Thứ 6, 29/03/2024 13:54:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:10, 21/01/2017 GMT+7

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với thế trận ANND

Thứ 7, 21/01/2017 | 14:10:00 3,438 lượt xem

BP - Bình Phước có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong thế trận khu vực phòng thủ của Quân khu 7. Những năm qua, bằng ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường tiềm lực QP-AN. Tuy nhiên, Bình Phước vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phát triển còn hạn chế, mặt bằng dân trí thấp. Hơn nữa, trên tuyến biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá. Cùng với đó, ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn và đẩy lùi... Những yếu tố này đã tác động nhiều đến quá trình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN GẮN VỚI THẾ TRẬN AN NINH NHÂN DÂN

Để thực hiện tốt sự kết hợp giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, tỉnh đã vận dụng nhiều biện pháp thiết thực, cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Nhất là sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”, sự kết hợp giữa QP-AN trên địa bàn tỉnh càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Cụ thể, tỉnh đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước về QP-AN. Xây dựng xã, phường vững mạnh toàn diện, thế trận lòng dân vững chắc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong khu vực phòng thủ, xây dựng tỉnh, thành khu vực phòng thủ “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736 lau vũ khí trang bị sau giờ huấn luyện

Trong quá trình quy hoạch khu vực phòng thủ, tỉnh đã chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với QP-AN. Công tác hậu cần - kỹ thuật được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm nhiệm vụ thời chiến. Hệ thống thao trường đang được khảo sát, đầu tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện của lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm được triển khai đồng bộ, có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn sự gia tăng tội phạm. Quản lý nhà nước về trật tự xã hội có chuyển biến tích cực. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh được phát động mạnh mẽ với nhiều mô hình hoạt động phong phú, hiệu quả. Các cấp, ngành đã phối hợp chặt chẽ, giải quyết tốt nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến an ninh trật tự nên không để xảy ra điểm nóng.

Đồng thời, tỉnh phối hợp các ngành chức năng, lực lượng công an, quân sự, biên phòng làm tốt tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, đạt hiệu quả thiết thực. Công tác phổ biến kiến thức QP-AN toàn dân qua truyền thông đại chúng được 2.535 tin, bài, phóng sự, hình ảnh; qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình (5.625 lần phát thanh, 276 lần phát sóng). Thực hiện tuyên truyền qua sinh hoạt lễ hội, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể được 7.689 lần, với 1.285.565 lượt người tham gia. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố thế trận lòng dân, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biên giới, biển, đảo trong tình hình hiện nay.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUỐC PHÒNG

Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức tốt việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về QP-AN cho mọi đối tượng, trước hết là cho cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, huyện, thị cụ thể hóa những quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, triển khai các biện pháp thực hiện đồng bộ, phù hợp tình hình thực tế; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường QP-AN. Ngoài đầu tư ngân sách địa phương xây dựng một số hạng mục trong căn cứ hậu phương thì thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố QP-AN trên địa bàn, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở trung tâm tỉnh. Đồng thời quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả ngân sách cấp trên, kết hợp huy động ngân sách địa phương bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16-CT/BCT của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong tình hình mới”. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện nhiệm vụ xây dựng dân quân tự vệ, dự bị động viên, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiện toàn đội ngũ ban CHQS các xã, phường, thị trấn, cơ quan. Đến nay, tổng số dân quân tự vệ toàn tỉnh đạt 1,5% số dân; toàn tỉnh có 106/134 tiểu đội dân quân thường trực có đảng viên; 75/111 trung đội dân quân cơ động có tổ đảng; 100% xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự (trong đó 28 chi bộ có chi ủy); tổ chức xây dựng lực lượng dân quân 15 xã biên giới đạt 1,32%; thành lập, củng cố, kiện toàn 83 ban CHQS cơ quan, tổ chức cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã...

Yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi tỉnh Bình Phước phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương, bảo đảm gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị. Bên cạnh đó chủ động nắm chắc tình hình trên tuyến biên giới, nội địa, kịp thời phát hiện và giải quyết những vụ việc nảy sinh từ cơ sở; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo sự đồng thuận xã hội, phấn đấu xây dựng Bình Phước ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình
Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh

  • Từ khóa
3760

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu