Thứ 6, 26/04/2024 06:13:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:14, 25/07/2013 GMT+7

Vũ Duy Thanh

Thứ 5, 25/07/2013 | 09:14:00 2,117 lượt xem

Theo sử cũ thì Vũ Duy Thanh sinh vào giờ Tý ngày 9 tháng 8 năm Đinh Mùi - năm Gia Long thứ 6 (1807). Ông quê ở làng Kim Bồng, tên Nôm gọi là làng Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nho học, lại nổi tiếng là thần đồng ngay từ nhỏ, sách chỉ đọc một lần là nhớ.

Năm 14 tuổi, ông đã thông làu kinh sách, xuất khẩu thành thơ. Nhưng số ông lận đận trên con đường khoa cử, mãi đến năm 35 tuổi mới đỗ tú tài nhưng thi Hội mấy lần đều hỏng. Mãi đến năm Tự Đức thứ 4 (1852), nhà vua mở chế khoa, ông đỗ đầu, nhưng vì lệ thi cử của nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên, mà chỉ có Bảng nhãn là cao nhất, bởi vậy ông còn được coi như “Trạng” và được dân chúng trong vùng gọi là Trạng Bồng.

Sau đó, ông được bổ làm Thị độc trong Hàn lâm viện, sau được đổi qua viện Tập hiền, làm Quốc Tử Giám tư nghiệp, rồi thăng Tế tửu (tương tự như chức hiệu trưởng trường đại học ngày nay), cho đến lúc mất. Ở Quốc Tử Giám, ông chú trọng việc đào tạo nhân tài. Bởi vậy ông đã dâng lên vua Tự Đức bản sớ xin chấn chỉnh việc giáo dục. Sử nhà Nguyễn là “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép về việc Vũ Duy Thanh từng dâng sớ nói rằng:

- Muốn được (người) thực tài tất phải khôi phục phép dạy, phép thi của cổ nhân và liệt ra 8 mục: Cẩn thận phép dạy ở trường tư các làng. Kén chọn tổng lý và tá lại. Dựng xã thương. Giữ nghiêm phép dạy ở các trường phủ huyện. Nghị đổi lại phép thi Hương. Mở rộng phép dạy ở các nhà quốc học. Chọn thầy, bạn cho các tôn sinh. Sửa định lại việc ban phát kinh sách.

Sớ của ông được tâu lên, nhưng nhà vua chỉ xem qua rồi sau đó giao xuống bộ Lễ, nhưng lại không quả quyết thi hành.

Mặc dù Vũ Duy Thanh là quan Tế tửu Quốc Tử Giám không có trách nhiệm gì về đê điều, về đời sống của nhân dân, về an ninh của đất nước, nhưng với lòng yêu nước, thương dân cháy bỏng, đứng trước thảm cảnh từ năm 1851 đến năm 1855, ở Thanh Hóa và Bắc kỳ bị vỡ đê liên tiếp, ông đã dâng biểu xin vua phát 10 ngàn hộc thóc trong kho dự trữ để bán và cho dân Thanh Hóa, Bắc kỳ vay.

Vũ Duy Thanh trong công việc thì ngay thẳng, công minh và thanh liêm. Nhưng đối với đồng sự và mọi người, ông cư xử rất giản dị, vui vẻ. Tháng 9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào bán đảo Sơn Trà, ông dâng sớ đề nghị triều đình tăng cường lực lượng quốc phòng và cải cách nội trị, cụ thể là tổ chức lại việc học, chỉnh đốn việc phòng bị hải phận và khuếch trương nền kinh tế trong nước.

Vũ Duy Thanh còn đề nghị triều đình phải cử người đi học sản xuất vũ khí, đóng tàu biển của phương Tây, phải mua vũ khí của phương Tây trang bị cho quân đội. Ông còn dùng tiền riêng của mình để đóng tàu chiến kiểu “thủy chiến hỏa công”. Ông cũng là người đề nghị tổ chức khai thác than đá ở Đông Triều, Hòn Gai và nhiều cải cách về việc học, về nội thương, ngoại thương.

Song, những kiến nghị của ông đều bị vua Tự Đức xếp lại, không thảo luận, không thực hiện. Trước cảnh nước mất nhà tan, Vũ Duy Thanh đau buồn lâm bệnh nặng. Trước khi chết ông còn gửi lên vua Tự Đức 7 phương sách cứu nước. Đến nay bản điều trần này đã bị thất lạc.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay thì Vũ Duy Thanh được xem là một trong số ít vị quan thanh liêm, có lối sống giản dị trong triều đình nhà Nguyễn ở cuối thế kỷ XIX. Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Vũ Duy Thanh đã nhìn thấy những bất hợp lý trong giáo dục và đào tạo đương thời, đó là cơ sở thực tế để ông đưa ra những quan điểm, ý kiến tích cực về giáo dục. Ngay cả khi lâm trọng bệnh, ông vẫn còn để lại một bài trần tình đề nghị triều đình chỉnh đốn nhiều mặt để đối phó với tình hình chính trị, xã hội bấy giờ, khi mà thực dân Pháp đã trực tiếp xâm phạm bờ cõi Việt Nam. Những quan điểm thẳng thắn ấy đã tạo cho Vũ Duy Thanh những uy tín trong triều đình, người ta không chỉ nể ông là người học rộng, hiểu nhiều mà còn khâm phục ông về tư chất của một vị quan bộc trực thẳng thắn.

Là một người yêu nước, thương dân, bởi thế Vũ Duy Thanh luôn tự hào về quê hương, đất nước, với truyền thống văn hiến lâu đời. Tình cảm ấy, tấm lòng ấy đã được ông thể hiện sâu đậm trong nhiều sáng tác. Nhưng tiếc thay, một tài năng đa diện, một hoài bão lớn lao, một tấm lòng nhân ái, một chí sĩ tiết tháo như ông lại đột ngột từ trần. Song, sự nuối tiếc ấy sẽ chẳng có ích gì, nếu hậu thế không rút ra được bài học cho riêng mình từ cuộc đời và sự nghiệp của ông.                  

N.N

  • Từ khóa
109434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu