Thứ 5, 25/04/2024 19:48:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:48, 04/11/2015 GMT+7

Vỡ nợ và vai trò của ngành ngân hàng

Thứ 4, 04/11/2015 | 09:48:00 375 lượt xem

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ, vỡ hụi với số tiền khổng lồ. Chỉ trong nửa đầu tháng 8 năm nay đã xảy ra hai vụ vỡ nợ trong ngành điều với số tiền hàng trăm tỷ đồng và nhiều vụ vỡ hụi khác. Tình trạng vỡ nợ, vỡ hụi không chỉ khiến nhiều gia đình lâm vào nợ nần, gia đình ly tán mà còn khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong giải quyết hậu quả, xã hội bất ổn.

Thực tế ở nhiều vùng quê vẫn tồn tại những đường dây chơi họ, chơi hụi của tiểu thương hoặc giữa những người thân quen để phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh hoặc mua sắm, sửa sang nhà cửa. Nhu cầu sử dụng tiền mặt là có thật và rất lớn thế nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng lại không dễ. Dẫu đã có nhiều cải thiện so với trước, song ở nhiều ngân hàng, việc thực hiện thủ tục vay vốn vẫn rất nhiêu khê. Tài sản thế chấp của người dân đáng giá 100 nhưng chỉ được định giá 70 và vẫn có tình trạng nhân viên ngân hàng lợi dụng bắt chẹt khách hàng để tham nhũng... Những tồn tại nói trên đã làm người dân mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng. Rồi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng; đầu tư vào thu mua, chế biến nông sản, vào vàng thì bấp bênh; lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng thấp... các đối tượng lừa đảo nắm rõ tâm lý của người dân nên đã câu nhử bằng mức lãi suất cao chót vót. Và vì cái lợi trước mắt, nhiều người đã chấp nhận tham gia vào các đường dây tín dụng đen để thu được lợi nhuận cao, dẫu biết là quá nhiều rủi ro.

Thực ra là không khó để nhận thấy sự bất thường và nguy cơ cao của các đường dây tín dụng đen nhưng bởi lòng tham nên nhiều người đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Trong lúc lãi suất huy động của ngân hàng chỉ hơn 5 phần trăm/năm mà lãi suất huy động của các đường dây tín dụng đen có nơi cao hơn 10 lần mức huy động của ngân hàng. Vì thế, nhiều người đã bị hạ gục. Thật đáng buồn khi có cả những người là cán bộ, giáo viên, thậm chí là người của cơ quan bảo vệ pháp luật trực tiếp tham gia và lôi kéo nhiều người cùng tham gia vào các đường dây tín dụng đen, góp phần làm rối loạn xã hội. Và thường khi sự việc xảy ra, con nợ bỏ trốn, nhiều chủ nợ lâm vào cảnh khuynh gia bại sản nhưng chỉ rất ít người đến trình báo với cơ quan chức năng. Bởi thực tế, nhiều chủ nợ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Có chủ nợ cho vay với mức lãi 7.000 đồng/triệu/ngày, vượt rất nhiều so với lãi suất quy định của ngân hàng nên họ có thể bị xử lý hình sự tội cho vay nặng lãi. Và đây chính là một trong những lý do khiến nhiều vụ vay nặng lãi vẫn âm thầm diễn ra qua mặt các cơ quan chức năng mà cả người chủ mưu lẫn bị hại chọn cách tự giải quyết với nhau, thay vì đi báo công an.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng, để xảy ra các vụ vỡ nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng, cần xem lại vai trò của ngành ngân hàng. Phải chăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các hộ kinh doanh nhỏ còn quá khó? Khi hệ thống tín dụng ngân hàng chưa tạo được lòng tin sẽ đẩy khách hàng tìm đến đường dây tín dụng đen. Nếu có kênh vay vốn ngân hàng tốt thì tín dụng đen sẽ ít cơ hội phát triển.

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu