Thứ 7, 20/04/2024 10:32:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:25, 14/08/2018 GMT+7

Vụ án Phạm Đăng Tuấn

Thứ 3, 14/08/2018 | 10:25:00 309 lượt xem

BP - Theo sử cũ, năm 1872, thực dân Pháp ồ ạt đánh chiếm các tỉnh miền Bắc nước ta như Nam Định, Ninh Bình,... Khi đó, Phạm Đăng Tuấn đang làm án sát tỉnh Ninh Bình, trước tương quan lực lượng quá lớn, dù đã quyết chiến kiên cường nhưng án sát Phạm Đăng Tuấn vẫn phải bất lực nhìn cảnh Ninh Bình thất thủ. Vì bị cho là để mất Ninh Bình, Phạm Đăng Tuấn đã bị vua Tự Đức triệu về kinh đô Huế để thi hành án xử trảm. Thương cha, con gái Phạm Thị Tảo tuy mới 13 tuổi nhưng đã có hành động vô cùng táo bạo, là tự tay viết sớ xin được chết thay cha. Đồng thời cùng cha đến trước sân rồng của nhà vua để đội sớ tâu bày và xin đức vua tha mạng cho cha mình. Lấy làm lạ vì một người con gái tuổi nhỏ nhưng đã có hành động vượt ra ngoài thói nữ nhi thường tình, giám xin nhà vua thay đổi quyết định mà không sợ mất đầu vì tội khi quân.

Minh họa: S.H

Hơn nữa, nếu thân phụ bị chém đầu thì không ai nuôi bà nội đã 90 tuổi. Vì thế, cô Tảo liều mình cuốc bộ từ Diễn Châu (Nghệ An) vào Huế, mang theo lá đơn xin được chết thay cha. Dâng lá đơn lên vua Tự Đức, hai cha con họ Phạm cúi đầu chờ nhận tội. Song, chính việc làm của người con gái nhỏ bé đó đã tác động đến “lượng cả bao dung” của triều đình và muôn dân đều lấy làm cảm kích. Tuổi nhỏ, lại là nữ nhi sống trong xã hội mà thái độ trọng nam khinh nữ hết sức nặng nề, việc cô út của quan án sát Phạm Đăng Tuấn cả gan dám nghĩ, dám làm cái việc đến giữa sân rồng xin nhà vua thay đổi một quyết định thi hành án tử và được nhà vua chấp thuận quả là chuyện “động trời”, chuyện “tày đình”. Và vua Tự Đức cảm động trước lòng chí hiếu của cô gái trẻ, đã tha tội chém cho án sát Phạm Đăng Tuấn nhưng đày ông lên Lạng Sơn.

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay thì vua Tự Đức là người con rất có hiếu - đối với mẹ là bà Từ Dũ - nên lòng chí hiếu của cô gái trẻ đã tác động mạnh đến ông. Mặt khác, vụ án này không chỉ cho ta biết lòng nhân từ của vua Tự Đức mà còn là một bằng chứng hùng hồn về lòng yêu nước, ghét giặc xâm lược của vị vua đã từng bị phê phán là hèn yếu dâng lãnh thổ cho Tây. Đây cũng là dịp để chúng ta có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn trong việc nghiên cứu về Triều Nguyễn.

Riêng bà Phạm Thị Tảo, đáp lại tấm lòng nhân từ của nhà vua và để xứng đáng với dòng tộc quê hương, bà đã chọn cách sống đẹp, được lưu danh hậu thế. Bà xây dựng gia đình với tú tài Nguyễn Cảnh Đỉnh, quê Đô Lương (Nghệ An) nhưng không may, cuộc sống hạnh phúc của hai người thật ngắn ngủi: Ông tú tài bị bệnh nặng qua đời lúc mới 27 tuổi. Khi đó, bà Tảo mới 22 tuổi và đang mang thai được 3 tháng. Sau đó, bà sinh được người con trai và ở vậy thờ chồng, nuôi con nên đã được nhà vua tặng bảng vàng “Tiết hạnh khả phong”.

Đặc biệt hơn, bà đã cùng anh rể, chị ruột và một số người khác lập ra Trại Lạt ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) góp phần cung cấp lương thực cho nghĩa quân phong trào Cần Vương. Bà Tảo là người thông tin liên lạc giữa nghĩa quân và Trại Lạt - một trong những hậu phương tin cậy của phong trào Cần Vương Nghệ An. Bà còn là người chiêu dân lập lại làng Chùa Me (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - một nơi bị giặc Pháp triệt hạ để trả thù việc bọn chúng bị đội quân của tướng Nguyễn Văn Ngợi, dưới trướng tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn đánh bại ở Cồn Voi... Làng Chùa Me - nay là làng Đạo Lý, huyện Yên Thành đã lập đền thờ và tôn bà Phạm Thị Tảo là Bản Cảnh Thành Hoàng của làng.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến chuyện cô gái chí hiếu xin được chết thay cha trở thành danh nhân Phạm Thị Tảo, người đời cũng không quên lòng nhân từ và quyết định sáng suốt của vua Tự Đức cách đây 146 năm.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại nêu trên, ngay từ khi còn bé, Phạm Thị Tảo không những sớm hiểu biết về nhân luân đạo lý, nhân tình thế thái mà bà còn hiểu biết luật lệ triều đình thời phong kiến: Người làm quan có trọng trách giữ thành, giữ đất, giữ tỉnh, bảo vệ dân mà để mất thành là phải tội chém đầu. Đồng thời, bà cũng biết cha mình làm quan át sát mà không giữ được thành Ninh Bình thì bị án chém đầu là đúng luật nhưng dù sao vẫn bị oan. Thời đó, nhiều tỉnh, thành ở nước ta cũng bị rơi vào tay giặc. Mặt khác, bà là người có hiếu nên sẵn sàng chịu chết thay cha để cha sống mới có điều kiện nuôi và phục vụ bà nội của mình đã hơn 90 tuổi. Vì thế, bà đã viết đơn xin vua được chết thay cha mình.

Vì thế, cuộc đời và sự nghiệp của bà đã đi vào huyền thoại ngay từ khi còn sống. Bà là một danh nhân, vừa được triều đình phong kiến ban tặng bảng vàng vừa được nhân dân tạc bia, lập đền thờ và ngày nay một đường phố ở thành phố Vinh (Nghệ An) được mang tên bà - đường Phạm Thị Tảo (thuộc phường Bến Thủy, dài 300m, điểm đầu là đường Phong Định Cảng, điểm cuối là đường Võ Thị Sáu). Và mọi người đều biết rằng, bà cũng là người phụ nữ bằng xương bằng thịt như bao người phụ nữ khác. Chỉ có điều, người phụ nữ ấy biết vượt lên chính mình, cho nhiều hơn nhận, sống chí hiếu, chí tình, chí nghĩa! Tiếc rằng, hậu thế thời nay có mấy ai thấu hiểu được đạo hiếu của người xưa?!

ND

  • Từ khóa
110077

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu