Thứ 6, 29/03/2024 03:28:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:44, 21/10/2016 GMT+7

“Vua độ chế”

Thứ 6, 21/10/2016 | 08:44:00 760 lượt xem
BP - Chưa học qua về cơ khí hay chế tạo máy, thế nhưng từ những chiếc máy nông cơ thông dụng được ông Vương Đình Điệt (1964) đã chế thành phương tiện phù hợp với ngành cao su. Những sáng chế của ông Điệt không những giải phóng sức lao động cho công nhân mà còn giúp nhà nông và ngành cao su Việt Nam tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sau thời gian thu hoạch mủ cao su, công nhân phải chăm sóc vườn cây tái canh và quét lá phòng cháy trong mùa khô. Là Giám đốc Nông trường An Bình (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú), ông Điệt luôn trăn trở về sự vất vả của công nhân nên ông đã chế ra những sản phẩm đa năng phục vụ sản xuất.

Từ chế máy cắt cỏ

Để giữ chất dinh dưỡng, chống xói mòn khi mưa xuống và giữ ẩm vào  mùa khô, các nông trường trồng cỏ họ đậu vào vườn cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Tuy nhiên, hằng năm các nông trường đều dành nhiều công sức và kinh phí để cắt vén và thu gom cỏ khi mọc tràn vào gốc cây. Năm 2008, ông Điệt đã chế ra máy cắt cỏ từ dàn lưỡi cày của máy kéo MTZ 80-82. Theo đó, ông Điệt chế thêm dàn máy cắt (gồm 2 lưỡi dao tròn đặt cân bằng 2 bên) và 2 thanh vén gắn ở phía sau máy kéo. Khi máy hoạt động, lưỡi dao cắt cỏ đậu đến đâu thì 2 thanh vén sẽ vén cỏ đậu sang hai bên. Ngoài ra, ông còn gắn thêm vào lưỡi dao, thanh vén các lò xo giảm xóc nên lưỡi cắt hoạt động linh động trong mọi địa hình.

Máy thổi lá giúp Công ty cổ phần cao su Đồng Phú tiết kiệm 1,7 tỷ đồng mỗi năm

Ông Trần Vĩnh Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) cho biết: “Công ty có 7.000 ha cao su kinh doanh, mỗi năm có thêm 400 ha cao su tái canh trồng mới. Hằng năm, công ty phải bỏ một khoản tiền lớn thuê nhân công để thổi lá và tủ bồn. Hiện nay, việc thuê lao động phổ thông rất khó. Vì vậy, các sáng chế của ông Điệt đã giúp công ty tiết kiệm chi phí đầu tư và thay thế được lao động thủ công theo đúng chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đề ra. Hiện các sáng chế của ông Điệt được công ty áp dụng và giúp đơn vị tiết kiệm trên 2 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện máy cắt cỏ của ông Điệt được ứng dụng rộng rãi trong ngành cao su. Ông cho biết: “Một ngày máy có thể cắt cỏ được 25 ha. Nếu làm thủ công thì 25 ha này cần khoảng vài chục nhân công. Vào thời điểm thiếu lao động thì đây là giải pháp tốt nhất để nông trường khắc phục khó khăn. Với máy cắt cỏ giúp nông trường tiết kiệm khoảng 60% ngày công so với cách làm thủ công như trước đây”. Từ sáng kiến này, ông Vương Đình Điệt được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2008.

... Đến máy xới ván, tủ bồn

Hằng năm, vào tháng 11, 12 các nông trường phải xới ván, tủ bồn giữ ẩm cho vườn cây trồng mới. Để tiết kiệm sức lao động, ông đã chế tạo ra loại máy xới ván, tủ bồn vào năm 2015. Chiếc máy này cũng dựa vào dàn lưỡi máy cày 3 chảo của máy kéo MTZ 80-82. Sau đó, ông Điệt tháo bỏ chảo giữa chỉ để lại 2 chảo hai bên. Trong đó, một chảo được gắn thêm bánh lái, một chảo để nguyên. Khi máy hoạt động 2 chảo sẽ cày đất sát hàng cao su. Chảo không có bánh lái sẽ xới ván dọc hàng, cách gốc cao su từ 25-30cm. Chảo có bánh lái làm công việc tủ bồn dọc hàng cao su. Sáng kiến này không chỉ giúp ngành cao su tiết kiệm sức lao động, chi phí mà còn giải quyết được khó khăn khi nhân công tại các đơn vị bị thiếu hụt.

Ông Mai Nhận, công nhân tổ 8, Nông trường An Bình cho biết: “Trước đây chưa có máy xới ván, tủ bồn, chúng tôi phải làm thủ công rất vất vả. Một người chỉ xới ván, tủ bồn được 25-30 cây/ngày. Còn chiếc máy này có thể xới ván, tủ bồn cho khoảng 15 ha cao su/ngày, giúp nông trường tiết kiệm khoảng 30% chi phí đầu tư”.

Và máy thổi lá

Lâu nay công nhân thổi lá khô bằng máy cắt cỏ cầm tay mất nhiều công sức và thời gian. Cuối năm 2015, ông Điệt đã chế chiếc máy thổi lá dựa vào sức máy kéo tại nông trường. Ông Điệt nói: “Ý định ban đầu là chỉ tạo ra chiếc máy hút lá nhằm phòng cháy trong mùa khô. Khi trình bày ý tưởng, lãnh đạo công ty đã đề nghị chuyển sang máy thổi lá khả thi hơn”.

Được sự động viên của lãnh đạo công ty, sau 2 tháng nghiên cứu ông đã cho ra đời chiếc máy thổi lá. Hai bên máy ông chế tạo thêm 2 vòi họng với đường kính khoảng 30cm đặt hai bên và có chức năng thổi lá cùng một lúc. Hai chiếc vòi này có thể linh động, điều chỉnh xa gần, lưu lượng và tốc độ gió khi thổi và nhờ vậy, máy di chuyển hàng cách hàng, giảm được thời gian thổi lá rất nhiều. Trước đây, trung bình một ngày 3 công nhân thổi thủ công được 1 ha cao su, mỗi năm thổi từ 3-4 lần/vườn cây. Khi dùng máy này, một ngày có thể thổi được 5 ha cao su, với chi phí khoảng 1,5 lít dầu/ha. Với sáng kiến này, ông Điệt giúp nông trường tiết kiệm khoảng 400 triệu đồng/năm từ việc thổi lá. Nếu áp dụng ở tất cả nông trường trong công ty sẽ góp phần giảm chi phí khoảng 1,7 tỷ đồng/năm.

Thùy Hương

  • Từ khóa
2011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu