Thứ 5, 25/04/2024 08:33:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:08, 22/03/2019 GMT+7

Xây dựng chính quyền điện tử phải tạo đột phá thật sự

Thứ 6, 22/03/2019 | 09:08:00 1,232 lượt xem
BP - Ngày 21-3, UBND tỉnh họp Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử quý 1/2019 nhằm thông qua báo cáo tình hình triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước và kế hoạch hoạt động năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 29-10-2018 của UBND tỉnh, có 11 nhiệm vụ được giao và đã đạt một số kết quả như: Hoàn thành việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai các dự án. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan đảng, nhà nước đến 188 điểm. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ xây dựng hoàn thành, đã kết nối, liên thông ngang, dọc 4 cấp từ Chính phủ đến xã được 31/188 đơn vị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và trả kết quả các cấp đang ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bước đầu được đánh giá tốt, đang tiếp tục triển khai thử nghiệm đến huyện, xã. Đã triển khai xong hội nghị truyền hình trực tuyến xuống một số huyện và đang tiếp tục triển khai đến các huyện còn lại.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Nguyễn Minh Bình nêu lên 13 vấn đề cần giải quyết, như: Chỉ đạo các đơn vị đang sử dụng phần mềm Voffice nâng cấp, thay thế và tập huấn sử dụng; tích hợp chữ ký số, thống nhất chỉ sử dụng 1 mã định danh cho 1 phần mềm. Thống nhất việc cấp mã định danh cho các cơ quan đảng để kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan nhà nước...

Năm 2018, số hồ sơ dịch vụ công phát sinh trực tuyến còn thấp. Tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm là 2,75%, trong đó chỉ tiêu Trung ương đưa ra tối thiểu 60%; tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 1,38%, chỉ tiêu của Trung ương đưa ra là 40%; tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 4 đạt 7,36%, chỉ tiêu của Trung ương đưa ra 30%. Nguyên nhân do cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân, chưa hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ điện tử của cơ quan giải quyết TTHC...

Sau khi các thành viên Ban chỉ đạo đóng góp ý kiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cơ bản thống nhất nội dung báo cáo tại cuộc họp và yêu cầu thành viên ban chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu các văn bản để góp ý, tạo bước đột phá trong thực hiện chính quyền điện tử.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
26699

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu