Thứ 5, 25/04/2024 20:49:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:29, 07/08/2018 GMT+7

Vụ án “chó cắn hạc”

Thứ 3, 07/08/2018 | 10:29:00 1,260 lượt xem

BP - Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì, là vị hoàng đế thứ tư và là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn (từ năm 1847-1883). Ông là con thứ của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng. Khi còn nhỏ Hồng Nhậm có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Vì anh trai của ông tên Nguyễn Phúc Hồng Bảo là người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành, nên Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành thông thái. Đến tháng 10-1847, ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức.

Minh họa: S.H

Tự Đức được đánh giá là một vị vua có tư cách tốt. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nải, được các quan nể phục. Tự Đức là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Đêm nào ông cũng xem sách đến khuya. Ông làm nhiều bài thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ “Ngự Chế Việt sử tổng vịnh”, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như “Luận Ngữ diễn ca”, “Thập điều”; Tự học diễn ca”...

Tự Đức là người chăm chỉ, cần mẫn, nhân từ, luôn hết lòng vì nước, vì dân. Để bảo vệ kỷ cương phép nước, giống ông nội Minh Mạng của mình, vua Tự Đức nổi tiếng mạnh tay chống tham nhũng và ông thường xử phạt rất nặng quan lại có hành vi tham ô, hối lộ. Đến nay, trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện vua xử án và đặc biệt là chuyện về giao thiệp của nhà vua với các nhà văn, học giả đương thời. Một trong những vụ án điển hình như vụ án Hồng Bảo, vụ án “Chó cắn hạc vua”, vụ án “Hải tặc”, vụ án Phạm Đăng Tuấn.

Sau đây là nội dung vụ án “Chó cắn hạc vua”: Ngày ấy, vua nhà Thanh (Trung Quốc) biếu tặng vua Tự Đức một con hạc thuộc loại hiếm có. Vua Tự Đức quý lắm, cho đeo trước cổ tấm thẻ bài ghi “Thiên Tử Hạc” (hạc của vua nuôi). Thiên Tử Hạc quen hơi người nên được thả trong vườn thượng uyển.Ngày nọ, con Thiên Tử Hạc bay ra khỏi hoàng cung. Nó lạc vào vườn của một gia đình thường dân nên bị chó của nhà này cắn chết. Vua Tự Đức thấy mất con hạc mình yêu quý và dày công tốn sức chăm nuôi nên truyền cho thuộc cấp điều tra.

Cấp dưới điều tra sự việc và biết được chó nhà dân cắn chết hạc của vua nuôi nên đã quay về trình báo. Vua Tự Đức thấy hạc quý chết nên nổi giận, rồi truyền cho bộ Hình luận tội. Bộ Hình kết án chủ chó phải tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản. Việc xử án của bộ Hình được quan Ngự sử Phạm Đan Quế biết được. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, ông xin yết kiến vua Tự Đức và trình một bản tấu. Nội dung bản tấu ấy được viết như sau:

Hạc bất năng ngôn/Khuyển vô thức tự/Hạc nhập dân viên/ Khuyển trung vu chủ/Điểu, thú đấu tranh/U minh hà dự/ Khuyển phệ hạc tử/Tôi quy vu chủ/Hạc trắc khuyển tử/Tường hà luật xử? Dịch nghĩa: Hạc chẳng biết nói/Chó không biết chữ/Hạc vào vườn dân/Chó trung với chủ/Chim, thú đánh nhau/Tối sáng không rõ/Chó cắn chết hạc/Tội quy cho chủ/Hạc mổ chết chó/Luật xử thế nào?

Xem xong bản tấu, vua Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa. Bởi những lời của Phạm Đan Quế không những có tình mà còn rất có lý: Chó và hạc đều là con vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ nên hạc đeo thẻ đề Thiên Tử Hạc, chó cũng không biết. Như vậy, chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật nên không thể bắt chủ nuôi chó thế mạng. Nếu bản án trên thi hành như kết luận của bộ Hình thì sau này thành án lệ. Chẳng hạn, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết cầm thú nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Không lẽ phải bắt vua để trị tội?

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại trong bài, suy nghĩ kỹ càng thấy vụ án không hề đơn giản. Bởi trong chế độ phong kiến, ý vua tức là ý trời, không ai dám trái lệnh. Bởi “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, tức là vua có quyền bắt quần thần chết thì phải chết huống chi là dân thường. Thế nhưng vì ông Phạm Đan Quế nói có tình, có lý nên vua Tự Đức đã nghe theo. Và chính vì thế vụ án “Chó cắn hạc vua” cũng đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn phải được tôn trọng triệt để.

Sứ mệnh của tòa án nhân dân được xác định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và người thực thi nhiệm vụ cốt lõi chính là các thẩm phán. Tiếc rằng, thời nay không phải thẩm phán nào cũng học và làm theo tấm gương của người xưa. Bởi thế cho nên ở đâu đó vẫn còn xảy ra một số thẩm phán, cán bộ, công chức ngành tòa án nhân dân địa phương, cả ở cấp tỉnh và cấp huyện có hành vi vi phạm pháp luật như vòi vĩnh, nhận tiền hối lộ của đương sự... Và tại diễn đàn Quốc hội, trong lần trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về việc có nhiều vụ án liên quan đến cán bộ ngành tòa án nhận hối lộ, chạy án, người đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao thừa nhận hiện tượng này là có thật, một số cán bộ vi phạm đã bị kỷ luật, có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Thật đáng buồn thay!

N.D

  • Từ khóa
110074

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu