Thứ 6, 29/03/2024 12:53:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:09, 14/11/2017 GMT+7

Vua xin lỗi bề tôi

Thứ 3, 14/11/2017 | 13:09:00 1,042 lượt xem

BP - Vua là bậc chí tôn, tối thượng, được xem là thiên tử và luôn luôn đúng, song một số vị đã “dũng cảm” nhận lỗi với bề tôi khi thấy mình sai. Một trong những trường hợp đặc biệt hiếm có này là vua Lê Thánh Tông. Ông là vị vua thứ 5 của triều đại Lê sơ, được đánh giá là ông vua sáng suốt bậc nhất trong lịch sử nước ta. Ông là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Lê sơ và cũng là một trong những vị vua cai trị trong thời kỳ hòa bình lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Với 38 năm trị vì, ông đã đưa Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự và trở thành một cường quốc. Ông cũng là vị vua có công mở rộng đáng kể lãnh thổ Đại Việt sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man. Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành cường quốc lớn mạnh trong khu vực Đông Nam Á; nền quân chủ Việt Nam thời đó đạt đến đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim, trước và sau không có thời vua nào của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng như giai đoạn này.

Minh họa: S.H

 Lê Thánh Tông có tên húy Tư Thành, tên sử dụng trong các văn kiện ngoại giao với nhà Minh là Lê Hạo, hiệu Thiên Nam động chủ, Đạo Am chủ nhân, Tao Đàn nguyên súy; là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông. Mẹ ông là Ngô Thị Ngọc Dao, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Cha bà là Ngô Từ, gia thần của Lê Thái Tổ, làm đến chức Thái bảo. Chị gái Ngô Thị Ngọc Dao tên Xuân, vào hầu Lê Thái Tông ở hậu cung. Ngô Thị Ngọc Dao theo chị vào nội đình, vua Lê Thái Tông thấy và cho làm cung tần.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn - 1460, các quan vào ngồi ở Nghị sự đường ngoài cửa Sùng Vũ bàn việc binh biến, lật đổ Lê Nghi Dân. Sau đó, Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết 2 người cầm đầu là Đồn, Ban trước Nghị sự đường. Sau đó, 2 ông sai đóng các cửa, mỗi người đem cấm binh dẹp nội loạn, giết bè đảng của Trần Lăng trên 100 người. Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn - 1460, Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi ở điện Tường Quang, lấy niên hiệu là Quang Thuận và ban chiếu đại xá thiên hạ. Ông cũng truy tặng miếu hiệu, thụy hiệu cho mẹ con Lê Nhân Tông và lập bài vị thờ 2 người ở Thái miếu.

Theo các nhà sử học, ngoài tư chất thông minh, vua Lê Thánh Tông rất ham học hỏi và cầu thị. Thậm chí, ông không ngại nhận sai và xin lỗi các bề tôi. Về việc này, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết: Một lần Quốc tử Tế tửu giám kiêm Văn minh điện Đại học sĩ là Nguyễn Bá Ký thẳng thắn dâng sớ về việc vua làm văn chỉ chuộng lối học phù hoa, vô dụng mà không chú ý kinh, sử. Thế nhưng vua Lê Thánh Tông không để bụng mà trả lời rằng:

Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói thì trong 4 chữ “phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi. Thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý. Từ đó, vua Lê Thánh Tông rất quý trọng tài đức Nguyễn Bá Ký.

Một lần khác, vào năm 1467, ở vùng Đông Bắc có loạn, Tổng binh Lê Hối và Đô đốc Khuất Đả đem quân đi dẹp loạn đều bại trận nên bị đem ra xét xử. Quan Hình bộ Thượng thư viện dẫn lệ bát nghị và có ý tha bổng cho 2 người này. Khi ấy, quan Đô ngự sử là Trần Xác tán thành và tấu với vua rằng: Xưa nay chỉ có tội đại ác và phản nghịch là không được hưởng lệ bát nghị, chưa từng thấy quan phạm tội thường mà không cho hưởng lệ này. Lê Thánh Tông trả lời rằng: Quân pháp chỉ có một chứ không có hai. Nói như lời của Xác chỉ là biện bác, mê hoặc người mà thôi, phải trị Xác về tội này mới được. Tuy nhiên, liền sau đó vua lại có dụ nhận lỗi: Ta vu oan cho ngươi là kẻ biện bác để mê hoặc người, đó là ta lỡ lời. Nay, người có mưu kế gì hay cứ nói với ta, ấy cũng như cơn mưa ngọt đến khi trời nắng hạn, như có con thuyền đến lúc ta cần qua sông.

Lời bàn:

Napoleon đệ nhị từng nói: Chúng ta sống với các khuyết điểm như đang sống chung với mồ hôi của mình, chúng ta không hay biết gì hết. Nó chỉ làm cho người khác khó chịu thôi. Và thực tế cho thấy, ít có ai tránh khỏi lỗi lầm trong cuộc sống và càng hiếm hơn những người nhận ra lầm lỗi của mình rồi nhận lỗi và tự tìm giải pháp để khắc phục lỗi lầm đó. Có người cho rằng, làm người ai cũng mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình.

Với giai thoại này, các sử gia đương thời cũng như hậu thế đánh giá rằng, Đô ngự sử Trần Xác là người cương trực, nắm luật lệ rất chắc, dám nói những lời không đẹp tai rồng. Còn vua Lê Thánh Tông, trong lúc nóng vội nhất thời đã không giữ được phép xử thường, nhưng nhà vua còn biết nghĩ lại, dũng cảm nhận lỗi và thành khẩn xin nghe tiếp những lời thẳng thắn là điều rất đáng kính. Vâng, nếu mắc lỗi mà công khai nhận sai lỗi đó, rồi tìm nguyên nhân sai lỗi và đề ra biện pháp và quyết tâm sửa chữa, đó là “thước đo” một người chân chính. Chính điều này đã giúp Lê Thánh Tông trở thành đệ nhất minh quân. Tiếc rằng, ngày nay 2 cụm từ “cảm ơn”, “xin lỗi” - bài học về phép lịch sự đầu tiên của mỗi người và cũng là nền tảng đạo đức, dường như đang bị lớp trẻ lãng quên, nên những từ này đang thưa dần...

N.D

  • Từ khóa
109982

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu