Thứ 6, 29/03/2024 02:45:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:53, 16/06/2011 GMT+7

Nguy cơ phải đóng cửa các cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây lồ ô ở Bù Đốp

Thứ 5, 16/06/2011 | 14:53:00 998 lượt xem

Một cơ sở đã tháo dỡ, hai cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng, chờ đợi hy vọng mong manh; công nhân lần lượt bỏ đi, máy móc sản xuất trùm mền... Đó là thực trạng báo động ở các cơ sở chế biến sản phẩm từ cây lồ ô trên địa bàn huyện Bù Đốp vì thiếu nguyên liệu.

MÁY MÓC TRÙM MỀN VÀ NGUY CƠ PHÁ SẢN...

Chúng tôi đến thăm Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Hưng Phước, một cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm: tăm, đũa, chân nhang ở ấp Cửa Rừng, xã Phước Thiện (Bù Đốp). Ông Trần Văn Tị, Giám đốc công ty tiếp chúng tôi với cái bắt tay nặng trĩu, đôi mắt đượm buồn. Ông Tị tâm sự: Công ty thành lập đến nay đã 6 năm. Trước đây có đến 70 công nhân sản xuất. Đơn vị có đoàn thanh niên, công đoàn đảm bảo mọi quyền lợi cho công nhân. Thế nhưng hơn 3 tháng nay, do không có việc làm nên công nhân phải bỏ xưởng, hiện tại chỉ còn 22 người. Ông Tị cho biết đã đầu tư gần 3 tỉ đồng với tính toán: 1m2 diện tích giao khoán khai thác lồ ô được phép đốn 4 cây, 10.000m2 thì đốn 40.000 cây/tháng. Một năm chỉ làm 10 tháng, 2 tháng dưỡng măng. Cứ thế theo hình thức cuốn chiếu, cơ sở của ông sẽ không bao giờ hết nguyên liệu để sản xuất. Thế nhưng thực trạng hiện nay hoàn toàn ngược lại.

Máy móc của Công ty Nam Việt như đống sắt phế thải

Công ty chế biến đũa, chân nhang Nam Việt của ông Hoàng Đắc Việt cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cơ sở có 30 công nhân, giờ chỉ còn 17 người. Máy móc đầu tư gần 1 tỷ đồng giờ như đống sắt vụn. Ông Việt cho biết: Số công nhân lần lượt bỏ đi vì không có nguyên liệu để làm. Hợp đồng xuất xưởng đình trệ cũng vì không có nguyên liệu. 4 tháng nay cơ sở ông hoạt động cầm chừng và luôn phải bù lỗ.

Dẫn tôi đi thăm xưởng, ông Trần Văn Tị nói: Hoạt động sản xuất của chúng tôi hiện chỉ khoảng 20% khối lượng. 9 máy cắt làm đũa giờ chỉ có 2 máy làm việc, 4 máy làm chân nhang hiện chỉ còn 1 máy, 2 máy làm tăm chỉ còn 1 máy. Trước đây công ty tuyển công nhân vào làm có tiêu chí nhận những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, dị tật, thậm chí có liên quan đến tệ nạn xã hội nhưng biết hoàn lương. Họ sống với nhau đoàn kết, thân ái, biết kiếm tiền từ lao động chân chính. Giờ đây công ty rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” không biết làm gì để giúp những công nhân từng gắn bó với mình.

Chị Đào Thị Thanh Kiều, nhà ở ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, một công nhân dị tật được ông Tị nhận vào làm ở công ty đã 6 năm, tâm sự: Trước đây công đoạn làm chân nhang có đến 4 công nhân, giờ chỉ còn mình tôi. Họ đã nghỉ việc và không biết đi đâu. Bản thân chị Kiều bị liệt hai chân, đang phải bươn chải sống qua ngày cùng công ty. Trường hợp của anh Trịnh Quốc Duy quê ở TP. Hồ Chí Minh trước đây là một con nghiện nhưng anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời và được công ty nhận vào làm công nhân. Trước đây mỗi tháng anh làm khoảng 2-3 triệu đồng tiền lương, giờ có tháng chỉ 500 - 700 ngàn đồng, vô cùng khó khăn. Nếu công ty ngừng sản xuất, anh không biết nương tựa vào ai.

Gần công ty ông Tị và ông Việt là một khu đất khoảng 500m2 hiện chỉ còn hai nền xi măng trơ trọi. Máy móc, nhà xưởng đã tháo dỡ cách đây hai tháng. Ông Việt cho biết: Đây là cơ sở sản xuất nhang thành phẩm do một người ở Bình Dương làm chủ. Hiện không biết ông ta đi đâu!? Ông Việt buồn bã nói: Cuối năm nay, công ty sẽ ngưng hoạt động, chuyển sang kinh doanh nông sản. Số máy móc đầu tư đành bán sắt vụn.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

3 tháng trở lại đây, tiểu khu 60 nơi ông Tị và ông Việt đăng kí khai thác lồ ô nằm trong khu vực chuyển đổi rừng để trồng cao su. Lâm trường Bù Đốp giao khoán cho công ty của ông Trần Văn Tị khai thác 50.000 cây (phải trả tiền trước) và thời hạn là đến tháng 8-2011. Tuy nhiên, đường vào khai thác bị cày ủi và cây rừng ngổn ngang. Một số đường tuần tra biên giới do đơn vị công binh thi công thì không qua lại được. Một tuần cơ sở của ông Tị chỉ lấy được 2 xe lồ ô khoảng 1.200 cây. Số lượng chỉ đủ làm 1-2 ngày. Thời gian còn lại công nhân chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Ông Tị cho biết: Lúc mới đến Bù Đốp, rừng còn nhiều, ông rất hy vọng vào tương lai của ngành nghề mình. Nhưng với chủ trương chuyển đổi mục đích rừng để trồng cao su của tỉnh thì diện tích rừng ngày càng thu hẹp kéo theo diện tích cây lồ ô nguyên liệu cũng ít đi.

Giám đốc Nông - lâm trường Bù Đốp (thuộc Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé) Lê Duy Linh cho biết: Thời hạn thuê đất với những giám đốc trước đây là 5 năm, giờ đã hết thời hạn. Nông - lâm trường chỉ ký theo năm. Sang năm 2012 sẽ không cho đăng kí thuê đất và thiết kế khai thác lồ ô nữa. Bù Đốp sẽ còn 5.000 ha rừng phòng hộ để khoanh nuôi bảo vệ, lâm trường không được đụng chạm tới - ông Linh giải thích.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, giá bán lồ ô trong hợp đồng kí kết giữa Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé với các doanh nghiệp không theo giá bán quy định tại Quyết định số 2338/QĐ/UBND, ngày 12-10-2010 của UBND tỉnh. Cụ thể ở phụ lục số 2 khoản 8 mục D quy định giá bán lồ ô là 2.500 đồng/cây, trong đó 1.500 đồng/cây tiền khai thác. Tuy nhiên, trong hợp đồng với doanh nghiệp khai thác và chế biến, Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé lại thu đến 3.500 đồng/cây (doanh nghiệp chịu thuế). Như vậy, giá bán lồ ô chênh lệch 1.000 đồng/cây so với quyết định 2338 của UBND tỉnh?. Ông Tị và ông Việt nói: Chúng tôi thắc mắc nhưng lãnh đạo công ty chỉ trả lời là do đơn vị kinh doanh không như trước nên phải làm vậy? Giá bán này áp dụng từ tháng 5-2010 đến nay (sau khi Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé tiếp nhận, sáp nhập các ban quản lí rừng).

Chị Thạch Thị Hồng, Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Hưng Phước cho biết: Công ty không phải phục vụ mục đích kinh doanh, chủ yếu là cưu mang, giúp đỡ người lầm lỡ, người khuyết tật và người nghèo. Số phận họ sẽ về đâu? Trả lời cho câu hỏi này xin dành cho những người có trách nhiệm.

Hoàng Thơ

  • Từ khóa
91758

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu