Thứ 6, 19/04/2024 16:10:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 22:19, 20/05/2012 GMT+7

Vốn vay cho nông nghiệp: Thừa mà thiếu!

Chủ nhật, 20/05/2012 | 22:19:00 201 lượt xem

Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chi nhánh Bình Phước, hiện nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn còn dư khá nhiều. Thế nhưng, nhiều nông dân trong tỉnh lại thiếu vốn để đầu tư sản xuất...

NGHỊCH LÝ

Cuối năm 2011, nguồn vốn Ngân hàng NN&PTNT cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh có tổng dư nợ trên 4.342 tỷ đồng, tăng gần 960 tỷ đồng so với cuối năm 2010, trong đó dư nợ cho vay không bảo đảm bằng tài sản là gần 1.230 tỷ đồng.

Vốn vay cho nông nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông thôn

Ở các huyện, thị, nguồn vốn Ngân hàng NN&PTNT cho vay mỗi năm đều tăng đáng kể, nhưng so với nhu cầu của nông dân thì vẫn chưa đáp ứng được bao nhiêu. Cụ thể, mức cho vay hiện nay đối với các hộ đầu tư sản xuất cây lâu năm, cây ngắn ngày tăng từ 5 đến 15 triệu đồng/ha, nhưng giá đầu vào vật tư, phân bón, nhân công... đều tăng từ 2 đến 3 lần so với cách đây 3 năm. Ví dụ, suất đầu tư cho cây lúa lên đến trên 20 triệu đồng/ha/vụ; bắp 25-30 triệu; tiêu, sầu riêng 50-90 triệu; cà phê 35 triệu... Vì thế mức cho vay của ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bình Phước thừa nhận, thời gian qua, tỷ trọng đầu tư vốn tín dụng cho khu vực nông thôn tăng nên cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nông dân, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, phía ngân hàng còn tồn tại một số hạn chế, như không tính toán mức cho vay với từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp; cho vay còn dàn trải. Do đó, nguồn vốn của Ngân hàng NN&PTNT khá dồi dào, nhưng nông dân trong tỉnh lại thiếu vốn đầu tư sản xuất.

Để khắc phục tình trạng này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng cho rằng, thời gian tới phía ngân hàng cần xây dựng dự án đầu tư cho những cây trồng có số lượng lớn và công bố rộng rãi cho người dân để họ tự cân đối. Mặt khác, nhanh chóng triển khai kế hoạch cho vay đầu tư theo đề án xây dựng nông thôn mới.

QUÁ CỨNG NHẮC KHI CHO VAY

Ông Trần Văn Phụng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh khẳng định, hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ đều thiếu vốn nhưng rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Đây cũng là một trong những hạn chế làm kinh tế tập thể khó phát triển. Thực tế thời gian qua, các câu lạc bộ, hợp tác xã ít được vay vốn là do không làm sổ sách, phương án kinh doanh không hiệu quả. Trong khi đó, muốn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, yêu cầu người vay phải có dự án khả thi, sử dụng vốn đúng mục đích và phải có tài sản sinh lời, tài sản thế chấp.

Hiện nay, nguồn vốn của Ngân hàng NN&PTNT không thiếu. Tuy nhiên, ngân hàng hoạt động theo nguyên tắc “đi vay để cho vay”, nên mọi dự án vay vốn của nông hộ cần được thẩm định tính hiệu quả, phương án trả nợ mới được giải ngân. Trên thực tế mức cho vay đối với các loại cây trồng hiện không còn quá cứng nhắc, nếu đáp ứng suất đầu tư trên cùng một diện tích như cây cao su, các hộ có thể được vay gần 70 triệu đồng/ha; tiêu, cà phê khoảng 60 triệu/ha; cây ăn trái trên 40 triệu/ha.

Tại buổi làm việc với Ngân hàng NN&PTNT về cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi nhận định, các tổ chức tín dụng còn quá cứng nhắc nên nhiều hộ có nhu cầu về vốn vẫn không vay được. Để nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xem xét cho vay đạt hiệu quả.

Cũng theo Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bình Phước, nguồn vốn cho các hộ vay để đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện đã giảm còn 15-15,5%/năm. Hiện nay, ngân hàng đã thiết lập đường dây nóng, người dân vay vốn trong quá trình làm thủ tục nếu gặp hiện tượng tiêu cực hoặc nhân viên ngân hàng cố tình gây phiền hà có thể báo về đường dây nóng, lãnh đạo ngân hàng sẽ kịp thời xử lý.

Thanh Mảng

  • Từ khóa
39267

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu