Thứ 6, 19/04/2024 00:06:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:10, 20/07/2016 GMT+7

Vinh nhục cận kề

Thứ 4, 20/07/2016 | 15:10:00 441 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Thái y viện của triều đình nhà Nguyễn được hình thành từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, đến tháng 4 năm Giáp Tý - 1804, cơ bản được hoàn chỉnh. Cơ sở Thái y viện ban đầu được xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong kinh thành vào năm Canh Ngọ - 1810. Đến thời Minh Mạng dời về phía Đông Duyệt Thị đường, trong Tử Cấm thành. Năm Minh Mạng thứ nhất - 1820, cơ cấu bộ máy Thái y viện mới hoàn chỉnh.

Đứng đầu là quan chính ngự y (hàm chánh ngũ phẩm), cấp phó có 2 người quan phó ngự y (hàm tòng ngũ phẩm), tiếp đến là các quan y chính (12 người, hàm chánh thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), quan y phó (12 người, hàm tòng thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), dưới quan y chính là quan chính y sinh (12 người, hàm chánh cửu phẩm) và phó y sinh (30 người, hàm tòng cửu phẩm); ngoại khoa, có 20 người, gồm y chính (2 người, hàm chánh bát phẩm), phó y chính (2 người, hàm tòng bát phẩm) và quan y sinh (16 người, hàm tòng cửu phẩm). Đến năm Minh Mạng thứ 10, tức vào năm 1829, người đứng đầu Thái y viện được nâng lên chức viện sứ, hàm chánh tứ phẩm; năm 1823 thì đặt thêm chức viện phán, làm công việc ghi chép sổ sách.

Quan ngự y được hưởng lương và bổng lộc do nhà vua quy định, nhưng nếu có lỗi cũng sẽ bị phạt rất nghiêm. Sách “Đại Nam thực lục” chép, năm Gia Long thứ 17, tức năm 1818 nhà vua ban chiếu định lại lương bổng cho quan viên, trong đó Thái y viện cũng được hưởng lương mới. Tuy nhiên, theo nhiều sử liệu còn lưu truyền đến ngày nay, đặc biệt là từ khi Hội Đông y Thừa Thiên - Huế đã tiếp cận và giải mã kho tư liệu châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội). Từ đó, nhiều bí mật về cuộc sống, công việc, vinh nhục của các quan ngự y cũng như bệnh tật của các vua triều Nguyễn đã phần nào hé lộ.

Theo đó, quan chính ngự y hằng năm được 35 quan tiền, 35 phương gạo, tiền áo xuân phục 9 quan. Phó ngự y lương 30 quan, gạo 30 phương, tiền áo xuân phục 8 quan. Y chính lương 22 quan, gạo 22 phương, tiền áo xuân phục 6 quan. Y phó, y sinh, ngoại khoa không có lương. Về sau lương bổng dần được cải thiện. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), viện sứ, cả năm lương 80 quan, gạo 60 phương, tiền áo xuân phục 10 quan. Chính ngự y, tiền 40 quan, gạo 35 phương, áo xuân phục 9 quan...

Sách “Đại Nam hội điển sự lệ” chép, năm Minh Mạng thứ 3, tức năm 1822, nhà vua ra chỉ dụ quy định: “Cho phái 5 thuộc viên Viện thái y cùng mang theo thuốc của nhà nước đến chỗ công trường sửa thành, ở tản ra mọi nơi, gặp quan, lính xứ ấy có tật bệnh thì phải hết lòng điều trị, cốt chữa được nhiều người khỏi bệnh. Công việc xong sẽ giao cho bộ Hộ phân biệt công trạng, ai có công hiệu nhiều thì được thưởng, ai không có công trạng gì thì phải xử rất nghiêm...”. Theo đó, sau khi bộ Hộ soát xét công trạng, có 3 y sinh điều trị 3 phần, khỏi được trên dưới 2 phần, thưởng cho tiền phi long hạng lớn bằng bạc, mỗi người 1 đồng; có 5 y sinh điều trị khỏi trên dưới 1 phần, được thưởng tiền phi long hạng nhỏ, mỗi người 1 đồng. Có trường hợp 2 y sinh điều trị không khỏi người bệnh nào, bị đem ra đánh 30 roi và căn dặn: “Nếu lần sau không chữa khỏi như thế thì phải trị tội nặng hơn, không thể tha thứ”.

Các quan ngự y có công lớn được ban thưởng thăng chức hàm. Theo “Đại Nam hội điển sự lệ”, năm Minh Mạng thứ 20, tức vào năm 1839, nhà vua có chỉ: “Nguyên y phó Thái y viện là Đặng Văn Chức, văn học khá thông, hơi biết nghề chữa bệnh, lại sung bổ viện ấy lâu năm, làm việc đắc lực, vốn được viện ấy tôn trọng. Vậy gia ân bạt bổ Đặng Văn Chức làm tả viện phán Thái y viện”. Năm Thiệu Trị thứ 7, tức năm 1847, nhà vua có dụ rằng: “Lần này hoàng tử lên đậu mùa, bệnh được tốt lành. Vậy gia ân cho người trước sau trông coi thuốc thang là y chính Nguyễn Văn Hạnh được thăng thực thụ hữu viện phán Viện thái y, Đoàn Công Loan cho chuyển bổ làm tả viện phán”.

Lời bàn:

Vinh có nghĩa là vinh quang, đó là trạng thái con người trở nên đẹp đẽ trước mắt mọi người, được mọi người yêu quý, kính trọng, nể phục và tôn vinh. Nhục là chỉ một trạng thái, đó là sự nhục nhã. Sự nhục nhã hay cảm giác nhục nhã chỉ đến với một người khi lòng tự trọng của người đó bị tổn thương, bị thử thách, bị xem thường và thậm chí là bị người đời khinh khi. Vì thế, vinh và nhục trong cuộc sống được biểu hiện trái ngược với nhau. Hai phạm trù này tưởng chừng tách rời nhau nhưng lại không phải thế, mặt khác nó còn gắn bó chặt chẽ, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Minh chứng cho điều này là cuộc sống của các ngự y trong cung dưới các triều đại phong kiến. Nếu chữa khỏi bệnh cho vua chúa thì sẽ được ban thưởng rất hậu hĩnh. Ngược lại thì cái đầu khó giữ yên trên cổ.

Các ngự y khi khám, chữa bệnh cho vua đều cho thấy một tâm thế lo sợ, kính cẩn. Trong bản tấu của các ngự y triều Nguyễn thường mở đầu với các cụm từ: Chúng thần ở Thái y viện cúi đầu sát đất, trăm lạy, cẩn tấu, dâng lên đấng bề trên... Chỉ riêng điều này cũng đã quá đủ để hậu thế hiểu thêm về cuộc sống của các ngự y thời xưa. Và cuộc sống là vậy, chính vì vậy mà ngày nay mong rằng đừng có ai thấy vinh mà vội vui mừng không lo nghĩ và cũng đừng có ai thấy nhục mà kêu than bất cần. Xin hãy luôn sống hết mình và làm theo những chuẩn mực đạo đức là được.

N.D

  • Từ khóa
109814

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu