Thứ 3, 23/04/2024 21:44:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:37, 20/06/2019 GMT+7

Vùng biên khởi sắc từ cây ăn trái

Thứ 5, 20/06/2019 | 14:37:00 4,710 lượt xem
BP - Có không ít loại cây ăn trái vốn là đặc sản miệt vườn ở miền Tây Nam bộ nhưng nay lại “bén duyên” với miền Đông đất đỏ. Theo nhiều lão nông ở vùng biên giới Bù Đốp, vị ngọt và hương phù sa đã về với nơi này cùng những mùa hoa trái ngọt lành...

Làm giàu từ miệt vườn

Dạo quanh vườn trái cây xanh ngát, trĩu trái của ông Nguyễn Văn Kỳ ở ấp 5, xã Thanh Hòa, chúng tôi có cảm giác thật dễ chịu bởi không khí trong lành. Từ Bến Tre, ông Kỳ đến xã Thanh Hòa lập nghiệp, hành trang mang theo là kinh nghiệm trồng cây ăn trái của xứ miệt vườn. Ông Kỳ kể: “Ngày xưa, vùng đất này (Thanh Hòa - PV) là một khu đất hoang, rừng rậm. Khi người dân đến đây khai hoang, lập nghiệp bằng trồng hoa màu nhưng do chưa hiểu đặc điểm thời tiết, khí hậu nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2000, nhiều hộ nông dân ở đây đã tính chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ ở ấp 5, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) trong vườn dừa trĩu trái, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng

Cứ miệt mài cải tạo đất trồng lúa, kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn trái, cây này không đạt năng suất, chất lượng thì thay thế cây khác. Sau gần 10 năm liên tục như vậy, ông Kỳ đã chuyển được toàn bộ gần 4 ha sang trồng dừa và xoài là 2 loại cây chủ lực cho giá trị kinh tế cao. Chỉ tay lên quầy dừa trước mặt, ông cho biết: Cây dừa rất ưa đất đai, khí hậu ở đây, cây chừng 3 năm tuổi đã sai trái. Cây dừa xiêm lùn đang là chủ đề “hot” trong câu chuyện chuyển đổi giống cây trồng ở địa phương. Dừa xiêm ra trái quanh năm, giá bán tương đối cao nên nông dân có thu nhập ổn định. Với giá bán 10 ngàn đồng/trái ngay tại vườn, hộ nào có chừng 50-100 cây dừa xiêm lùn vào độ cho trái thì mỗi năm thu từ 30-50 triệu đồng. Ngoài hơn 1.000 cây dừa đang độ sung sức, khu vườn của ông còn có 2.000 cây xoài cát Hòa Lộc. Chất lượng trái cây ở đây còn tốt hơn trái cây “gốc” miền Tây, bởi sai trái, trái to và màu sắc đẹp hơn... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu không dưới 200 triệu đồng.

Chính từ sự tiên phong của ông Kỳ đã tạo động lực cho hàng loạt hộ nông dân khác ở Bù Đốp mạnh dạn bỏ cây lúa, cải tạo lại đất ruộng, đất kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn trái. Trong 10 năm qua, phong trào chuyển sang cây ăn trái ở xã Thanh Hòa đã tạo diện mạo khác cho vùng đất này với những khu vườn cây ăn trái xum xuê. Hiện khoảng hơn 100 ha đất nông nghiệp ở địa bàn xã đã rợp bóng xoài, dừa, bưởi da xanh, quýt đường... Cây ăn trái đã giúp nhiều hộ nông dân ở đây thực sự đổi đời, nuôi con ăn học, có việc làm ổn định, mua được nhà trị giá bạc tỷ, xe hơi...

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU Trái cây

Có thể khẳng định thiên nhiên ưu đãi cho Bù Đốp nói riêng, Bình Phước nói chung nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn trái. Bên cạnh các giống cây truyền thống, nhiều giống cây vượt trội về năng suất, chất lượng đã được nông dân trồng thử nghiệm và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Màu sắc vàng óng, vị ngọt dịu, có phần the mát, đặc biệt không có mủ là những đặc điểm nổi bật tạo nên tên gọi và thương hiệu cho trái vú sữa hoàng kim Bù Đốp. Không chỉ vậy, cây còn cho trái quanh năm, với sản lượng cao và tỷ lệ kháng sâu bệnh tốt. Giá bán từ 100-150 ngàn đồng/kg, vú sữa hoàng kim trở thành cây trồng tiềm năng, đã và đang giúp nông dân Bù Đốp làm giàu.

Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thiện (Bù Đốp) trong vườn cây giống cung ứng ra thị trường

Là một trong những người đầu tiên mang giống vú sữa hoàng kim về trồng tại xã Phước Thiện, anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thiện cho biết: “So với các loại vú sữa truyền thống, cây vú sữa hoàng kim có đặc tính kháng sâu bệnh cao hơn. Vì vậy, trong quá trình trồng, chăm sóc hầu như không phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ở giai đoạn cây ra trái và nuôi trái, dùng bẫy dẫn dụ để diệt côn trùng có hại, kết hợp bao trái để tránh ruồi vàng, đảm bảo mẫu mã, chất lượng trái. Chỉ với hơn 3 ha cây vú sữa 10 năm tuổi mang về thu nhập cho hợp tác xã hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Không chỉ vú sữa hoàng kim, chuối tím, xoài tím, mít ruột đỏ... là những loại trái cây đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Hợp tác xã Phước Thiện. Để đáp ứng nhu cầu, hỗ trợ nhân dân địa bàn mở rộng sản xuất và chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hiện hợp tác xã đang nhân giống khoảng 20 ngàn cây để cung ứng ra thị trường và cam kết đầu ra sản phẩm cho người dân trong và ngoài địa phương.

Ông Đoàn Mạnh Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Bù Đốp có tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp trên 4.800 ha, trong đó cây công nghiệp là chủ lực. Trong thời gian qua, tình hình sản xuất trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do giá nông sản bấp bênh, khí hậu biển đổi thất thường, bên cạnh đó, việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp là thách thức không nhỏ đối với người dân. Từ thực tế đó, huyện đã đề ra giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển; trong đó huyện chỉ đạo các xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, lựa chọn các cây trồng có tiềm năng, thế mạnh gắn với thị trường tiêu thụ đưa vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Qua đó, nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: xoài, dừa, quýt, bưởi da xanh... Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc phát triển cây ăn trái của Bù Đốp là hướng đi đúng. Song, để nâng cao giá trị hơn nữa, ngành nông nghiệp huyện sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung để sản xuất ra sản phẩm đồng nhất, có sản lượng lớn nhằm xây dựng thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Đức Trung

  • Từ khóa
94569

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu