Thứ 6, 29/03/2024 11:55:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:38, 07/10/2017 GMT+7

Với nông nghiệp công nghệ cao, nông dân không còn mang “tiếng ác”!

Thứ 7, 07/10/2017 | 08:38:00 380 lượt xem

BP - Hiện cụm từ “nông nghiệp công nghệ cao” không còn xa lạ nữa, bởi các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên nhắc đến, nhưng với người nông dân, để bắt tay vào làm thì còn rất mới mẻ. Khi đã làm rồi thì nguồn cảm hứng làm giàu từ nông nghiệp như được thăng hoa, bởi làm công nghệ cao (CNC) “khỏe” hơn kiểu truyền thống gấp nhiều lần. Và người nông dân tin rằng đây là lối thoát cho điệp khúc chặt - trồng, trồng - chặt. Đồng thời là nguồn lực to lớn thúc đẩy lộ trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

sức hút của nông nghiệp công nghệ cao

40 năm trồng rau quả ngoài gò (1 ha đất thuê) giúp gia đình ông Phạm Văn Chung ở ấp 1, xã Tân Khai (Hớn Quản) ổn định cuộc sống với 1 căn nhà kiên cố và 2 ha đất trồng tiêu, cao su. Song từ cái ngày “định mệnh” đã làm ông thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về phương pháp làm nông nghiệp của mình. “Hôm đó tôi đi tân gia nhà người quen ở Chơn Thành. Ăn xong, đến món tráng miệng thì được mời một miếng trái cây màu hồng cam giống như đu đủ. Tôi cắn một cái, trời ơi tê luôn đầu lưỡi, đầu óc bàng hoàng. Tôi hỏi ngay, đây là quả gì mà từ khi “cha sanh mẹ đẻ” đến giờ mới được ăn mà ngon đến vậy. Chủ nhà nói, anh muốn biết trái gì thì mấy hôm nữa đi với tôi” - ông Chung kể. Sau lần nếm mùi “trái lạ”, sự ham muốn cứ thôi thúc ông lên đường đi tìm lời giải.

Vườn dưa lưới của ông Phạm Văn Chung đã xuống giống vụ thứ 2

Ông được đưa đến nhiều nơi, từ Bình Dương về Bình Phước. Và ông đã biết loại trái đó có tên gọi là dưa lưới. Để có vị ngon tê đầu lưỡi, người ta phải trồng dưa trong nhà màng, dùng phân hữu cơ, tưới tự động hẹn giờ và đặc biệt là không dùng thuốc bảo vệ thực vật. “Anh có muốn làm thử không?” - người bạn hỏi. “Làm thiệt luôn chứ thử gì nữa!” - ông Chung khẳng định.

“Giờ nghĩ lại quãng thời gian 40 năm qua tôi thấy sợ. Sợ vì luôn đầu tắt mặt tối ngoài vườn. Sợ vì dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều để phòng trị bệnh trên cây trồng. Mỗi lần đem bán sản phẩm tôi áy náy lắm, song mình không dùng thuốc thì rau quả của mình xấu xí, không thương lái nào nhập hàng” - ông Phạm Văn Chung.

Do đất của gia đình đã phủ kín cao su, tiêu nên muốn trồng loại cây mới phải cắt bỏ cây cũ đang cho thu nhập ổn định. Để thuyết phục các thành viên trong gia đình, ngoài những gì mắt thấy tai nghe, ông Chung còn tham khảo các bài viết trên mạng, tài liệu hướng dẫn trồng, chăm sóc... Ông phân tích: Dưa lưới đang là loại trái cây xa xỉ vì giá bán tại vườn từ 30-35 ngàn đồng/kg. Thị trường nguồn cung đang hạn chế do mức đầu tư ban đầu cao. Nông dân sợ nhất là đầu ra sản phẩm, nhưng giờ đây không còn là vấn đề lớn bởi nhà cung cấp giống đã ký hợp đồng bao tiêu với mức giá rõ ràng. Hơn nữa, công lao động chỉ bằng 1/5 so với làm ngoài gò. Điều quan trọng là thị trường dưa lưới nếu có nhanh thì 3-5 năm nữa mới có thể bão hòa. Lúc đó, nông dân đã lấy lại vốn, có lãi trong 2 năm và muốn thì chuyển đổi cây trồng. Nghe giải thích đến đây, các thành viên trong gia đình nhất trí. Ông bắt tay vào thuê công cưa cao su, làm 1 sào nhà màng và xuống giống dưa.

“Đã làm được rau màu ngoài gò thì vào nhà màng dễ như chơi. Sau khi làm đất xuống giống, mọi công việc dường như chỉ cần bật cầu dao là xong. Lúc cây còn nhỏ thì theo dõi bọ trĩ, cây lớn đề phòng nấm khi thời tiết ẩm ướt. Nhà màng là lớp bảo vệ tối đa dịch hại, không tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật nên khi bán sản phẩm tôi vui mừng và tự hào lắm, vì không còn thấy mình “ác ác” như lúc trước” - ông Chung cười.

Vụ dưa đầu tiên thành công, chỉ sau 3 tháng thu 100 triệu đồng, trong khi đầu tư ban đầu cho 1 sào nhà màng và giống là 250 triệu đồng. Ông Chung tính, chỉ 2 vụ nữa lấy lại vốn. Thấy hiệu quả, gia đình ông thống nhất bỏ 1,3 sào tiêu năm thứ 2 để mở rộng diện tích dưa lưới. Hôm chúng tôi đến, những nọc tiêu vừa được cắt vẫn còn xanh lá nằm trên đất. Tôi hỏi: Không xót sao chú? - Có chứ! Nhưng quyết tâm làm giàu và giải phóng sức lao động cho chính mình còn cao hơn. Dự tính diện tích trồng mới này, ông Chung sẽ xuống giống dưa ô van đang được thị trường ưa chuộng vì độ giòn và ngọt cao hơn.

Người truyền cảm hứng

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Phước An ở xã Phước An (Hớn Quản) Nguyễn Viết Thành chỉ mới 27 tuổi. Anh được “đề bạt” bởi đã đưa ra sáng kiến trồng dưa lưới theo CNC làm hướng đi mới cho HTX. Với kinh nghiệm phụ trách kỹ thuật chăm sóc dưa lưới khi đi làm công và những gì được mục sở thị khi được anh đưa đi tham quan đã thuyết phục 7 thành viên đầu tư trồng 1 sào dưa lưới.

Bí thư Huyện ủy Hớn Quản Lê Hoàng Lâm tham quan mô hình dưa lưới tại ấp 5, xã Tân Quan - ảnh: Tư liệu

Anh Thành nhận định, hiện ở Hớn Quản nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung đang manh nha trồng dưa lưới trong nhà màng. Tuy nhiên, số lượng hộ trồng còn rất ít, HTX cần tranh thủ thời điểm này để phát triển. Về đầu ra sản phẩm, anh đã có bạn hàng ký hợp đồng thu mua, nếu sau này HTX phát triển rộng vẫn đảm bảo được. Hơn nữa sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên thị trường luôn mở rộng.

Nhiệt huyết của anh còn thổi bùng ý chí phát triển kinh tế của 2 người bạn. Một người được anh hùn vốn làm chung 600m2 tại trung tâm huyện Hớn Quản, đã đến công đoạn ươm cây con. Còn với một người chỉ qua một cuộc trò chuyện, không cần đi tham quan đã thống nhất đầu tư làm 2 sào tại thị xã Bình Long mà anh Thành chỉ cần hùn sức lao động.

“Thành có sợ thất bại không?” - “Em không sợ, vì đã áp dụng khoa học - kỹ thuật đến mức gọi là CNC thì không thể thất bại. Hơn nữa đã có rất nhiều trang trại dưa lưới thành công, như trại dưa ở xã Tân Quan đầu tư đến 2 ha. Cây dưa lưới không kén đất, chỉ đừng quá phèn là được. Cái em sợ là không có vốn và đất để làm. Em mong mô hình trồng dưa lưới CNC của HTX thành công để phần nào thay đổi tư duy của nông dân trong xã, giúp họ bớt vất vả, chọn được loại cây trồng phù hợp thoát vòng lẩn quẩn “chặt - trồng” khi thị trường biến động. Từ đó hướng đến một sản phẩm có nhãn mác của địa phương mình” - Thành chia sẻ.

Có tin mới làm

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản Nguyễn Thái Bình cho biết: “Khi tìm hiểu về cây dưa lưới, tôi đã trồng thử tại nhà vì muốn biết làm nông nghiệp CNC có quá khó hay không. Và tôi mong một mô hình tốt phải đến được với người nông dân trong huyện”.

Trước đó, khi có đề án triển khai mô hình thí điểm, anh Bình đã tìm đến nông dân. Tuy nhiên, khi nghe anh nói làm nông nghiệp CNC, nhiều nông dân đã từ chối thẳng thừng rằng làm “thấp” còn chưa có ăn huống chi làm “cao”. Rất may trong lúc ý tưởng của anh gần như thất bại thì gặp nông dân Phạm Văn Chung - một người đang rất hào hứng với cây dưa lưới. Anh Bình quyết định dùng nguồn vốn khoa học công nghệ của tỉnh đầu tư vào mô hình của ông Chung làm điểm. “Chỉ khi được tận mắt chứng kiến, nông dân mới tin để làm. Tôi chọn nông dân vì nông dân tin nông dân mới làm” - anh Bình nói.

“Tư duy của đại bộ phận nông dân đều sợ một lúc phải bỏ ra số vốn lớn để đầu tư. Nếu tính đường dài, làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ không trụ vững bởi sự khắc nghiệt của thời tiết và khi xã hội ngày càng phát triển, xu hướng tìm thực phẩm sạch là tất yếu. Đầu tư vào dưa lưới khi thị trường bão hòa giá, thậm chí xuống 15.000 đồng/kg người dân vẫn có lãi và một phương án nữa là chuyển đổi qua cây trồng khác vẫn đảm bảo nguồn thu từ thực phẩm sạch” - anh Bình định hướng.

Thương hiệu dưa lưới Bình Phước?

Dưa lưới đang rất có tiềm năng phát triển tại địa bàn tỉnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có cái nhìn bao quát về vấn đề này:

*Trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu hécta trồng dưa lưới và quy hoạch của ngành về loại cây trồng này như thế nào, thưa ông?

Phong trào trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh mới rộ lên 2 năm trở lại đây. Hiện nay, ngoài 5 ha của HTX Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành (Đồng Xoài), trên địa bàn tỉnh phát triển khoảng hơn 3 ha trong dân.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi nền nông nghiệp tỉnh, ngành đã và đang khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. Ngành đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp CNC. Bước đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC, Trung tâm Khuyến nông xây dựng thí điểm các mô hình dưa lưới trên địa bàn tỉnh để đánh giá hiệu quả và khuyến cáo nhân rộng.

*Ông nghĩ gì nếu chúng ta xây dựng thương hiệu cho dưa lưới Bình Phước. Và khi nhắc đến Bình Phước, người ta sẽ nghĩ ngay đến dưa lưới, như thanh long Bình Thuận hay vải thiều Bắc Giang?

Đây là vấn đề đúng đắn vì Bình Phước có điều kiện thuận lợi cho việc trồng dưa lưới nên sản phẩm dưa lưới rất ngon và có vị thơm. Muốn xây dựng được thương hiệu dưa lưới Bình Phước phải có lộ trình. Trước mắt, phải liên kết được nông dân để sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng; sản phẩm xuất ra thị trường phải ngon, giòn, có vị thơm rất riêng của Bình Phước. Tuy nhiên, muốn làm được cần phải có doanh nghiệp đủ mạnh, có tâm huyết. Vấn đề này, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có định hướng để phát triển và xây dựng thương hiệu dưa lưới Bình Phước.

*Nếu tự phát đầu tư như nông dân đang làm hiện nay, ông có nghĩ đến một thời điểm nào đó, giá dưa lưới bằng dưa hấu không?

Hiện nông dân Bình Phước làm theo phong trào vì sản phẩm dưa lưới tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên, để trồng dưa lưới CNC không phải người dân nào cũng làm được như các loại dưa khác (dưa hấu). Bởi để đầu tư người dân phải bỏ ra số tiền rất lớn (từ 300-500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng) cho 1.000m2; muốn có sản phẩm dưa lưới ngon, giòn, thơm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng thì kỹ thuật trồng dưa lưới rất khắt khe. Đặc biệt, dưa lưới đang là sản phẩm tương đối cao cấp vì hiện nhiều người chưa biết về dưa lưới và ăn nó như thế nào. Tôi cho rằng, đó là những rào cản làm cho việc phát triển dưa lưới sẽ không đại trà như dưa hấu và chi phí bỏ ra cho sản phẩm dưa lưới cao hơn nhiều so với dưa hấu nên càng không thể có sự so sánh này.

* Theo ông, nông nghiệp CNC có tác động như thế nào đối với xây dựng nông thôn mới (NTM)?

Trước hết phải khẳng định rằng đã là NTM thì không thể sản xuất nhỏ lẻ mà phải liên kết tiến tới hội nhập, nông nghiệp CNC sẽ đáp ứng điều kiện tiên quyết này. Vì thế sản xuất nông nghiệp CNC có tác động to lớn đến sự đổi đời của người nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Tóm lại, xây dựng NTM sẽ không thể không hướng đến sản xuất nông nghiệp CNC.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
93381

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu