Thứ 5, 25/04/2024 07:22:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:56, 12/08/2018 GMT+7

Vụ án “Hải tặc”

Chủ nhật, 12/08/2018 | 14:56:00 632 lượt xem
BP - Ở đường Chi Lăng, thành phố Huế có Chiêu Ứng Từ, đối diện chợ Cồn Phú Cát hiện nay. Ngôi đền do Hoa thương phố Gia Hội xưa quyên góp sửa ngôi chùa cổ đã sụp đổ vào năm 1887. Năm 1908, ngôi đền được trùng tu và có tầm vóc như ngày nay. Đây là ngôi đền ghi dấu một vụ án vào đời vua Tự Đức trị vì.

Vụ án diễn ra vào mùa hè năm 1851, khi ấy vua Tự Đức đọc được tờ tấu do bộ Binh chuyển lên báo rằng Chưởng vệ Phạm Xích và Lang Trung Tôn Thất Thiều tâu trình đã đánh đuổi 3 tàu hải tặc ở vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, quan binh đã bắn chìm 1 chiếc, 1 chiếc bị quan binh áp sát, giết được rất nhiều hải tặc, thu tàu giải về neo tại vụng Chiêm Dữ, chiếc bỏ chạy về phía đông, xin báo công để triều đình ban thưởng. Vua Tự Đức xem xong tờ tấu liền sinh nghi vì đánh nhau với hải tặc mà lính tráng chẳng ai chết, cũng không một ai bị thương tích, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh.

Minh họa: S.H

Vụ việc nghiêm trọng nên vua Tự Đức đã phê vào tờ tấu: Giao qua bộ Binh điều tra rõ sự tình. Ngay sau đó, Thượng thư bộ Binh phái thuộc cấp đi khám xét. Vài ngày sau, thuộc cấp đi về phúc trình rằng chiếc tàu giặc biển giống thuyền buôn hơn là tàu giặc. Vừa lúc ấy, một phụ nữ Hoa kiều đến nha môn xin cáo giác. Nguyên bà là Hoa kiều, làm nghề buôn bán và có tiệm ăn ở phố Gia Hội, chồng bà ta cũng là Hoa kiều nhưng về nước bặt tin đã lâu. Cũng dịp đó, viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong tên Trần Hựu đưa bạn bè tới chiêu đãi tại quán của bà nhưng không đủ tiền trả nên rút chiếc nhẫn cầm tạm bảo thối lại tiền mặt. Bà chủ thấy nhẫn ngờ ngợ, xem kỹ thì nhận ra đó chính là bảo vật của chồng liền vặn hỏi. Trần Hựu lúc đầu tìm cách chối, sau chịu theo bà đến nha môn trình việc. Hóa ra y chính là thủ hạ của Tôn Thất Thiều.

Trước mặt quan bộ Binh, Trần Hựu khai rằng ngày 17-6-1851, thuyền quan đậu ở cửa Thi Nại, được tin có 3 chiếc thuyền lạ đậu ngoài hải phận đảo Thanh Dư. Chưởng vệ Phạm Xích và Thị lang Tôn Thất Thiều lập tức đuổi theo bắn và áp sát để bắt. Mặc dù đã trình thẻ nhà buôn nhưng 108 người Hoa trên tàu bắt được đều bị chém chết rồi đem quăng xuống biển. Duy có một người trốn dưới đáy khoang. Bị phát giác, người này chạy thoát lên boong, phóng xuống biển mất tích. Toàn bộ hàng hóa trên chiếc tàu buôn của người Hoa được chuyển sang chiếc Bằng Đoàn của quan binh rồi chiếc thuyền buôn được sơn lại toàn màu đen để trông như tàu hải tặc và sau đó chiếc tàu này được dẫn về vụng Chiêm Dữ.

Trước công đường, bà chủ quán ở phố Gia Hội kêu oan rằng chồng bà cùng nhiều bạn khác thuộc các bang ở Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi nhân về thăm quê nhà ở Hải Nam đã kết hợp đi buôn, có giấy phép của trên cấp, nhưng nay lại bị chết oan mà còn mang tiếng là hải tặc. Quan Thượng thư bộ Binh sau khi gọi thêm nhân chứng điều tra, làm tờ tấu. Vua Tự Đức thịnh nộ, phê giao Ty tam pháp xét xử. Sau đó, Tôn Thất Thiều là người chủ mưu, bị đổi theo họ mẹ (Đặng), rồi cùng với Phạm Xích đều bị xử tội lăng trì, vợ con phải phát phối; Dương Cù đồng lõa, xử tội trảm quyết; Trần Hựu biết thú nhận khi chưa tra khảo nên được tha. Bản án dâng lên, vua Tự Đức châu phê chuẩn y ngay, còn đến chỉ truy thu tang vật trả lại thân nhân những người bị hại.

Từ đó, hằng năm vào độ rằm tháng 6, khi Chiêu Ứng Từ xây xong, thân nhân các nạn nhân Hoa kiều sống tại Việt Nam hay từ Hải Nam, cũng như Hoa kiều từ các nơi quy tụ về đây làm lễ tưởng niệm, lễ thường kéo dài đến 3 ngày. Truyền thống đó vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Có thể nói rằng, bản án của vua Tự Đức phê chuẩn không những đã minh oan cho nạn nhân của vụ án “Hải tặc” mà còn cho thấy pháp luật Việt Nam nghiêm minh, không phân biệt một ai.

Lời bàn:

Theo sử cũ, liên tiếp từ năm 1864-1881, các đại thần trong triều là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định nhiều lần dâng sớ xin cải cách toàn diện đất nước nhưng nhà vua không đưa ra được quyết sách dứt khoát. Từ đó, trong triều nảy sinh 2 phe cải cách và bảo thủ, đến khi đất nước dần rơi vào tay Pháp thì lại nảy sinh phe chủ chiến và chủ hòa. Đến năm 1883, sau khi Tự Đức qua đời, thực dân Pháp tấn công vào kinh đô và ép buộc nhà Nguyễn phải công nhận sự “bảo hộ” của Pháp trên toàn lãnh thổ. Và nhà Nguyễn sau thời Tự Đức chỉ là danh nghĩa, còn thực tế đã mất nước vào tay thực dân Pháp.

Có thể nói, vua Tự Đức trị vì đất nước trong bối cảnh gặp nhiều thử thách sống còn nhưng lại thiếu tính quyết đoán, phải dựa vào triều thần bàn việc. Trong khi triều thần tuy có người thanh liêm và có thực quyền như Trương Đăng Quế, song lại bảo thủ. Trên thế giới khi đó, khoa học và công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh buôn bán ngày càng gay gắt, thế mà đình thần quanh vua chỉ chăm lo việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì lấy Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu xa xưa làm gương, tự vỗ ngực là văn minh, chê thiên hạ là ngoại dị. Làm vua mà mọi công việc từ lớn là nội đến ngoại trị và nhỏ là xét xử các vụ án đều bằng tư duy của một nhà thơ, thì mất nước cũng là điều dễ hiểu. Đây là bài học cho hậu thế, muốn đổi mới để phát triển thì phải đồng tâm và quyết liệt thực hiện, đừng tự mãn với những gì mình đang có và đừng bao giờ chờ đợi xem xung quanh người ta làm sao rồi làm theo thì chẳng bao giờ có được thành công.

ND

  • Từ khóa
110076

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu