Thứ 6, 29/03/2024 00:22:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:30, 23/07/2014 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2014)

Xã hội hóa giúp người có công

Thứ 4, 23/07/2014 | 13:30:00 1,560 lượt xem
BP - Những năm qua, ngoài việc thực hiện các chính sách động viên, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết… đối với người có công, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú còn đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa nhằm giúp các gia đình chính sách vươn lên có mức sống cao hơn hoặc ngang bằng với người dân bình thường.

Vận động xã hội hóa

Theo thống kê của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú: Toàn huyện có 640 đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp hàng tháng và khoảng 950 người có công hưởng trợ cấp 1 lần. Năm 2012, từ kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 và kết quả phúc tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, có 16 gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo (cao nhất tỉnh) và 9 gia đình thuộc hộ cận nghèo.

Ông Trần Văn Xếp được phụng dưỡng 200 ngàn đồng/tháng từ nguồn xã hội hóa

 
Ông Phạm Xuân Hưởng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú cho biết: “Trong tổng số 25 gia đình người có công thuộc diện nghèo và cận nghèo đa phần đều khó khăn về nhà ở. Trong đó, 6 gia đình không có khả năng xây dựng nhà mới và 9 hộ có nhà cần được sửa chữa. Bằng phương pháp xã hội hóa, từ năm 2000 đến nay chúng tôi đã vận động sự đóng góp, ủng hộ của các mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương xây dựng 127 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng”.

Bên cạnh việc xã hội hóa xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện  còn đứng ra vận động các đoàn thể nhận phụng dưỡng người có công. Chị Nguyễn Thị Nhài, cán bộ Chính sách - người có công (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú) cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có 14 người có công, hết tuổi lao động, già yếu, gia đình không có nguồn thu nhập. Để giúp họ vơi đi khó khăn, vươn lên có mức sống ngang bằng với người dân nơi cư trú, ngoài các chính sách hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết, chúng tôi giao các đoàn thể nhận phụng dưỡng, mỗi tháng từ 200 đến 300 ngàn đồng/hộ, đồng thời vận động mỗi ủy viên Thường trực Huyện ủy đóng góp 200 ngàn đồng/tháng để hỗ trợ người có công”.

Giúp người có công vươn lên thoát nghèo

Ông Trần Văn Sơn, cán bộ Chính sách - người có công xã Tân Lập cho biết: “Khi được giao nhận phụng dưỡng gia đình ông Trần Văn Xếp (84 tuổi) ở ấp 9, xã Tân Lập, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cùng lãnh đạo xã Tân Lập đã vận động 3 trường học (mầm non, tiểu học và THCS) trên địa bàn xã, mỗi tháng phụng dưỡng ông Xếp 200 ngàn đồng. Đây là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nên các trường đều nhiệt tình đóng góp”.

Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400 ngàn đồng/người/tháng (4,8 triệu đồng/năm) trở xuống; ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500 ngàn đồng/người/tháng (6 triệu đồng/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng/người/tháng đến 520.000 đồng/người/tháng; ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng/người/tháng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Chia sẻ niềm vui khi được xã hội quan tâm, ông Trần Văn Xếp cho biết: Các con đã lập gia đình và ra ở riêng. Nhà chỉ còn 2 ông bà già yếu, hết tuổi lao động. Ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng dành cho người cao tuổi (180 ngàn đồng/người), tôi còn nhận được mỗi tháng 200 ngàn đồng từ các trường học.

Bà Bùi Thị Quyếch (77 tuổi) ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến (Đồng Phú), người có công được hưởng trợ cấp 1 lần, hiện đang sống một mình cho biết: Không có nguồn thu nhập nào, tuổi đã cao lại không thể lao động. Hai đứa con đã đi lấy chồng, kinh tế cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì. Để có tiền sinh hoạt hàng ngày, tôi mở cửa hàng bán tạp hóa tại nhà. Một ngày lời được 15-20 ngàn đồng, phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ. Nay được nhận phụng dưỡng của Phòng Nội vụ huyện, mỗi tháng 300 ngàn đồng nên không còn khó khăn như trước. Tôi rất biết ơn các đoàn thể đã quan tâm đến gia đình.

Nguồn xã hội hóa đã giúp nhiều gia đình có công với cách mạng vươn lên mức sống khá hơn. Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú: “Năm 2012, toàn huyện có 25 gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cuối năm 2013, các hộ này đã vươn lên thoát nghèo, hiện chỉ còn 2 hộ cận nghèo là hộ ông Mã Văn Hạ và Phạm Minh Nhiễm ở xã Tân Phước”.            

Thùy Hương

  • Từ khóa
11427

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu