Thứ 7, 20/04/2024 12:43:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 14:41, 21/06/2018 GMT+7

World Cup 2018: Đội tuyển Senegal “giải cứu” cho cả châu Phi

Nguồn TTXVN
Thứ 5, 21/06/2018 | 14:41:00 238 lượt xem
BPO - Các cầu thủ Senegal đã chứng tỏ mình là niềm hy vọng của châu Phi tại World Cup lần này sau trận đấu với Ba Lan ngày 19/6.

Các cầu thủ Senegal ăn mừng chiến thắng trong trận gặp Ba Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đây là chiến thắng đầu tiên sau các thất bại liên tiếp mà 4 đại diện khác của châu Phi phải gánh chịu (Ai Cập - 2, Maroc - 2, Nigeria - 1 và Tunisia - 1).

Trước chiến thắng này, người hâm mộ châu Phi đã bắt đầu nghĩ đến một kỳ World Cup “tối tăm” của "Lục địa Đen" sau những chiến tích của Nigeria và Algeria cách đây 4 năm (khi lọt vào vòng đấu loại trực tiếp) cũng như Ghana năm 2010 (lọt vào danh sách 8 đội mạnh nhất).

Maroc - đội bóng đầu tiên chia tay World Cup 2018

Huấn luyện viên Herve Renard của Maroc đã rất thất vọng sau cú đánh đầu đốt lưới nhà của Aziz Bouhaddouz những phút cuối trận đấu gặp Iran, khiến đội bóng Bắc Phi chịu thất bại sát nút trước Iran.

Trong trận đối đầu nhà đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha tại lượt đấu thứ 2 (ngày 20/6), khó khăn mà Maroc phải đối mặt đã nhân lên gấp bội khi Bồ Đào Nha sớm có được bàn thắng dẫn trước nhờ công của siêu sao Ronaldo (ngay phút thứ 4).

Trong phần còn lại của trận đấu, Maroc đã chơi rất nỗ lực và có được nhiều cơ hội để ghi bàn nhưng không thể thành công và phải chịu thêm một thất bại với tỉ số tối thiểu. Sau 2 trận, "những chú sư tử Atlas" chưa có điểm và chưa ghi được bàn nào.

Trong khi đó, 3 đối thủ còn lại của họ đều đã có điểm. Cho dù trận đấu giữa Tây Ban Nha và Iran sau đó diễn ra như thế nào đi chăng nữa thì vị trí cao nhất mà Maroc có được cũng chỉ là thứ 3 ở bảng B. Do vậy, trận thua này đã khiến Maroc trở thành đội đầu tiên chia tay World Cup 2018.
 

Một pha tranh bóng của các cầu thủ Maroc và Bồ Đào Nha. (Nguồn: THX/TTXVN)

Salah và Ai Cập - nỗi thất vọng to lớn

Tiếp sau phấn khích có được kể từ lần đầu tiên xuất hiện tại Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới năm 1990, các Pharaoh đang phải vật lộn để tìm "cửa thoát hiểm" sau 2 trận đầu tiên.

Sức mạnh của đội bóng do huấn luyện viên Hector Cuper dẫn dắt đã bị ảnh hưởng đáng kể do vấn đề về thể lực của Mohamed Salah - người đã không thể ra sân trong thất bại 0-1 trước Uruguay tại Yekaterinburg.

Ngày 19/6, Salah đã quay trở lại, nhưng không thể ngăn chặn một thất bại tiếp theo của Ai Cập tại Saint Peterburg (bị đội chủ nhà Nga đánh bại 3-1). Bàn thắng trên chấm phạt đền rút ngắn tỷ số xuống còn 1-3 của tiền đạo đang thi đấu cho Liverpool chỉ mang ý nghĩa an ủi.

Huấn luyện viên Cuper bày tỏ sự tiếc nuối "sẽ rất khó biết được chuyện gì sẽ xảy ra (nếu như Salah không bị chấn thương)."

Ai Cập chưa từng chiến thắng một trận đấu nào tại World Cup sau 6 lần thử sức. Chỉ có Honduras (9 trận) là đội đã chơi nhiều trận đấu tại World Cup hơn mà không có được chiến thắng nào.

Trận thua thứ 2 liên tiếp đã khiến các cầu thủ và người hâm mộ Ai Cập "sống trong thấp thỏm" vì họ biết rằng chỉ cần một trận hòa của Uruguay trước Saudi Arabia là đại diện của châu Phi chính thức bị loại.

Và điều lo ngại của các Pharaoh đã trở thành hiện thực khi đội bóng Trung Đông đã bị Uruguay đánh bại bằng bàn thắng duy nhất của Luis Suarez. Ai Cập trở thành đội bóng thứ 2 tại World Cup lần này phải "xách vali về nước" sớm.

Nigeria "ngây thơ” và Tunisia "thiếu bản lĩnh"

Góp mặt trong một bảng đấu khó khăn với sự có mặt của Argentina, “siêu đại bàng” của huấn luyện viên Gernot Rohr dường như tội nghiệp hơn cả khi thất thủ 0-2 trước Croatia tại Kaliningrad.

Được xem là đội bóng có tuổi đời trẻ nhất giải (độ tuổi trung bình 25,5, trong đó thủ môn Francis Uzoho - 19 tuổi 7 tháng là thủ môn trẻ thứ 2 thi đấu tại một kỳ World Cup), kinh nghiệm là điều mà các cầu thủ Nigeria còn thiếu.

Huấn luyện viên Gernot Rohr thừa nhận đôi khi các cầu thủ của ông tiếp cận trận đấu hơi "ngây thơ," khiến kết quả đạt được không có nhiều tích cực, nhưng ông cũng mong trong thời gian tới vấn đề này sẽ được sớm giải quyết.

Bản lĩnh cũng là vấn đề mà các cầu thủ Tunisia còn thiếu. Trước khi Vòng chung kết World Cup 2018 chính thức diễn ra, huấn luyện viên Nabil Maaloul của đội bóng Bắc Phi khẳng định các cầu thủ của ông sẽ gây bất ngờ cho Bỉ và Anh.

Họ đã gần như làm được điều đó trong trận đấu đầu tiên với Tam Sư khi đứng vững đến những phút cuối cùng của trận đấu, và chỉ sụp đổ với bàn thắng muộn của Harry Kane.

Tunisia đang trải qua chuỗi 12 trận tại World Cup không biết đến chiến thắng, kể từ khi đánh bại Mexico năm 1978. Chỉ có Bulgaria (17 trận) đã phải chịu một “đợt hạn hán chiến thắng” dài hơn.

Senegal mong tái hiện giấc mơ World Cup 2002

Sau khi chứng kiến các đại diện khác của châu lục phải đón nhận những thất bại, Senegal đã gỡ gạc lại thể diện cho "Lục địa Đen" bằng chiến thắng 2-1 trước "Đại bàng trắng" Ba Lan trong trận đấu cuối cùng của loạt trận đấu đầu tiên (ngày 19/6).

Sadio Mane được xem là cầu thủ nguy hiểm nhất của đội bóng châu Phi nhưng tốc độ của Mbaye Niang cũng như sai lầm của thủ môn Wojciech Szczesny cùng pha đốt lưới nhà của Thiago Cionek đã mang lại chiến thắng cho Senegal.

"Những chú sư tử Teranga" đang tái hiện giấc mơ mà họ từng có được vào năm 2002 khi vào đến Tứ kết của giải đấu. Và bây giờ, toàn bộ châu Phi đang ủng hộ cho đội bóng của huấn luyện viên Aliou Cisse.

  • Từ khóa
105182

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu