Thứ 7, 20/04/2024 19:49:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:33, 27/11/2014 GMT+7

Xã Đường 10: 36 phòng học tạm, 3 phòng học mượn

Thứ 5, 27/11/2014 | 15:33:00 604 lượt xem
BP - Đường 10 là xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn của huyện Bù Đăng được thành lập năm 2009. Hệ thống giáo dục của xã nhiều năm qua chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nên phòng học các trường phần lớn còn tạm, mượn.

Trường THCS Nguyễn Khuyến nằm ngay trung tâm xã, nhưng nếu không có bảng hiệu không ai biết là trường học, vì phần lớn phòng học, phòng chức năng đều được dựng tạm bằng tôn. Cô Nguyễn Thị Miên, Hiệu phó nhà trường cho biết: Trường được thành lập năm 2009, trước đây là điểm lẻ của trường THCS Chu Văn An (xã Đắk Nhau) với 3 phòng học cấp 4. Từ đó đến nay, trường vẫn chưa được đầu tư thêm. Để có phòng học, hàng năm, trường kêu gọi xã hội hóa từ 1 đến 2 phòng. Năm đầu, trường kêu gọi đóng góp 100 ngàn đồng/em, các năm tiếp theo 200 ngàn đồng/em và năm học 2014-2015 trường thu 300 ngàn đồng/em nhưng vẫn không đủ. Vì để làm 1 phòng học và mua sắm bàn ghế, bảng, kéo điện, quạt thì kinh phí khoảng 80 triệu đồng, trong khi đó nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Hầu hết cơ sở vật chất của trường THCS Nguyễn Khuyến còn tạm bợ

Dù thiếu thốn đủ bề nhưng nhờ sự nỗ lực của thầy cô mà chất lượng giáo dục của trường năm sau cao hơn năm trước, các chỉ tiêu giao đều đạt và vượt. Năm học 2013-2014, trường có 7 học sinh giỏi cấp huyện (tăng 4 em so năm học trước) và 4 học sinh giỏi cấp tỉnh.

Hiện trường có 427 học sinh/13 lớp nhưng chỉ có 9 phòng, trong đó 4 phòng học, 2 phòng chức năng tạm bợ. Do thiếu phòng học nên trường hầu như không có ngày nghỉ. Từ thứ Hai đến thứ Bảy tổ chức học chính khóa, ngày Chủ nhật phụ đạo học sinh yếu, họp tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm, còn bồi dưỡng học sinh giỏi thì các giáo viên tự dạy tại nhà. Diện tích chỉ có 2.500m2 nên trường vẫn chưa có sân chơi, bãi tập. Cổng và hàng rào được dựng tạm lưới sắt. Trong 32 năm dạy học, tôi chưa thấy trường nào “hoàn cảnh” như trường này.

Cô Nguyễn Thị Miên, Hiệu phó trường THCS Nguyễn Khuyến

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có 771 học sinh/30 lớp, nhưng nhiều năm qua vẫn chỉ có 18 phòng học cấp 4 được xây dựng từ lâu. Để đáp ứng nhu cầu dạy học, trường vận động xã hội hóa dựng tạm 6 phòng học và mượn 2 nhà văn hóa thôn. Trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ. Điểm chính có 15 phòng cấp 4 được xây dựng từ năm 2001, 2006 và 3 phòng học lợp tôn, chưa có phòng chức năng: 3 điểm lẻ tại thôn 2 và thôn 5 có 8 phòng học, trong đó 3 phòng cấp 4, còn lại là nhà tôn và mượn nhà văn hóa thôn. Thầy Trần Hữu Quý, Hiệu phó nhà trường cho biết: Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, học sinh phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chất lượng dạy học của trường vẫn bảo đảm, tỷ lệ duy trì sĩ số luôn đạt 100%. Để đảm bảo nhu cầu dạy học theo quy định, ngoài các phòng chức năng, khối hiệu bộ, trường còn thiếu 12 phòng học và 6 giáo viên.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đăng cho biết: Năm học 2014-2015 toàn huyện có 1.080 phòng, trong đó 948 phòng học, 92 phòng hiệu bộ và 40 phòng công vụ. Cơ sở vật chất các trường vẫn còn thiếu nhiều; các phòng học xuống cấp nặng nhưng do vẫn phải sử dụng. Hiện tất cả các cấp học còn 36 phòng học tạm, 33 phòng học mượn. Các phòng học bộ môn, phòng chức năng, nhà công vụ chưa có kinh phí xây dựng. Hàng năm, Phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện phân bổ kinh phí xây dựng, tu sửa, mua sắm trang thiết bị nhưng do còn khó khăn nên việc đầu tư sẽ kéo dài trong nhiều năm.              

V. Thuyên

  • Từ khóa
50337

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu