nam Phi như chiến lợi phẩm, để buôn bán trái phép tại thị trường chợ đen châu Á. 

"Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa 2 nước, Việt Nam sẽ cung cấp cho chúng tôi một danh sách các thợ săn được chính thức công nhận" - Peter Mbelengwa, một phát ngôn viên chính quyền Nam Phi nói. 

Kể từ đầu năm nay, hơn 270 con tê giác đã bị sát hại trái phép ở Nam Phi để lấy sừng. 

Thứ trưởng Bộ Môi trường Nam Phi Rejoice Mabudafhasi và người đồng cấp Việt Nam Hà Công Tuấn đã ký một kế hoạch hành động hồi đầu tuần này để chống nạn săn trộm tê giác. 

"Chúng tôi sẽ có thể kiểm tra tính hợp pháp của các thợ săn này" - Mbelengwa nói với AFP.

Hồ sơ về hoạt động xin phép săn tê giác cho thấy châu Á có đông người đăng ký nhất. 13/41 giấy phép được tỉnh KwaZulu-Natal cấp từ năm 2009 tới năm 2011 là cho người Việt Nam. 

Kế hoạch hành động của hai nước gồm việc thành lập ngân hàng gene và đào tạo phân tích DNA để theo dấu những chiếc sừng tê giác bị tịch thu. Thỏa thuận mới, được xây dựng dựa trên một thỏa thuận khác hồi năm ngoái, sẽ bao gồm hoạt động hợp tác chống săn thú hoang, nhưng săn trộm tê giác là vấn đề nóng nhất. 

Theo AFP, sừng tê là món hàng đắt giá ở châu Á, nơi người tiêu dùng vẫn lầm tưởng chúng có khả năng chữa bệnh thần kỳ, dù thành phần của sừng tê cũng chỉ giống như móng tay người mà thôi. 

Nam Phi đã triển khai quân đội, cảnh sát và máy bay trực thăng để chống săn trộm ở Công viên Quốc gia Kruger, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất từ nạn săn trộm tê giác.

Một số tay thợ săn đã bị kết án vì buôn bán sừng tê sau khi đã săn bắn một cách hợp pháp. 


Số lượng loài tê giác châu Phi đang bị đe dọa do nạn săn bắn lấy sừng

Năm ngoái, một người đàn ông Thái Lan đã thừa nhận có tội buôn bán sừng tê, sau khi trả tiền để một số người giả vờ là thợ săn và chụp hình họ đứng cạnh các con tê giác bị giết. Ông này đã bị kết án 40 năm tù giam.

Tuần trước, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất  cũng đã bắt giữ 7,28kg sừng tê giác châu Phi vận chuyển trái phép qua đường hàng không vào Việt Nam.
 
(Theo Vietnam+)

 

  • Từ khóa
46456

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu