Thứ 6, 19/04/2024 08:51:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:35, 03/04/2015 GMT+7

Xã hội hóa chợ nông thôn mới - Liệu có khả thi?

Thứ 6, 03/04/2015 | 06:35:00 311 lượt xem
BP - Xây dựng chợ nông thôn mới (NTM) theo hình thức xã hội hóa là phương án đang được Ban chỉ đạo xây dựng NTM Đồng Phú lựa chọn để thực hiện một số chợ trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thời gian thực hiện NTM 2011-2015 đang đi đến giai đoạn cuối nhưng các chợ NTM theo hình thức này chỉ mới dừng lại ở công đoạn thẩm định.


Buôn bán ế ẩm, các ki-ốt trong nhà lồng chợ Tân Phước đều bị bỏ hoang nên tiểu thương không mặn mà với đấu thầu ki-ốt tại chợ mới

Hiện huyện Đồng Phú đã phê duyệt cho xã Tân Phước đầu tư xây dựng chợ NTM theo hình thức xã hội hóa. Xã Tân Tiến, thị trấn Tân Phú cũng đang thiết kế đầu tư xây dựng chợ NTM theo mô hình xã hội hóa. Tuy vậy một số chợ vẫn chờ kinh phí, tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện theo mô hình xã hội hóa?

Không có vốn

Ngày 13-2-2015, UBND huyện Đồng Phú đã ban hành Quyết định số 430 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Phước. Theo đó, chợ Tân Phước do UBND xã làm chủ đầu tư với quy mô 120 ki-ốt trong chợ, khu vực kinh doanh buôn bán ngoài trời và các hạng mục phụ trợ trên diện tích xây dựng hơn 10.540m2, kinh phí dự trù là hơn 10,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết: Hình thức đầu tư đối với chợ Tân Phước là thu hồi đất, đấu giá đất, đấu giá ki-ốt, sạp, điểm kinh doanh trong 20 năm để nộp ngân sách nhà nước tạo vốn đầu tư, sau đó đấu thầu xây dựng công trình. Hầu hết chủ đầu tư sẽ phải khai thác triệt để các nguồn thu, căn cứ số thu từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá ki-ốt, sạp, điểm kinh doanh để tổ chức đấu thầu từng hạng mục công trình theo thứ tự ưu tiên cho phù hợp. UBND huyện không bổ sung vốn từ ngân sách để bù đắp phần thu không đạt.

Trong khi đó, từ tháng 6-2009, Ban quản lý xây dựng NTM xã Tân Lập đã trình đề án nâng cấp chợ theo hướng xã hội hóa nhưng sau gần 5 năm, chợ mới vẫn chưa xây dựng, trong khi chợ cũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng và quá tải.

Ông Bùi Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Đến nay chợ theo hình thức NTM vẫn chưa được xây dựng là do thiếu kinh phí. Nguyên nhân do phải thực hiện theo quy định của cấp trên là đấu giá quyền sử dụng các nền đất để bổ sung vào ngân sách nhà nước, sau đó cân đối rót vốn đầu tư. Trong khi Sở Tài chính quy định giá các nền đất quá cao nên không bán được. Mặt khác, các nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng chợ hạn hẹp. Do đó, từ năm 2009 đến nay chợ mới vẫn chỉ nằm trên giấy.

Người dân băn khoăn?

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, xây dựng chợ theo hình thức NTM với xu hướng xã hội hóa, những tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ được ưu tiên, bố trí mặt bằng kinh doanh tương ứng, phù hợp với vị trí cũ; giá thuê là giá sàn được UBND tỉnh phê duyệt. Khi triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công sẽ bố trí chợ tạm cho các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ bảo đảm vững chắc, an toàn và thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Thế nhưng khi chúng tôi đến chợ cũ xã Tân Phước vẫn đang hoạt động thì nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân. Đa phần các tiểu thương có số ki-ốt đang hoạt động tại chợ đều bày tỏ những băn khoăn về chợ mới cũng như cách quản lý hoạt động của chợ.

Bà N.T.S buôn bán tạp hóa từ ngày chợ Tân Phước mới thành lập đến nay cho biết: “Tôi kinh doanh buôn bán ở chợ từ ngày chợ mới thành lập. Hơn 5 năm, tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế và xây dựng chợ. Thế nhưng, vừa qua chúng tôi được triệu tập lên xã để nghe thông báo về xây chợ mới nhưng bằng hình thức đấu giá ki-ốt với số tiền cao chót vót. Cụ thể, chúng tôi sẽ đấu giá một ki-ốt với số tiền gần 80 triệu đồng trong vòng 20 năm. Chỉ làm một phép so sánh thì chúng tôi thấy nó quá cao so với thực trang buôn bán ở chợ. Bởi vì, thực trạng buôn bán ở chợ Tân Phước luôn trong tình trạng ế ẩm. Khi mới thành lập có 42 ki-ốt trong lồng chợ hoạt động nhưng chưa đầy 5 năm, chỉ còn lại 5 ki-ốt. Hộ tiểu thương buôn bán lớn cũng ngán ngẩm huống hồ những hộ buôn bán nhỏ lẻ”.

Cách đây hơn 1 năm, chị T.T.H sang lại một ki-ốt để có vị trí cố định trong chợ Tân Phước cho thuận tiện bám nghề sửa quần áo cũ. Chị H cho biết: Vì gia đình không có vườn rẫy nên đi vay 50 triệu đồng sang lại ki-ốt để chạy bữa cho các con ăn học. Chưa kịp thu hồi vốn thì đã phải triệu tập lên để đấu thầu ki-ốt ở chợ mới. Nếu cộng lại chúng tôi phải đóng trên 100 triệu đồng để có ki-ốt. Do đó, nếu không hạ thấp giá đấu thầu, chúng tôi đành bỏ chợ.

Ông Hoàng Anh Hùng, cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Đồng Phú cho biết: Xã hội hóa xây dựng chợ NTM hiện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc bởi trước mắt sẽ khó tìm nhà đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Phần lớn các chợ nông thôn nằm ở vùng ít lợi thế về vị trí thương mại nên chậm thu hồi vốn sau đầu tư. Theo quy hoạch cũ, các chợ hầu hết không đảm bảo diện tích, trong khi đó hiện đều nằm tại những vị trí trung tâm của địa phương, vì thế, nhà đầu tư sẽ gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nếu chọn một địa điểm khác để xây dựng thì rất khó vận động người dân chuyển vào chợ mới. Khó khăn không kém là phần lớn tiểu thương lâu nay đều nặng tư tưởng được bao cấp trong kinh doanh ở các chợ do Nhà nước đầu tư. Cộng với năng lực kinh tế, kiến thức thương mại của tiểu thương ở chợ nông thôn còn hạn chế, môi trường giao thương chưa sôi động nên họ ngại bỏ tiền mua ki-ốt và trả phí với số tiền cao hơn cho dù chợ mới khang trang và thuận tiện hơn. 

  Cẩm Liên

 

  • Từ khóa
53786

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu