Thứ 7, 20/04/2024 19:17:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:43, 27/02/2015 GMT+7

KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27-2

Vui buồn với bệnh nhân chạy thận

Thứ 6, 27/02/2015 | 08:43:00 200 lượt xem
BP - Vừa qua, ngành y tế Bình Phước được đầu tư trang bị thêm 8 máy chạy thận nhân tạo (CTNT), trong đó 4 máy tại tuyến tỉnh và 4 máy tại tuyến huyện. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho người bệnh. Bởi họ được khám chữa bệnh gần nhà, đi lại thuận lợi, đặc biệt là chi phí khám chữa bệnh thấp. Thêm thiết bị nhưng đội ngũ con người điều hành không tăng. Tuy nhiên, ở Trung tâm CTNT có những người hết lòng vì bệnh nhân, xứng danh là “Lương y như từ mẫu”.

Bài 1: Sống chung với “lũ”

Mặc dù mới được cấp thêm 4 máy chạy thận nhưng tình trạng quá tải tại Trung tâm CTNT thuộc khoa Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh vẫn không giảm là bao. “Để giảm tải, cách làm tốt nhất là lập các phòng CTNT ở tuyến huyện để tạo được điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. Tới đây, thị xã Phước Long và Bình Long đưa vào hoạt động phòng CTNT, hy vọng sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân tỉnh nhà” - bác sĩ Lê Thành Chung, Phó khoa Nội tổng hợp, cũng là bác sĩ duy nhất của Trung tâm CTNT Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết.

Vừa mừng vừa lo...

Cuối tháng 9-2014, Bệnh viện đa khoa tỉnh được UBND tỉnh cấp kinh phí (khoảng 1,6 tỷ đồng) mua thêm 4 máy chạy thận. Sau khi có máy, số lớn bệnh nhân đang điều trị ngoại tỉnh xin chuyển về để được điều trị gần nhà. Chính điều này làm tái diễn tình trạng quá tải như trước đây. Có mặt tại Trung tâm CTNT, chúng tôi chứng kiến cảnh bệnh nhân và người nhà nằm dọc hành lang chờ đến lượt. Đa số bệnh nhân đều ở xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên phải nằm lại bệnh viện. Bà Hoàng Thị Thành ở ấp 7, xã Long Bình (Bù Gia Mập) nhà cách bệnh viện gần 50km cho biết: “Trước đây, tôi chạy thận dưới Bệnh viện 115 (TP. Hồ Chí Minh). Vừa qua, tôi may mắn được chuyển về bệnh viện tỉnh, ở đây gần nhà nên tiện cho các con đi lại chăm sóc”.


Những bệnh nhân may mắn được CTNT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Bác sĩ Lê Thành Chung cho biết thêm: “Trước đây, bệnh viện có 8 máy lọc thận, chúng tôi phải cho máy hoạt động từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối để điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân, mỗi trường hợp lọc thận 3 ca/tuần. Hiện trung tâm đã có 12 máy nhưng chỉ đáp ứng được 109 bệnh nhân, trong khi danh sách người bệnh đăng ký ngày một dài hơn. Tuy tăng thêm máy nhưng số người phục vụ không tăng. Trung tâm hiện có 16 người, trong đó chỉ có 1 bác sĩ, còn lại là 15 y sĩ. Nếu tính theo đầu máy thì cần tới 4 bác sĩ nữa để đáp ứng công việc”.

Hiện có khoảng 20 bệnh nhân đang phải tá túc tại bệnh viện, ăn cơm từ thiện để chờ đến ngày chạy thận. Chị Thị Ven (24 tuổi) ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn (Bù Gia Mập) mang theo con mới hơn 1 năm tuổi để chăm chồng là anh Điểu Khét (29 tuổi) đang chạy thận. Chị Ven cho biết: “Gia đình khó khăn, chi phí đi lại rất tốn kém, vì vậy tôi gửi cháu lớn ở nhà, còn cháu nhỏ mang theo. Vợ chồng tôi ở lại bệnh viện gần 3 tháng rồi, hàng ngày ăn cơm từ thiện và toàn bộ kinh phí chữa bệnh đang phải nợ bệnh viện”.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, điều mà Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh lo ngại nhất hiện nay là số bệnh nhân đến chạy thận đa phần là người nghèo, không có khả năng thanh toán viện phí, thuốc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mỗi năm bệnh viện thất thu số tiền lớn. Theo thống kê, năm 2013, bệnh viện thất thu trên 494 triệu đồng, năm 2014 là 403 triệu đồng. Để đảm bảo chi phí phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh, bệnh viện mong UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân là người lang thang không nơi nương tựa.

Cầu cứu tuyến dưới

Bác sĩ Nguyễn Thành Trương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Tình trạng quá tải ở trung tâm CTNT là do số bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng tăng, trong khi các bệnh viện ở tuyến huyện không có máy chạy thận hoặc có nhưng chưa thể đi vào hoạt động. Một số trường hợp trước đây điều trị ở thành phố, sau khi tỉnh được cấp thêm máy thì chuyển về đây điều trị gây áp lực cho bệnh viện. Để đáp ứng nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân, bệnh viện cần khoảng 8 máy và 4 bác sĩ.

Năm 2014, Bệnh viện đa khoa Bình Long được cấp 2 máy CTNT nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này và ông cho biết: 2 máy chưa hoạt động là do thủ tục chi trả viện phí bằng bảo hiểm chưa hoàn tất. Hiện Ban giám đốc bệnh viện đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội tỉnh để khi đi vào hoạt động mọi thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế được giải quyết đầy đủ. Được biết, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đã gửi hồ sơ cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xin ý kiến. Sau khi hoàn thành thủ tục này, máy sẽ cho vận hành để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, giảm tải cho tuyến tỉnh.

Trao đổi với giám đốc các bệnh viện đa khoa Phước Long và Bình Long được biết, năm 2014, các đơn vị này đã cử bác sĩ, điều dưỡng xuống Trung tâm CTNT tỉnh tập huấn. Đến nay, về nhân sự, các yếu tố kỹ thuật ở 2 trung tâm này đều đã chuẩn bị chu đáo và chờ ngày hoạt động. Dự kiến sau khi hoàn thành các thủ tục về bảo hiểm thì 2 trung tâm CTNT sẽ đi vào hoạt động trong tháng đầu của quý 2/2015. “Nếu các máy ở tuyến huyện hoạt động sẽ giảm tải cho tuyến tỉnh phần nào” - bác sĩ Nguyễn Thành Trương cho biết thêm.                     

Thùy Hương
Bài 2: Luôn đồng hành cùng bệnh nhân.

 

  • Từ khóa
51028

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu