Thứ 5, 18/04/2024 14:53:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:18, 24/06/2014 GMT+7

“Xã hội” và “hóa”

Thứ 3, 24/06/2014 | 16:18:00 150 lượt xem
BP - Nhiều năm làm công tác biên tập, người viết bài này đã gặp rất nhiều bản thảo (cả của phóng viên và cộng tác viên) hay mắc tật lạm dụng từ ngữ. Mà cụm từ thường hay bị lạm dụng nhất là “trách nhiệm của toàn xã hội”.

Đáng nói là cụm từ này không chỉ bị lạm dụng bởi các cơ quan quản lý nhà nước mà có cả các nhà báo cũng lạm dụng. Trong báo cáo của ngành nông nghiệp về tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép, người ta hô hào sự chung tay của toàn xã hội. Đề cập đến tệ nạn ma túy, mại dâm, ngành công an cũng nhấn mạnh trách nhiệm toàn xã hội. Rồi phòng chống cháy nổ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường cũng cần sự chung tay của toàn xã hội. Thậm chí phòng chống dịch bệnh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học hay huy động sự đóng góp xây dựng trường học, đường giao thông, nhà văn hóa... người ta cũng hô hào sự chung tay của toàn xã hội. Hình như hễ không biết gán trách nhiệm cho ngành nào thì người ta sẽ gán cho “toàn xã hội” thì phải!

Ở góc độ chuyên môn, khi gặp những bản thảo lạm dụng cụm từ này, tôi nghĩ ngay là người viết bí. Vì bí nên không thể tham mưu được điều gì cụ thể, thiết thực hơn. Thôi thì cứ nại “toàn xã hội” ra cho an toàn, ngành nào, cấp nào cũng có và bài viết như vậy là “đã có định hướng”! Với người làm công tác biên tập, gặp những bản thảo như vậy thường bị ức chế. Có những bài triển khai, giải quyết các ý rất ổn, nhưng đến khi kết thúc vấn đề thì tác giả lại lạm dụng cụm từ nói trên, gây sự nhàm chán cho người đọc.

Đành rằng trong xã hội, mỗi con người đều góp phần nhất định vào sự phát triển của cộng đồng, của dân tộc, nhưng dù là xã hội nào thì cũng có nguyên tắc ủy quyền. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị được ủy quyền một lĩnh vực, một công việc cụ thể nào đó sẽ được kèm theo các điều kiện về nguồn lực, phương tiện và quyền hành để thực thi. Vậy thì trách nhiệm về một lĩnh vực, một vấn đề nào đó, trước hết phải thuộc về một ngành, cơ quan, đơn vị và cá nhân phụ trách chứ!

Một từ cũng thường bị lạm dụng trong rất nhiều văn bản, bài báo là từ “hóa”. Có lẽ bắt đầu từ cụm từ “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” hoặc “cơ giới hóa” mà đến bây giờ, người ta cho nhiều thứ “hóa” đến thế. Một thời, người ta “ngói hóa” trường học, nhà dân. Đến khi xã hội phát triển hơn, thì cụm từ “kiên cố hóa trường lớp” được sử dụng tràn lan. Huy động sự đóng góp của cộng đồng được gọi là “xã hội hóa”. Dẫn nước ngọt về để thau rửa những vùng ngập mặn thì được gọi là “ngọt hóa” những cánh đồng. Rồi thì “xi măng hóa”, “bê tông hóa” đường giao thông nông thôn, “nhựa hóa” đường hẻm hay “ngầm hóa” cáp điện ở các đô thị, “trẻ hóa” vườn cà phê, vườn điều (sử dụng phương pháp cưa cây, ghép chồi), “già hóa” (hay trẻ hóa) dân số... Thôi thì vô số những từ “hóa” được “sáng tạo” và sử dụng một cách rất tùy tiện. Nếu cứ cái đà “sáng tạo” này, sẽ đến lúc có những từ mới xuất hiện như “lụa hóa” (áo quần), “tay ga hóa” (xe gắn máy) hay “i-ốt hóa” (muối ăn)... cũng nên!

Khoảng hai chục năm trước, trong vốn ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta làm gì có từ ổ cứng, ổ mềm, computer hay google... Xã hội ngày càng phát triển, ngôn ngữ cũng sẽ phát triển theo để thích ứng là đương nhiên. Nhưng nếu cứ nhân danh sự phát triển để lạm dụng từ ngữ như đã nêu và gọi đó là “sáng tạo” thì không chỉ không làm cho ngôn ngữ Việt phát triển mà đang làm méo mó, làm nghèo đi vốn ngôn ngữ và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.                          

T.N

  • Từ khóa
108378

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu