Thứ 5, 25/04/2024 07:52:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 11:19, 31/01/2014 GMT+7

Vui buồn thi cử ngày xưa

Thứ 6, 31/01/2014 | 11:19:00 1,664 lượt xem

Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1075, dưới triều vua Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919, đời vua Khải Định. Trong 845 năm, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 185 khoa thi có 2.898 sĩ tử đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên), trong đó có 47 sĩ tử đỗ Trạng nguyên. Theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, việc thi cử ngày xưa không chỉ mang lại niềm vui, vinh dự cho người có tên trong bảng vàng, mà còn đem đến không ít nỗi buồn cho cả những người đậu, người rớt và người coi thi.

* “NỬA CHỮ CŨNG THI”

Khoa cử thời Nguyễn cứ 3 năm tổ chức một lần. Người chú của Ông Ích Khiêm sau bao năm dùi mài kinh sử đã qua được kỳ thi đầu xứ để ra kinh ứng thí. Ông Ích Khiêm đã qua được kỳ thi này nên cũng chuẩn bị lều chõng theo chú đi thi. Vì thấy Ông Ích Khiêm thường ngày chỉ đánh bạn với lũ mục đồng, ít khi cầm đến sách vở, bà thím dâu, vợ ông chú của Ông Ích Khiêm thấy vậy mới nói rằng: “Mày mà cũng thi với cử gì?”. Nghe vậy, ông từ tốn thưa lại: “Được một chữ cũng thi, nửa chữ cũng thi thím à”. Khi ấy, Ông Ích Khiêm mới 15 tuổi.

Thời gian sau có tin thông báo về tỉnh là Ông Ích Khiêm trúng tuyển cử nhân, còn ông chú và cũng là thầy dạy của Ông Ích Khiêm lại hỏng, chừng đó bà thím dâu mới rõ tài cháu mình.

Khi bộ Lễ trình danh sách các tân khoa lên để vua ngự lãm và vua Thiệu Trị thấy một sĩ tử ở tuổi 15 là cái tuổi còn đánh bi đánh đáo với chúng bạn mà đỗ đại khoa thì có ý nghi ngờ các quan giám khảo không minh bạch, nên ra lệnh: “Tả lâu đài điện thí”, tức là thi trước mặt vua. Ông Ích Khiêm được triệu vào cung, sau khi bái lạy vua, ngồi vào bàn viết một hơi với đầu đề vua ra: “Thiếu niên đăng đại khoa”, có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao.

Trong bài thi của Ông Ích Khiêm có câu nhà vua rất tâm đắc là: “Xưa nay người đỗ đạt cũng nhiều nhưng có mấy ai đem cái sở học ra phụng sự đất nước”, có ý nói học chỉ cốt đỗ đạt mong vinh thân phì gia. Vua truyền đưa bài cho Cao Bá Quát xem. Sau khi đọc toàn bài, Cao Bá Quát chỉ sửa có một chữ.

* ĐI THI GẶP GÁI VẪN ĐỖ TRẠNG NGUYÊN

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, danh thần Đào Sư Tích là người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chuyện xưa kể lại rằng, khi bước ra khỏi nhà đi thi thì ông Đào gặp cô gái trẻ. Thời xưa quan niệm hễ làm việc gì khi gặp con gái sẽ thất bại, nên ông Đào thấy bực mình định quay đi. Cô gái biết ý nhưng làm ra vẻ không hay, tươi cười hỏi: Sao trông ông có vẻ bực bội thế?

Đào Sư Tích đốp chát ngay: Đi thi ra ngõ đã gặp gái!

Cô gái vẫn tỏ ra không tự ái mà còn mỉm cười nói: Ông này rõ hay! Ông đi thi là việc của ông, tôi đi đường là việc của tôi, chứ tôi có cản trở gì mà tức tối! Ông là thư sinh chắc rõ chữ nghĩa, “gái” là “nữ”; tôi còn bé nên chữ viết là “tử”, “nữ“ ghép với “tử” thành chữ “hảo” là tốt. Thế ông không biết vậy sao mà lại bực bội?

Đào Sư Tích không ngờ cô bé giỏi chữ nghĩa đã có nhận xét hay như thế, nên thấy bực bội tiêu tan, lòng dạ vui vui bèn hỏi:

- Vậy cô bảo tôi được điểm tốt gì nào?

- Ông đi thi sẽ đỗ! Cô gái trả lời.

- Cô đoán tôi đỗ gì?

Nghe Đào Sư Tích hỏi, cô gái nhoẻn miệng cười đáp:

- Tiến sĩ!

Sư Tích được thể nói thêm:

- Chỉ đến tiến sĩ thôi ư?

- Thì Trạng nguyên! Cô gái lườm ông Đào một cái rồi vừa cười vừa bước đi.

Quả nhiên khoa thi này, Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên thật!

* 21 LẦN THI NHƯNG MÃI ĐẾN 82 TUỔI MỚI ĐỖ CỬ NHÂN

Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn chép về khoa thi hương năm Canh Tý 1900 ở trường thi Nghệ An, rằng: Cả trường thi hôm ấy đều ngạc nhiên trước một trường hợp chưa từng có trong lịch sử khoa cử Việt Nam: Một thí sinh 82 tuổi, râu tóc bạc phơ bước vào trường thi đua tài cùng khoảng 4.000 mái đầu xanh đáng hàng con cháu. Đó là thí sinh Đoàn Tử Quang (1818-1928), quê làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh) và là người đã 21 lần đi thi nhưng chỉ 2 lần đậu Tú tài.

Năm ấy, cụ Đoàn Tử Quang không muốn đi thi nữa vì tuổi đã quá cao, song vì muốn báo hiếu mẹ già mà quyết mang lều chõng thêm một phen nữa. Đầu năm 1900, bà Nguyễn Thị Sen, vợ ông qua đời. Theo quy định của triều đình, 2 con trai là Đoàn Tử Tiến và Đoàn Tử Thiều phải đoạn tang 3 năm mới được thi. Cả làng Thượng Đạt năm ấy không có ai đi thi nên các vị chức sắc trong làng đến xin cụ ứng thí để làng còn mở mày mở mặt. Cụ lắc đầu từ chối. Vốn cụ nổi tiếng là người chí hiếu với mẹ già, họ đã tác động đến người mẹ Lê Thị Nậm đã 98 tuổi. Rồi bà cụ đã khuyên nhủ con trai thi tiếp để giữ thể diện gia đình.

Ở buổi xướng danh năm ấy, sau khi được cấp mũ, áo ra trình diện, bái lạy ân và lộc yến vua ban, cụ lấy những thức ăn có thể lấy được cho vào trong tay áo. Những người ngồi bên cười nói chắc ông lão lấy nhiều về chia cho rất đông con cháu. Song họ đã nhầm. Cụ lấy lộc vua về dâng mẹ.

* TỰ TIN VÀO CHÍNH MÌNH

Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), người thôn Hoài Bảo, xã Liên Bảo, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi còn đi học, ông rất thông minh và tin vào lực học của mình. Trước khoa thi hội, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), ông tới đền Trần Vũ Lễ và ngủ lại ở đó. Đền ngày xưa ở thôn Ngọc Trì, xã Cổ Ninh, Gia Lâm, Hà Nội là nơi các sĩ tử trước khi thi cử thường đến cầu xin.

Chuyện xưa kể lại rằng, đêm đó Nguyễn Đăng Đạo cũng đến lễ rồi nghỉ lại và nằm mộng thấy thần đến truyền rằng khoa thi này ông chưa thể đỗ. Sáng dậy ông cười khẩy và cho là thần không biết gì nên nói mò. Ông bèn đề lên vách đền 2 câu thơ bằng chữ Hán và được dịch như sau:

“Thần đâu hiểu được việc người

Khoa này ta đỗ tất thời Trạng nguyên”

Quả nhiên khoa thi này Nguyễn Đăng Đạo đã đỗ Trạng nguyên và ra làm quan tới chức tể tướng thời Lê Trung Hưng. Năm 1697, Nguyễn Đăng Đạo đi sứ nhà Thanh. Với văn tài của ông đã làm kinh ngạc cả triều đình nhà Thanh cùng sứ thần các nước. Vua nhà Thanh đã phong cho ông là Trạng nguyên của Bắc triều, rồi ban mũ áo, võng lọng cho ông vinh quy về nước.

* SUÝT BỊ RỚT VÌ CHỮ XẤU

Khoa thi hương năm Đinh Mão, thời vua Lê Cảnh Hưng (1747), Thám hoa Phan Kính, người xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, được cử làm đề hiệu (chủ đạo) trường thi Kinh Bắc. Khi chấm bài, có một quyển thi chữ viết rất xấu, giám khảo ai cũng ngại đọc và đều phê điểm liệt. Ông Phan cố xem thì thấy văn chương rất khá nên lấy đỗ, nhưng một số khảo quan không đồng ý. Phan Kính đã phải viện lý: “Theo sắc chỉ của nhà vua thì khi chấm chỉ việc xét văn mà cho đỗ hay hỏng, chứ không căn cứ mặt chữ”. Nhờ thế, thí sinh chữ xấu này mới không bị đánh hỏng. Khi khớp phách mới rõ bài thi trên là của Dương Sử, người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Sau đó ông Sử dự thi hội và đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Đại lý tự khanh, được phong hàm Đông các đại học sĩ.

* MẤT CẢ TIẾN SĨ LẪN CỬ NHÂN VÌ PHẠM HÚY

Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn chép: Năm Đinh Mùi 1847, dưới thời vua Thiệu Trị, ông Đặng Huy Trứ người làng Thanh Lương (xã Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) dự kỳ thi hội. Đề thi kinh nghĩa (vòng một) do chính vua Thiệu Trị ra, nhiều thí sinh làm không hết đề, riêng thí sinh Đặng Huy Trứ làm đủ và được giám khảo đánh giá cao. Vào vòng bốn, bài thi của ông Trứ bị giám khảo phê dùng từ khiếm nhã nên đánh hỏng. Vua Thiệu Trị sai dâng quyển lên, xem xong liền phán: “Không nỡ vì một tì vết mà bỏ”, cho Đặng Huy Trứ đỗ hạng trúng cách được vào tiếp thi đình.

Vào thi đình, bài thi kinh nghĩa ca ngợi công đức nhà vua, thí sinh Đặng Huy Trứ dùng 2 chữ “phong đô” nhưng quên rằng nó còn xuất hiện trong cụm từ “phong đô địa ngục”. Một vị giám khảo hoài nghi thí sinh có dụng ý xấu, nhưng một giám khảo khác rộng lượng hơn đã châm chước. Tưởng rằng tai nạn đã qua, nào ngờ đến bài thi văn sách (vòng bốn) thì nạn còn nặng hơn. Trong bài văn của mình, Đặng Huy Trứ đã dùng cụm từ “gia miêu chi hại”, có nghĩa là cỏ năn làm hại lúa tốt, mà không chú ý rằng “gia miêu” đồng âm với “gia miêu ngoại trang” là quê quán của nhà vua (nơi phát tích của nhà Nguyễn ở Thanh Hóa).

Quan giám khảo Hà Duy Phiên cho rằng Đặng Huy Trứ dùng chữ ngông cuồng nên xin vua cho phạt 100 trượng (roi), bắt đi đày 3 năm và cấm thi suốt đời. Vua xem xét lại, sau cùng quyết định đánh hỏng và cách tuột cả học vị cử nhân, nhưng cho phép được thi lại. Riêng án phạt đánh 100 roi thì vẫn thi hành.

Ông về quê dùi mài kinh sử rồi ngay cuối năm đó (1847), ông trở lại dự thi hương và đỗ giải nguyên (thủ khoa). Một thời gian sau, ông trở thành một vị quan uy tín của triều Nguyễn, kinh qua rất nhiều chức vụ quan trọng.

* THI RỚT VÌ QUAY CÓP

Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn chép về sự việc này như sau: Tại khoa thi hội năm Bính Thìn 1856, quan chủ khảo Phan Thanh Giản phát hiện 2 quyển thi có lời lẽ, ý tứ hơi giống nhau liền niêm phong trình lên vua. Vua Tự Đức xem xong phê rằng 2 bài “giống nhau như một tay làm”. Khi bộ Lễ xét kỹ thì thấy quyển của thí sinh Phan Khắc Kiệm thơ không thành luật, phú không nói ra ý đầu bài chứng tỏ không phải thực học. Quyển kia là của thí sinh Trần Gia Huệ, bạn thân với Kiệm, ngồi thi cùng một khu vực nên có thể Huệ đã cho Kiệm xem bài.

Vua phán: “Lấy học trò đỗ là cốt lấy ở hạnh, không cốt lấy ở văn” nên đánh trượt cả hai, phạt 50 roi và đình lương một năm (do cả hai là cử nhân học ở Quốc Tử Giám), nhưng cho thi lại kỳ sau. Tất cả lính gác trường thi đều bị phạt 40 roi.                                  

         Gia Phong

  • Từ khóa
110685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu